Làm gì khi trẻ hóc dị vật?

Mong bác sĩ tư vấn, cần làm gì để phòng tránh và xử trí khi trẻ không may bị hóc dị vật?


Trẻ nhỏ thường cho những đồ vật dễ cầm nắm vào mồm theo phản xạ và sự tò mò - Ảnh minh họa

Mọi năm, mỗi dịp Tết về, nguy cơ trẻ bị hóc dị vật thường cao, thậm chí, nếu không sơ cứu kịp thời còn để lại hậu quả đáng tiếc. Mong bác sĩ tư vấn, cần làm gì để phòng tránh và xử trí khi trẻ không may bị hóc dị vật?

Khánh My (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trả lời: 

Tết là dịp trẻ được vui chơi, nhưng đồng thời, trẻ cũng rất dễ gặp các tai nạn sinh hoạt như té ngã, hóc các dị vật như: Hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương… 

Do vậy, luôn để mắt, trông trẻ cẩn thận là điều kiện tiên quyết để tránh xảy ra các tai nạn trên. Đồng thời, tuyệt đối, không để những dị vật có nguy cơ trong tầm tay trẻ. 

Trong trường hợp nghi ngờ trẻ hóc dị vật (có biểu hiện tím tái, khó thở…), tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ vì như thế sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn. Để cấp cứu, đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay hay trên đùi rồi vỗ mạnh vào lưng 2 - 3 cái.

Nếu trẻ lớn hơn, để trẻ nằm ngửa rồi ấn tay vào thượng vị, nhồi 2 - 3 cái để trẻ ho, bắn dị vật ra và thở trở lại. Nếu trẻ vẫn chưa thở được, phải hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sau đó, cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở gần nhất để tiếp tục được cấp cứu.

Theo Bs. Nguyễn Tiến Dũng Khoa Nhi BV Bạch Mai ( baogiaothong )