Đa cấp bất chính đang núp bóng Marketing online?

Việc nhẹ, lương cao, mức thu nhập đáng mơ ước luôn là “đòn tâm lý” hấp dẫn để đánh vào những bạn trẻ ôm mộng khởi nghiệp, làm giàu. Với biến tướng méo mó theo hình thức kinh doanh nhượng quyền hay Marketing Online, không ít người đang “nhúng chàm” vào bán hàng đa cấp bất chính mà vẫn không hề hay biết.

Đa cấp bất chính đang núp bóng Marketing online?

Những ứng viên đến đây đều hi vọng vào một công việc ổn định và lương cao.

Lớp học "Tẩy não"

Lần theo những tin nhắn rác tuyển dụng nhân viên, cộng tác viên bán hàng online trên facebook, PV được hẹn đến lầu 7 của một tòa nhà trên đường CMT8, Q.3. Trong căn phòng rộng vài trăm mét vuông, có đến vài trăm người đang chen chúc nhau cắm đầu vào máy tính. 

Chương Quang, một người tự xưng là quản lý nhóm ra vẻ tự hào: “Công ty hoạt động có quy mô rộng lớn với số lượng nhân viên đông đảo. Tuy nhiên vẫn còn thiếu rất nhiều nhân lực, để biết bạn có phù hợp hay không thì phải qua lớp học đào tạo, sàng lọc trong vòng 6 ngày”. 

Sau khi yêu cầu người ứng tuyển điền thông tin vào giấy, nộp hình 3x4 và chứng minh nhân dân photo. Quang liền đề cập ngay đến lớp học để nâng cao nền tảng marketing online và kiến thức về mạng xã hội. Lớp học miễn phí nhưng vẫn phải mua vé với giá 250 nghìn đồng vì đó là “phí phòng ốc, wifi, nước uống cùng việc mời giảng viên từ nước ngoài về để giảng dạy”. 

Đa cấp bất chính đang núp bóng Marketing online?

Những lớp học được giới thiệu rất hay ho nhưng những gì các giảng viên không chuyên này cung cấp là chuyện tạo tài khoản trên mạng xã hội.

Những ngày tham gia các buổi học, vé vào cổng lớp học được kiểm soát kỹ lưỡng, phòng học có khá đông ứng viên trẻ tuổi. Các giảng viên “không chuyên” chỉ là “những doanh nhân thành đạt” của công ty. Kiến thức thu nhận được là cách tạo zalo, facebook và… cách chụp hình tự sướng sao cho thật đẹp. 

Theo tìm hiểu, những lớp học này được tổ chức đều đặn vào hàng tuần. Buổi học đầu tiên vào chủ nhật và kết thúc vào thứ 7 tuần sau đó. Tại các buổi học, ứng viên thường xuyên được “tẩy não” bằng những hình ảnh phân biệt của các thành viên giữa trước và sau khi tham gia vào hệ thống công ty. Kèm theo đó những hình ảnh, cái tên mang tính chất “sang chảnh” kèm theo danh xưng là doanh nhân trẻ của Sài Gòn. 

"Không có tiền thì sao mà được"

Các sản phẩm mà công ty này giới thiệu chủ yếu là các thực phẩm chức năng có tác dụng giảm cân, tăng vòng 1, tăng khả năng tình dục, chống lão hóa… và những mặt hàng này đều được giới thiệu nhập từ Mỹ về. 

Tuy “mang tiếng” là tuyển nhân viên bán hàng nhưng sản phẩm là thứ rất xa vời với các ứng viên. Buổi học giới thiệu về sản phẩm được lướt nhanh với các công dụng chung chung. Ngoài ra, ứng viên không thể tự chụp hình sản phẩm vì người quản lý nhóm luôn nhắc nhở: “Không cần chụp hình đâu em. Hình ảnh có nguồn và được lắp ghép sẵn hết rồi”. Thậm chí, các sản phẩm cũng không được chưng bày sẵn trong công ty, chỉ đến khi nào có người mua thì mới được đem ra. 

