Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội xác định bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch FLC, là người chủ mưu chỉ đạo việc nâng khống vốn điều lệ, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư.
Chiều nay 5-8, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 đồng phạm trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán.
Theo đó, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng cả 2 tội danh là 21 năm tù.
Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết) bị tuyên 11 năm 6 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 30 tháng tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng 2 tội danh là 14 năm tù.
Bị cáo Trịnh Thị Thuý Nga (em gái bị cáo Quyết) bị tuyên 6 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hình phạt là 8 năm tù.
Về dân sự, đối với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm phải bồi thường thiệt hại hơn 1.785 tỉ đồng cho các bị hại. Trong đó, bị cáo Quyết phải chịu trách nhiệm chính.
Về hành vi Thao túng thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư có quyền khởi kiện trong vụ án dân sự. Trong đó, bị cáo Quyết phải có trách nhiệm chính, cơ quan chức năng có quyền truy thu.
Theo bản án, bị cáo Trịnh Văn Quyết nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, nhằm thu tiền của các nhà đầu tư. Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng. Đến giai đoạn 2014-2016, ông Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho doanh nghiệp này, từ con số ban đầu lên tới 4.300 tỉ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư.
Bản án sơ thẩm đánh giá, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử đánh giá Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu chỉ đạo việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên hơn 4.300 tỉ đồng; thu lời bất chính hơn 3.600 tỉ đồng. Các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức tích cực.
Đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, bản án nhận định, hành vi của các bị cáo trong vụ án làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước; gây bức xúc trong nhân dân; làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư… Hậu quả vụ án khiến nhiều nhà đầu tư mất 684 tỉ đồng ở hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Trong quá trình điều tra, trong các bị cáo đã thành khẩn khai báo. Bị cáo Trịnh Văn Quyết đã chủ động hoặc động viên gia đình khắc phục hậu quả của vụ án, gia đình có công với các mạng, tích cực tham gia thiện nguyên, chính quyền địa phương có đơn xin giảm trách nhiệm hình sự…
Toà ghi nhận việc bị cáo Trịnh Văn Quyết và vợ đề nghị huỷ kê biên dùng cổ phần tại FLC để khắc phục hậu quả vụ án. Tuy nhiên, các tài sản đã được vay đảm bảo nên ưu tiên các bên thứ 3 là các ngân hàng.
Theo GiaDinh