Mẹo sống chung với thực phẩm bẩn: Phi khoa học

Luộc thịt trước khi chế biến, bóp giấm rượu trước khi nấu ăn là những mẹo không có bằng chứng khoa học nào làm hạn chế hóa chất ở thực phẩm bẩn.

Trước thực tế thực phẩm bẩn, ngâm hóa chất tràn lan trên thị trường và trong các siêu thị ở mức không kiểm soát, nhiều chị em nội trợ chấp nhận cách sống chung với thực phẩm bẩn đồng thời mách nhau các mẹo xử lý thực phẩm sao cho hạn chế được phần nào hay phần ấy các loại hóa chất bảo quản được ngâm, tẩm ướp ở thực phẩm khi mua về.

Tuy nhiên, theo quan điểm của PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thanh Chò, Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện 103- Học viện Quân Y  không có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc dùng giấm, rượu, hay luộc sơ thịt trước khi nấu chín sẽ giúp giảm thiểu lượng hóa chất trong thực phẩm.


Luộc sơ thịt rồi mới chế biến sẽ làm mất giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

"Không có một chuyên gia hay bằng chứng khoa học nào khẳng định lượng hóa chất sẽ bị mất đi khi luộc sơ thịt trước khi chế biến mà cái thấy đầu tiên là lượng vitamin nhóm B có trong thực phẩm sẽ bị mất đi. Như vậy thực phẩm vừa không ngon lại mất đi các chất dinh dưỡng.

Không chỉ vậy, việc dùng giấm, rượu cũng không có cơ sở khoa học nào chứng minh hạn chế lượng hóa chất trong thịt, rau mà thậm chí còn làm mất đi các dinh dưỡng vốn có", PGS.TS. Nguyễn Thanh Chò khẳng định.

Trong khi đó, việc lựa chọn thực phẩm sao cho hạn chế tối đa khả năng mua phải thực phẩm bẩn, ngâm hóa chất vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các bà nội trợ.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, việc lựa chọn, phân biệt các thực phẩm có nguy cơ nhiễm độc, hóa chất là rất khó hay thậm chí là không thể dù có dùng mẹo nào đi nữa.

Các chị em hay mách nhau dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng khi mua gà phải cầm lên cân đo đong đếm, ngửi, sờ thật kỹ lưỡng để không mua phải gà nhuộm chất vàng O. Song theo như ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, khá là khó để phân biệt được bằng mắt thường.

Ông Ngọc cho biết, gà khi được cho ăn thức ăn có chứa thành phần caroten, thường thấy ở ngô thì da cũng có vàng lên. Song màu vàng này là vàng nhạt, vàng tươi chứ không đậm màu như vàng được quét vàng O lên da.

Tuy vậy, đối với gà được pha bột vàng O với liều lượng thấp, loãng thì màu cũng không đậm và khó phân biệt với gà được nuôi nhiều ngô.

Trong khi đó, khi đi ăn tại các quán cơm, cửa hàng ăn nhanh đã chế biến sẵn, nhìn vào xương của những phần gà được chế biến, nếu phần xương có màu đen thì đó là những thực phẩm đã bị để quá lâu và ướp bảo quản.


Cố lựa chọn thực phẩm sạch cũng khó tránh khỏi nhầm lẫn.

Bên cạnh đó, các loại thịt bệnh, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, để ôi được ngâm tẩm hóa chất cho sạch, tươi lại thì thường không được bày bán công khai bởi rất dễ nhận biết và sẽ bị người dân từ chối ngay. Do vậy, các loại thịt này thường được chuyển tới các nhà hàng, khu công nghiệp để chế biến thức ăn cho công nhân.

Đối với rau, đặc biệt là rau muống được người dân tưới bằng nhớt để tránh sâu, rệp hại cũng khó mà phân biệt với rau được trồng thông thường. Đây là cách được người dân truyền miệng với nhau chứ không hề có cơ quan nào nói rằng có thể dùng cách này thay thế thuốc trừ sâu và không ai đảm bảo nó không gây hại.

Hiện nay, đối với một số loại rau và hoa quả, người dân hay sử dụng thuốc tím để tẩy rửa bớt hàm lượng thuốc bảo quản nghi ngờ ngấm vào thực phẩm. Loại thuốc tím này được chứng nhận an toàn và vẫn được dùng để tẩy rửa từ trước tới nay.

"Hiện trên thị trường có 2 loại thuốc tím thực phẩm và thuốc tím công nghiệp. Khi sử dụng vào mục đích tẩy rửa thực phẩm cho bớt hóa chất thì cần chú ý rằng đó phải là loại thuốc tím thực phẩm và hàm lượng phải được chú tâm", ông Ngọc cho biết.

"Tóm lại hạn chế như thế nào cũng không tránh được thực phẩm độc, ngâm hóa chất. Tự trồng rau, ra chợ mua cá còn sống có thể là cách chúng ta lựa chọn để ăn mà nhiễm ít hóa chất hơn cả", ông Ngọc kết luận.

Theo Cúc Phương ( BĐV )