Đậu phụ làm bằng thạch cao gây bệnh thận

Đậu phụ nấu cùng thạch cao sẽ cho váng đậu phụ nổi nhanh hơn, lượng váng thu về có thể gấp đôi nhưng miếng đậu cứng và nặng, dùng lâu dài sẽ đầu độc cơ thể, gây bệnh thận.

Đậu phụ là món ăn bình dân, thanh mát, dễ thưởng thức, được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, món ăn giản dị này đang khiến nhiều gia đình phân vân khi đưa vào thực đơn mỗi ngày với lý do “sợ nhiễm thạch cao”.

Công nghệ làm đậu bằng thạch cao

Theo một số người có kinh nghiệm làm đậu lâu năm, để làm đậu phụ không cần phải dùng đến thạch cao. Chỉ cần ít dấm nuôi hoặc chính nước chua của lần làm đậu phụ trước (sau khi lấy phần đậu nành kết tủa để ép thành đậu phụ, sẽ còn phần nước, giữ lại nước này để trong khoảng 4 - 7 ngày sẽ có được nước có vị chua nhẹ).

Tuy nhiên, theo cách này, 1 kg đậu nành thường chỉ làm được khoảng 800g đậu phụ, người bán sẽ không thể có lãi cao.

Trong khi một số nơi thường cho thêm bột năng và một số phụ gia vào đậu phụ, thì có một số cơ sở dụng thạch cao công nghiệp để làm phụ gia.

Loại thạch cao này thường dùng trong công nghiệp thành phần chủ yếu là canxi sunfat không tinh khiết chứa nhiều tạp chất, trong đó có các kim loại nặng như chì (Pb), cadimi (Cd)… rất độc hại cho sức khỏe.

Nhờ có loại thạch cao công nghiệp giúp đậu nổi váng nhanh hơn, lượng váng đậu thu về gấp 2 lần so với bình thường. Đậu phụ trắng, cứng hơn và thời gian bảo quản lâu hơn so với đậu phụ thường.

Đậu phụ làm bằng thạch cao gây bệnh thận

Đậu phụ thạch cao thường cứng, màu chuyển vàng khi tiếp xúc với không khí, cầm nặng tay. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cựu giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, thạch cao có tên khoa học là Cacbonat canxi.

Đây là một chất phụ gia thực phẩm được Bộ Y tế cho phép sử dụng vào mục đích kết dính thực phẩm. Tuy nhiên khi sử dụng loại phụ gia này phải tuân theo một số quy định nghiêm ngặt là thạch cao phải đảm bảo độ tinh khiết. Người sử dụng phải đăng ký với các cơ quan chức năng được kiểm tra giám sát về hàm lượng và chất lượng thạch cao khi đưa vào chế biến thực phẩm.

Mặt khác, khi lượng lớn thạch cao vào trong cơ thể, hệ thống tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi lớp thạch cao bám vào thành ruột gây rối loạn hệ tiêu hóa. Nếu sử dụng đậu phụ chứa hàm lượng cao thạch lớn sẽ dẫn đến các bệnh về thận.

Nhận biết đậu phụ chứa thạch cao

Đậu phụ làm bằng thạch cao gây bệnh thận

Đậu phụ ngon nhẹ tay, mềm, mùi thơm đặc trưng của đậu nành. Ảnh: minh họa

Màu sắc: Khi mua đậu phụ, bạn nên để ý đến miềng bìa đậu phụ. Nếu miếng đậu phụ cứng, tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa chuyển sang màu vàng. Đậu phụ càng vàng nhiều thì càng chứa thạch cao nhiều. Đậu phụ ngon có màu trắng, cầm mềm tay, mùi thơm dẻo.

Mùi vị: Khi mua đậu phụ về, nếu ăn thấy đậu phụ có mùi thơm và vị béo đặc trưng của đậu nành, giống như khi ăn váng sữa đậu nành còn nóng là đậu phụ được làm theo cách an toàn, không chứa thạch cao.

Độ nặng: Đậu phụ chứa thạch cao thường nặng tay hơn so với đậu phụ sản xuất bằng phương pháp truyền thống. Cáng sử dụng nhiều thạch cao thì đậu càng cứng và nặng tay hơn.

Tiến sĩ Lâm Văn Mân - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ cho biết, đậu phụ khi bảo quản ở nhiệt độ bình thường thì nên dùng trong ngày, nếu mua về bảo quản ở tủ lạnh có thể để dành 2-3 ngày. Những miếng đậu đã chiên khô sẽ không còn giá trị dinh dưỡng nhiều.

Đậu phụ rất dễ bị nhiễm khuẩn, nếu quá trình chế biến và bảo quản của người bán không đảm bảo như không được vệ sinh kỹ, sử dụng đậu đã có mùi chua, đậu cũ đem chiên lại.

Nếu sử dụng thạch cao còn lẫn nhiều tạp chất cho thực phẩm sẽ gây bệnh tùy theo loại kim loại nhiễm phải, chẳng hạn như nhiễm chì sẽ gây ngộ độc chì.

Nếu ăn phải đậu phụ có thạch cao thì chắc chắn không có dinh dưỡng tốt như đậu phụ bình thường, ngược lại nó còn gây thêm các tác dụng phụ, chất đó sẽ lắng đọng trong thành ruột, trong thận, điều này sẽ không tốt cho cơ thể.

TS. Đống Thị Anh Đào, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết:

Thạch cao xây dựng là một chất cơ thể không hấp thu, không tan trong nước, có chứa nhiều tạp chất, nhiều kim loại nặng như sắt, đồng, chì…

Nếu dùng sản phẩm có chứa thạch cao lâu dài, những kim loại nặng sẽ bám trên bề mặt thành ruột non làm hạn chế khả năng tiết dịch để tiêu hóa thức ăn, đồng thời gây cản trở và làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng. Lâu dần, gan sẽ yếu đi, cơ thể suy yếu vì thiếu chất dinh dưỡng và dễ bị vi khuẩn tấn công.

Ngoài ra, để làm đậu phụ, người ta còn dùng một số muối như canxi sunfat (CaSO4) hoặc canxi clorua (CaCl2), là những chất mà cơ thể có thể hấp thu theo đường máu. Nếu dùng với tỷ lệ cao, cơ thể hấp thu không hết, canxi sẽ được thải ra theo đường tiểu, lâu ngày có thể vôi hóa, gây nên bệnh sỏi thận.

Theo Hoàng Ngọc (Phapluatplus)