Cuộc đua đến đỉnh cao công nghệ 5G

So với người anh 4G vốn chỉ mới được chuẩn mực hóa hoàn toàn trên toàn cầu vào năm 2012 thì người em 5G mang trên mình những kỳ vọng hết sức lớn lao. Hiện các chuẩn mực chung cho 5G vẫn còn đang được bàn thảo và chưa thống nhất chung giữa các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, những tiêu chí cơ bản nhất có thể thấy của công nghệ 5G là có khả năng kết nối nhanh ít nhất gấp hàng chục lần so với 4G. Thậm chí Hàn Quốc còn muốn đưa tốc độ truyền tải của 5G nhanh gấp 1.000 lần so với chuẩn 4G. Và đặc biệt sẽ tạo cơ chế để các giao tiếp M2M (giữa máy móc với nhau) trở nên dễ dàng hơn.

mạng 5G

M2M được xem là bước đột phá về mặt công nghệ để máy móc trở nên thông minh hơn khi chủ động nắm bắt thông tin xung quanh và tự đưa ra quyết định phù hợp nhất có thể.

Theo như phân tích của Tạp chí PC World Vietnam, công nghệ M2M có những ứng dụng to lớn trong rất nhiều lĩnh vực với hiệu quả về mặt chi phí cao. Ví dụ, xe cộ có thể gắn các thiết bị định vị và cảnh báo cho chủ nhân thông qua điện thoại di động khi bị ăn trộm. M2M có thể được sử dụng trong các thiết bị giám sát môi trường tự nhiên cũng như cảnh báo các thảm họa như cháy rừng, động đất… Ngành nông nghiệp công nghệ cao có thể sử dụng công nghệ này để tự động theo dõi và tác động vào các giai đoạn phát triển của cây trồng hay vật nuôi. Và tất cả những giao tiếp giữa các thiết bị này cũng như đến con người sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều dưới sự hỗ trợ của công nghệ 5G.

Hiện 1/3 dân số toàn cầu đang sử dụng internet, trong đó kết nối thông qua các thiết bị di động thông minh ngày càng phổ biến. Theo đánh giá của Đại học Southampton (Anh), đến năm 2017, số người sử dụng các dịch vụ băng thông rộng trên di động sẽ vượt qua con số 3,9 tỉ người.

Hiểu được tầm quan trọng cực kỳ to lớn mà 5G mang lại, các công ty hạ tầng viễn thông cũng như các quốc gia đang ráo riết chạy đua để nắm bắt công nghệ 5G. Ủy ban châu Âu cuối năm ngoái đã quyết định chi 700 triệu euro để tài trợ các dự án nghiên cứu 5G và kỳ vọng sẽ đưa vào thực tiễn vào năm 2020. Nhằm thúc đẩy tiến trình này, Ủy ban châu Âu đã hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu như Nokia Sotutions, Alcaltel Lucent thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP) gọi là 5G – PPP.

Từ trước đến nay, các quốc gia châu Âu luôn được xem là một trong những nhà tiên phong có thế mạnh nhất trong lĩnh vực viễn thông và hiện ngành công nghiệp này đang mang đến 1,3 triệu việc làm cho người dân cùng doanh thu lên đến 160 tỉ euro. Riêng đối với nước Anh, Chính phủ nước này kỳ vọng công nghệ 5G có thể đóng góp thêm đến 50 tỉ bảng vào nền kinh tế nước này vào năm 2025.

Đối với châu Á nơi được đánh giá là thị trường rất tiềm năng ứng dụng công nghệ, các quốc gia như Nhật và Hàn Quốc đã xây dựng chương trình chiến lược quốc gia hòng giành lấy ưu thế trong cuộc chạy đua phát triển 5G. Ngay tại Đông Nam Á, người láng giềng của chúng ta – Philippines – cũng đã đưa vào triển khai thử nghiệm thực tế các kết quả nghiên cứu bước đầu về 5G ở thủ đô Manila.

Trong khi đó, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc – Huawei – cũng đưa ra những mục tiêu lớn về phát triển công nghệ 5G với tham vọng biến khoảng cách giao tiếp giữa người với người cũng như giữa máy móc với nhau sẽ trở thành con số 0. Hiện tập đoàn này đang hợp tác với tập đoàn viễn thông Megafon của Nga để ứng dụng ngay công nghệ 5G vào kỳ World Cup 2018.

Nhìn lại một chú về lịch sử, có thể thấy cứ cách nhau khoảng 10 năm thì các thế hệ di động mới lại xuất hiện. Ví dụ, mạng di động 1G xuất hiện vào năm 1981; tiếp đến là mạng 2G, năm 1991; 3G, năm 2001 và 11 năm sau là sự xuất hiện của người em thứ tư. Nhưng với năng lực phát triển của các nhà kinh doanh viễn thông ngày nay, có thể thời gian phát triển 5G sẽ được rút ngắn lại và nhiều khả năng cột mốc 2020 sẽ đạt được.

Trái với không khí chạy đua tích cực của nhiều quốc gia, có vẻ như không khí ở Việt Nam vẫn còn khá im ắng. Các hãng viễn thông trong nước chỉ mới triển khai công nghệ 3G cách đây 4 năm, còn việc cấp phép triển khai mới 4G cho các doanh nghiệp nhanh nhất là phải đến 2015 mới diễn ra, theo khẳng định mới đây của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng.

Theo Nhịp cầu đầu tư