Liên kết đào tạo: Có quá nhiều vi phạm đang tồn tại



Liên thông, liên kết đào tạo giữa các trường luôn là câu chuyện nhạy cảm. Tuy nhiên hậu quả của việc không kiểm soát được vấn đề này vẫn là người học chịu thiệt.

Liên kết đào tạo: Có quá nhiều vi phạm đang tồn tại

Cũng vì quá nhiều các đơn vị liên kết khác nhau liên tục mở ra nên việc không kiểm soát được vấn đề này cũng là điều khó tránh khỏi. Trong hội nghị công tác thanh tra giáo dục toàn quốc, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tập trung vào các vấn đề gây bức xúc dư luận, trong đó nổi bật là liên kết đào tạo để thanh tra toàn diện.

Ông Bằng cũng cho biết thời gian qua, sau khi thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm như liên kết không phép, liên kết sai đối tượng, không đảm bảo điều kiện chất lượng, thực hiện trách nhiệm liên kết không đúng quy định, có biểu hiện thương mại hóa.

Nhiều tỉnh, thành phố mở lớp đào tạo liên kết không đúng đối tượng, địa chỉ và lại càng không có hợp đồng nào với nhà trường. Trong đó, điển hình nhất chính là việc loạn liên kết đào tạo tại các tỉnh: Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An... Tuy các cơ quan chức năng đã xử phạt, thậm chí là cấm các trung tâm đó hoạt động nhưng vấn đề liên kết tại các tỉnh thành này vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết các vấn đề liên kết đào tạo chính là vấn đề nóng đối với tỉnh Thanh Hóa. Sở GD-ĐT cũng đã tiến hành thanh tra các vấn đề bức xúc như dạy thêm học thêm, thu chi theo quy định, liên kết đào tạo, việc sử dụng văn bằng bất hợp pháp ở các cấp xã phường qua thư và phản ánh của công dân. 

Khi được hỏi về các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học tại Việt Nam cùng đối tác nước ngoài, bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, hiện nay các trường đại học Việt Nam mới chủ yếu tìm kiếm và xác lập quan hệ liên kết đào tạo ở mức độ yêu cầu trường nước ngoài đã được kiểm định chất lượng. “Đã được kiểm định chất lượng là một sự đảm bảo nhưng chưa thể nói lên uy tín, danh tiếng hay việc được đánh giá cao của một trường ĐH” - bà Hà cho hay.

Một trong những vấn đề khiến cho các chương trình liên kết đào tạo kém chất lượng đó là về đội ngũ giáo viên. Trong khi Bộ GD-ĐT và các trường đều cho rằng giáo viên quá tải với số lượng giờ lên lớp, thiếu cả thời gian nghiên cứu khoa học thì khi mở thêm các chương trình liên kết đào tạo, các trường lại luôn phải ưu tiên bố trí những giáo viên giỏi, có trình độ chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ tham gia giảng dạy cùng đối tác.

Việc thêm chỉ tiêu đào tạo, phải bố trí những giáo viên giỏi dạy liên kết, rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực dành cho đào tạo chính quy của các trường mở cùng lúc nhiều chương trình liên kết đào tạo.

Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng một nghị định về hợp tác đầu tư với nước ngoài, trong đó có một chương quy định chi tiết về việc liên kết đào tạo với nước ngoài, đặt ra các yêu cầu về điều kiện liên kết như: đối tác nước ngoài phải là trường được kiểm định hoặc được các cơ quan nước ngoài công nhận, các bên liên kết phải thỏa mãn các điều kiện của Việt Nam về giáo viên, giáo trình, cơ sở vật chất…

Trước đó, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, GS.TS khoa học Phạm Sỹ Tiến - nguyên Vụ trưởng Vụ sau Đại học khẳng định: "Hiện nay các chương trình liên kết đào tạo đang phát triển nhanh vì nó đáp ứng tối đa nhu cầu của không ít người.

Tuy nhiên, không phải chương trình liên kết đào tạo nào cũng sai phạm, cũng không chất lượng. Người học khi tham gia bất cứ một chương trình liên kết nào cần nghiên cứu kỹ để nhận diện đúng chương trình đó. Để quản lý vấn đề này cần phải có sự vào cuộc gắt gao của chính Bộ GD-ĐT".

Theo Dạ Thảo (Motthegioi)