Gần 30% người lao động có khả năng không có lương hưu

Tính tới 31/12/2014, số người tham gia BHXH bắt buộc mới chiếm khoảng hơn 70% tổng số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Như vậy, sẽ có hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu.

Cụ thể, số người tham gia BHXH là 11.647.784, trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là 11.451.530 người, tham gia BHXH tự nguyện 196.254 người,  tham gia bảo hiểm thất nghiệp 9.213.302 người. Như vậy, số người tham gia BHXH bắt buộc mới chiếm khoảng hơn 70% tổng số lao động phải tham gia BHXH bắt buộc và hàng triệu người lao động sẽ không được hưởng lương hưu khi về hưu. Điều này có thể trở thành gánh nặng cho con cái và xã hội, bản thân họ cũng có cuộc sống không thoải mái.

lương hưu

Số người tham gia BHXH bắt buộc mới chiếm khoảng hơn 70% tổng số lao động phải tham gia BHXH bắt buộc

Mục tiêu là việc mở rộng đối tượng đóng BH rộng hơn, như đến năm 2020 tăng đối tượng đóng BHYT lên 71% và BHXH lên 80%. “Hiện mới chỉ có hơn 11 triệu người được đóng BHXH trong tổng số 50 triệu LĐ, mục tiêu là năm 2020 có 29 triệu LĐ tham gia vào an sinh thông qua BHXH. Luật cũng hướng đến việc mở rộng đối tượng phi chính thức, tạm giao lại cho Chính phủ quyết định mức và đối tượng hỗ trợ” - bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội nhấn mạnh. Nhiều vấn đề lớn khác được tập trung thực hiện trong việc thi hành luật lần này là tăng lương hưu với mức thấp nhất phải bằng mức lương cơ sở và chính sách cho người không có thu nhập từ lương hưu (hưu trí xã hội). Bà Trương Thị Mai cho rằng, mức lương cơ sở đang trong lộ trình cải cách tiền lương, theo mong muốn là đạt hơn 3 triệu. Song song đó là kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế và đề ra mức sàn lương hưu tối thiểu.

Phát biểu tại Hội thảo “Hướng tới bảo đảm an sinh xã hội và triển khai thi hành luật BHXH”, ngày 12/3, Nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH Phạm Đỗ Nhật Tân cho rằng cần phải có tính công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin các vấn đề giải quyết các chế độ thụ hưởng đối với người lao động, quản lý đối tượng, đơn giản về thủ tục hồ sơ... trong khi bộ máy thực hiện còn không ít hạn chế, bất cập về năng lực cán bộ. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động chưa chủ động và tự giác, thiếu trung thực trong kê khai, gian lận về số lượng người tham gia BHXH theo luật định và đóng không đúng, không đủ. Như vậy, chịu thiệt thòi nhất vẫn là người lao động.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Thùy cho rằng để khuyến khích người dân đóng bảo hiểm và được hưởng lợi đầy đủ thì ngành bảo hiểm phải đổi mới từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, nên đi vào dân chứ không phải cứ ngồi phòng máy lạnh đợi người đóng bảo hiểm lên nộp. Mạnh tay hơn là đưa tội trốn đóng BHXH vào bộ luật Hình sự. Phó Tổng giám đốc BHXH VN Đỗ Văn Sinh kiến nghị cần thiết việc bổ sung vào bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, trừng phạt các đơn vị sử dụng người lao động đã chiếm dụng tiền BHXH của người lao động, trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài.

Theo PV (NĐT)