Đèn đỏ rẽ phải bị phạt: Lúng túng trước những cái bẫy?

 ''Nếu đã xác định cấm thì cấm hẳn không cho rẽ phải luôn, đằng này chỗ có chỗ không, chẳng biết lối nào mà lần.''

Việc chạy xe rẽ phải khi gặp đèn đỏ đã thành thói quen đối với người Sài Gòn. Nhiều người cho rằng việc rẽ phải khi đèn đỏ là hợp lý nhất vì chẳng ảnh hưởng đến ai. 

Thế nhưng, theo quy định hiện hành khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại. Nếu vi phạm rẽ phải khi có đèn đỏ sẽ bị xử phạt đến 400 ngàn hoặc tạm giữ giấy phép lái xe.

Ở Hà Nội, người dân đều phải tham gia giao thông một cách ''khéo léo''. Khi đèn chuyển sang màu đỏ tại các ngã tư thì chỗ nào được phép rẽ, chỗ nào không được phép rẽ, phải quan sát kỹ nếu không muốn bị phạt tiền do vi phạm.

Theo ghi nhận của phóng viên, việc gắn biển ''Đèn đỏ được phép rẽ phải, nhường đường cho người đi bộ'' tại các ngã tư ở Hà Nội không được đồng bộ, chỗ có chỗ không.

Thậm chí, có hai ngã tư cùng nằm trên một trục đường, cách nhau khoảng 400 mét nhưng một ngã tư được gắn biển được phép rẽ phải khi đèn chuyển màu đỏ, một ngã tư thì lại không.

Đèn đỏ rẽ phải bị phạt: Lúng túng trước những cái bẫy?
Ngã tư cầu Đen, và ngã tư Lê Lợi (Hà Đông) cách nhau khoảng 400 mét nhưng chỗ được rẽ phải khi đèn đỏ, chỗ thì không. Ảnh: Hoàng Lan

Điều này vô tình đã trở thành cái bẫy khi người tham gia giao thông mặc định rằng đèn đỏ được rẽ phải. Trong khi đó, rẽ phải khi đèn báo hiệu chuyển sang màu đỏ ở nơi không có biển báo sẽ bị phạt tiền.

Đồng bộ hoặc là không?

Trao đổi với phóng viên, anh Trần Xuân Lượng (28 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: ''Mục đích của việc dừng đèn đỏ, không được rẽ phải là để nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Tuy nhiên cả ở Hà Nội hay TP. HCM, trừ khách du lịch nước ngoài ra thì người dân họ có thể qua đường bất kể chỗ nào họ muốn.

Vậy việc nhường đường cho người đi bộ không tác dụng nhiều, với mật độ giao thông lớn như Hà Nội hay TP. HCM tốt hơn hết là để người dân rẽ phải khi đèn đỏ để giảm ùn tắc, tiết kiệm được nhiều thời gian.''

Anh Dương Xuân Tùng (28 tuổi, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: ''Hầu hết các ngã ba, ngã tư tại các tuyến phố lớn đều đã được gắn biển được rẽ phải.

Tuy nhiên, ở một số địa điểm như nút giao Tôn Đức Thắng - Cát Linh, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học... lại không được phép rẽ phải khi có đèn đỏ.

Ở những nơi có lượng phương tiện tham gia giao thông nhỏ thì không nói, nhưng tại những điểm này vào giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc. Nếu được phép rẽ phải thì những địa điểm này chắc chắn sẽ giảm thiểu được tắc đường.''

Từng rơi vào những trường hợp éo le khi rẽ phải khi đèn đỏ đang bật chị Nguyễn Ngọc Anh (32 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) bức xúc:

''Bình thường tại một số khúc cua đều có biển hoặc đèn báo hiệu được rẽ phải. Hôm vừa rồi tôi từ đường Trần Thái Tông rẽ ra đường Phạm Hùng, thấy đường khá vắng tôi rẽ phải theo thói quen. Vừa rẽ thì gặp ngay các anh công an yêu cầu tôi xuống xe, xuất trình giấy tờ.

Lúc đầu tôi còn ngơ ngơ không hiểu vì sao bị bắt vì đã đội mũ và xi nhan theo quy định, sau rồi mới biết hóa ra tại nút giao này không được phép rẽ phải. Bị phạt 400 ngàn mà lòng vẫn ấm ức.

Nếu đã xác định cấm thì cấm hẳn, không cho rẽ phải luôn, đằng này chỗ có chỗ không, chẳng biết lối nào mà lần.''

Tỏ ra đồng cảm với chị Ngọc Anh, anh Vương Thành (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: ''Tôi vào Sài Gòn làm việc được 5 năm, trong đó mọi người mặc định rằng đèn đỏ được rẽ phải.

Vừa rồi tôi chuyển ra Hà Nội công tác, mặc dù được mọi người dặn dò kỹ lưỡng về việc tham gia giao thông ở Hà Nội khác nhiều so với Sài Gòn nhưng cuối cùng vẫn bị công an bắt.

Khi tôi đang đi trên đường Tô Hiệu (Hà Đông) thì gặp đèn đỏ tại nút giao Tô Hiệu - Lê Lợi, ngó quanh không thấy biển báo được rẽ phải, tôi dừng xe chờ đợi.

Thế nhưng vừa dừng thì có một chiếc xe phía sau còi ing ỏi, nhắc tôi rẽ phải. Nghĩ bụng chắc đoạn này không có công an nên rẽ liều, cuối cùng bị các anh công an bắt ngay tại trận.

Dù đường nhiều người qua lại hay ít người qua lại việc cấm các phương tiện rẽ phải đều bất hợp lý. Theo tôi tốt nhất nên cho phép người tham gia giao thông rẽ phải khi gặp đèn đỏ, tránh trường hợp không thống nhất quy định khiến người dân bị rơi vào mê cung rồi phải cong lưng nộp phạt.''

Theo baodatviet