Mỗi ứng viên khi tham gia vào các buổi học sẽ được chia nhỏ ra từng nhóm và được phân người quản lý. Thường thì 2 nhân viên công ty sẽ quản lý một người. Tỏ vẻ hoang mang với những gì đã được học, người quản lý lập tức trấn an: “Thật ra cái này rất dễ, từ từ rồi ai cũng làm được. Phụ thuộc chủ yếu là vào công cụ tự động nhắn tin cho các tài khoản khác. Sau khi đã quen rồi thì đi chơi cũng có tiền mang về nữa”. 

Những buổi học cuối cùng, ứng viên sẽ được gặp người quản lý nhóm để nói chuyện. Xuyên suốt buổi nói chuyện này xoay quanh các hưởng lợi hoa hồng từ việc bán vé vào cổng của các lớp học và các gói tiền mà người tham gia sẽ phải đóng vào, mua sản phẩm nếu muốn là thành viên của công ty. Ba mức giá khác nhau được vẽ ra là 5 triệu, 15,7 triệu và 29 triệu với số lượng sản phẩm sẽ được nhận khác nhau, điểm thưởng cũng khác nhau. Người này liên tục nhấn mạnh về 2 gói 15,7 triệu và 29 triệu. Đặc biệt, chỉ có hai gói này mới nhận được công cụ auto “thần thánh” như đã giới thiệu ở trên. “Đây không phải là công ty đa cấp và cũng không dành cho các thành phần đa cấp” là câu trả lời chắc nịch mà anh này nói về các gói tiền cần phải đóng. 

Để chứng minh các hình thức đầu tư có hiệu quả, người này thường xuyên lấy mình ra làm ví dụ điển hình rồi bắt đầu kể về quá trình gia nhập công ty. Sau đó, để kết thúc câu chuyện, người này tiếp tục “nổ” về mức thu nhập cả chục triệu đồng/tuần bằng cách rủ rê được người tham gia lớp học và cả khoản tiền lời từ những người quyết định tham gia công ty. Hỏi ngược lại, em sẽ mua mức bao nhiêu, “nếu không mua sớm thì cơ hội sẽ mất dần đấy”. 

Khi giả vờ nói mình có tiền và phải về xin phép ba mẹ, người này mới khuyên: “Có gì thì em cứ nói với anh, đừng nói với ba mẹ. Vì dù thế nào em cũng đang đi học, khi nói ra, ba mẹ chắc chắn sẽ không cho phép em rút tiền để tham gia. Mình cứ nộp tiền cho công ty trước đi. Khi nào có tiền lời rồi thì mang về chứng minh cho ba mẹ thấy”. 

Mặc dù ngay từ những lời quảng cáo ban đầu là tuyển nhân viên, công tác viên nhưng sau một vài mánh khóe đào tạo, những ứng viên này bị biến thành người phải đi mua gói sản phẩm. Nhiều ứng viên nói không có tiền thì những quản lý này đáp lại: “Về vay mượn tiền của ai để tham gia đi. Bây giờ, muốn kinh doanh, làm giàu thì phải có sự đầu tư về tiền bạc. Không có tiền thì sao mà được”.

Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết: “Hiện nay tại Việt Nam có nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh doanh đa cấp. Nghị định 42/2014/ NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2014 và Thông tư 24/2014/TT-BTC của Bộ Công thương đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ và chặt chẽ trong thời điểm hiện tại. Qua đó sẽ sớm loại bỏ được nhiều doanh nghiệp kinh doanh cấp bất chính, trá hình, thương mại điện tử ảo, xóa bỏ các đơn vị núp bóng làm ảnh hưởng đến kinh doanh đa cấp chân chính”.

Theo Thanh Huyên  (Duyên Dáng Việt Nam/MTG)