Đại gia vàng nợ thuế xin bán 60 tấn… xyanua giả

Ông Paul Seton – quyền Tổng giám đốc Công ty vàng Phước Sơn và Công ty vàng Bồng Miêu vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam xin được bán 60 tấn xyanua giả nhập từ Trung Quốc.

Trước đó, doanh nghiệp vừa xin xuất khẩu gần 400 kg vàng, trong khi vẫn nợ gần 400 tỷ đồng tiền thuế.

Xin bán xyanua giả lấy tiền

Tháng 8/2011, Công ty vàng Bồng Miêu và Công ty vàng Phước Sơn của Tập đoàn Besra Việt Nam mua 60 tấn sodium xyanua từ Công ty hóa chất Tianjin Haina Tianyi (Trung Quốc). 

Tuy nhiên, khi đưa vào sản xuất vàng thì phát hiện hàng giả, không phải xyanua. Theo trình bày của doanh nghiệp, kết quả kiểm định cho thấy 60 tấn xyanua này chỉ đơn thuần là bột đá nghiền. 

Cơ quan chức năng Quảng Nam đã yêu cầu hai Công ty vàng phải lấy mẫu của 60 tấn xyanua giả để giám định xem có chất nguy hại và vượt ngưỡng chất thải cho phép không. Tuy nhiên, chỉ Công ty vàng Bồng Miêu lấy mẫu của 20 tấn xyanua của mình đi kiểm định; còn Công ty vàng Phước Sơn nại lý do không có kinh phí nên không thể lấy mẫu của 40 tấn xyanua đang ở trong kho đi giám định được.

Ông Paul Seton – quyền Tổng giám đốc Công ty vàng Bồng Miêu và Công ty vàng Phước Sơn cho rằng, kết quả giám định do Trung tâm Kiểm định và Đo lường chất lượng công bố cho thấy 4 loại hóa chất được yêu cầu giám định, gồm Crom, Coban, Chì, Selen của 20 tấn xyanua giả của Công ty vàng Bồng Miêu “đều nằm dưới ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định”.

“Công ty chúng tôi khẳng định 20 tấn bột đá vôi hoàn toàn vô hại đối với môi trường và bột đá vôi đơn thuần là vật liệu có thể sử dụng được trong công nghiệp luyện sắt, thép và xây dựng. Vì thế, Công ty vàng Bồng Miêu có kế hoạch tìm kiếm đối tác có nhu cầu sử dụng lượng bột đá vôi này để họ đưa vào sử dụng đúng công dụng của nó”, ông Paul Seton cho biết.

60 tấn “xyanua giả” của Công ty vàng Phước Sơn và Công ty vàng Bồng Miêu đang bị “giam lỏng” trong kho.

Đối với 40 tấn xyanua giả đang để trong kho của Công ty vàng Phước Sơn, ông Paul Seton cho rằng: “40 tấn bột đá vôi hiện đang lưu giữ tại kho của Công ty vàng Phước Sơn, chúng tôi tin rằng cũng hoàn toàn vô hại vì được nhập khẩu chung trong lô hàng 60 tấn từ cùng một nhà cung cấp. Do mỏ vàng Phước Sơn đã tạm dừng hoạt động trong một thời gian dài và không phát sinh nguồn thu nên hiện chúng tôi chưa có kinh phí thực hiện giám định tính độc hại của 40 tấn bột đá vôi lưu giữ tại mỏ vàng Phước Sơn. Khi mỏ vàng Phước Sơn quay trở lại hoạt động, Công ty vàng Phước Sơn sẽ báo cáo việc xử lý lô hàng này đến quý cơ quan”.

Không cho “tận dụng” tùy tiện

Trước đó, lãnh đạo hai công ty vàng này đã xin xử lý 60 tấn xyanua giả bằng cách: Silic-Dolomit là chất rắn bền vững và khó hòa tan trong nước ở nồng độ PH trên 7, Công ty sẽ đưa vào xử lý tại hai nhà máy chế biến vàng ở công đoạn khử độc xyanua trước khi thải ra môi trường. 

Tuy nhiên, Công an tỉnh Quảng Nam không đồng ý vì cách xử lý của doanh nghiệp là quá đơn giản, không phù hợp với đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. UBND huyện Phú Ninh và huyện Phước Sơn là hai địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của 60 tấn xyanua giả này cũng không đồng ý cách xử lý đưa hóa chất này vào sản xuất như một chất trung hòa và không cho xử lý lô hàng giả này tại địa phương mình.

Ông Phạm Bá Huyên, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường của Sở Công Thương Quảng Nam xác nhận, hai Công ty vàng xin “tận dụng” 60 tấn xyanua giả này để đưa vào xử lý trực tiếp tại nhà máy chế biến vàng ở công đoạn khử độc xyanua trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, ngành chức năng không chấp nhận vì báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai Công ty vàng trước đây không có xây dựng phương án xử lý... xyanua giả này.

Còn việc hai công ty vàng xin bán 60 tấn xyanua giả, ông Huyên cho biết phía tỉnh yêu cầu Công ty vàng Phước Sơn phải lấy mẫu 40 tấn xyanua đi kiểm định xem có nằm dưới ngưỡng chất thải nguy hại không, lúc đó mới quyết định được. 

Gần như không thể thu được gần 400 tỷ tiền thuế

Liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước vừa có tờ trình gửi Thủ tướng kiến nghị cho phép Công ty vàng Bồng Miêu và Công ty vàng Phước Sơn xuất khẩu 375 kg vàng nguyên liệu (Báo PLVN số ra ngày 02/11), ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho biết: “Cục đã kiến nghị UBND tỉnh là doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ thuế đang nợ với Nhà nước, còn nếu Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp xuất khẩu vàng thì phải cam kết trả hết nợ trong vòng 12 tháng, lúc đó Cục Thuế mới dừng cưỡng chế thuế”.

Ông Ngô Bốn cho biết thêm, đến nay Ngân hàng Việt Á đã mua lại toàn bộ số nợ mà Công ty vàng Phước Sơn vay của Ngân hàng Vietcombank. Nhưng ngoài nợ ngân hàng, hai Công ty vàng còn nợ các nhà thầu, các đối tác kinh doanh hàng trăm tỷ đồng. “Vậy số tiền nợ thuế không dễ gì thu được đâu”, ông Bốn khẳng định.

Ông Nguyễn Phi Thạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, nơi Công ty vàng Bồng Miêu “đóng quân” nói: “Chính việc nợ thuế kéo dài nhiều năm liền của Công ty vàng Bồng Miêu đã làm cho địa phương gặp nhiều khó khăn. Trong hai năm 2014, 2015, ngân sách huyện tiếp tục bị hụt thu mặc dù đã được tỉnh hỗ trợ”.

Theo PLVN