'Nếu không chống biến đổi khí hậu, con người sẽ phải tị nạn'

Tại COP21, Tổng thống Mỹ nói nếu không hành động mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu, người dân các đảo quốc sẽ phải rời bỏ quê hương và thành những người tị nạn.

Nếu không chống biến đổi khí hậu con người sẽ phải tị nạn
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại COP21. Ảnh: AP

Ông Obama đang họp với các nhà lãnh đạo các quốc đảo chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi biến đổi khí hậu. Các nước đó bao gồm Kiribati, quần đảo Marshall, St. Lucia, Barbados và Papua New Guinea.

Cuộc gặp diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại thủ đô Paris của Pháp.

Obama nói rằng dù các quốc đảo không phải là các nước đông dân hay bị ảnh hưởng nặng nhất từ biến đổi khí hậu, người dân của họ nằm trong số những đối tượng dễ tổn thương nhất từ hiện tượng này.

"Nếu không hành động mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu, con người có thể buộc phải rời bỏ các quốc đảo và trở thành những người tị nạn", ông Obama nói.

Lãnh đạo Mỹ kêu gọi sự tài trợ toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu của các quốc đảo khi họ thích ứng với sự thay đổi của khí hậu.

Trước đó vài phút, ông Obama nêu ý kiến về khuôn khổ pháp lý đối với thỏa thuận. Theo lãnh đạo Mỹ, thỏa thuận phải có quy định minh bạch và mục tiêu cắt giảm carbon phải có tính ràng buộc pháp lý.

Ông Obama cũng so sánh biến đổi khí hậu với các vấn đề liên quan chủ nghĩa khủng bố và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. “Tôi lạc quan. Tôi nghĩ chúng sẽ giải quyết được. Nói theo cách khác, biến đổi khí hậu cũng giống vấn đề liên quan tới chủ nghĩa khủng bố và IS”, Obama nói. Theo ông, trên cả hai mặt trận, Mỹ đều phải “tiếp tục hành động”, “nhìn nhận vấn đề” và “đẩy lùi nỗi sợ hãi”.

Tổng thống Mỹ cho biết, ông tin thế giới sẽ có thể giải quyết vấn đề liên quan tới sự nóng lên toàn cầu và mọi người không nên tuyệt vọng. “Biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn và mang tính thế hệ. Thông điệp chính mà tôi muốn nói là chúng ta sẽ giải quyết được điều này”, ông Obama nói.

COP21 diễn ra trong bối cảnh Nghị định thư Kyodo sẽ hết hạn vào năm 2020. Người ta kỳ vọng các lãnh đạo thế giới thống nhất để đạt được thỏa thuận mới mang tầm quốc tế, phù hợp với điều kiện các nước và bảo vệ môi trường toàn cầu.

Ngày 30/11, bên lề COP21, ông Obama gọi mối đe dọa toàn cầu về biến đổi khí hậu là “vấn đề cấp bách về kinh tế và an ninh mà chúng ta cần giải quyết ngay bây giờ”. Theo lãnh đạo Mỹ, nếu trái đất vẫn tiếp tục nóng lên, không lâu sau đó, con người sẽ phải “huy động nhiều hơn nữa nguồn lực kinh tế và quân sự, mà đáng lẽ chúng được dùng để phát triển cơ hội cho tất cả mọi người”. 

Theo Hải Anh (zing)