Cổ phần hoá Hãng phim Việt Nam: 5.000m2 đất "vàng" định giá chưa bằng 1 căn biệt thự?

Đồng thuận với chủ trương cổ phần hoá với mục đích để hãng phim có động lực phát triển tuy nhiên, cách thức thực hiện lại khiến các nghệ sĩ bức xúc đặt nghi vấn nhà đầu tư tìm cách trục lợi, kinh doanh trên mảnh đất vàng.

Cổ phần hoá Hãng phim Việt Nam: 5.000m2 đất

Nhiều nghệ sĩ đặt nghi vấn nhà đầu tư chiến lược tìm cách kinh doanh trên mảnh đất vàng số 4 Thuỵ Khuê

Sáng 21/9, Hội Điện Ảnh Việt Nam cùng các nghệ sĩ đã tổ chức buổi họp liên quan đến vấn đề cổ phần hoá tại Hãng phim truyện Việt Nam. Hầu hết các ý kiến đều đồng thuận với chủ trương cổ phần hoá với mục đích để hãng phim có được động lực phát triển tuy nhiên cách thức thực hiện cổ phần hoá lại khiến nhiều người bức xúc.

Thậm chí có ý kiến ví việc cổ phần hoá đã biến Hãng phim truyện Việt Nam thành “cái chợ”, ở đó Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) không hề có ý định phát triển ngành phim mà chỉ tìm cách trục lợi, kinh doanh trên mảnh đất của hãng.

“Doanh nghiệp chỉ nhòm vào khu đất vàng”

Chủ trì cuộc họp, nghệ sĩ Quốc Tuấn đã tỏ ra bức xúc và gọi sự vụ này là “kinh khủng”, anh cũng cho rằng, Vivaso không hiểu gì về điện ảnh và điều này chứng tỏ họ chỉ "nhòm" vào khu đất vàng.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn kiến nghị cần xem xét lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá đồng thời đánh giá lại giá trị tài sản Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) khi định giá hàng loạt khu đất 19,7 tỷ đồng – “không bằng một căn biệt thự cao cấp”, đạo diễn Tuấn so sánh.

Trước đó, khi định giá trị doanh nghiệp, đơn vị tư vấn đã tính giá trị thương hiệu, giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất của Hãng phim truyện Việt Nam bằng “0 đồng”, kết quả định giá được Ban cổ phần Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Cổ phần hoá Hãng phim Việt Nam: 5.000m2 đất

 Nghệ sĩ Quốc Tuấn chủ trì cuộc họp diễn ra sáng 21/9 tại Hội Điện ảnh Việt Nam

Theo bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần, tài sản là đất của VFS đã bao gồm 4 lô đất. Ở Hà Nội có 3 lô: 5.443,5 m2 đất tại số 4 Thụy Khuê, hình thức sở hữu là thuê đất trả tiền hàng năm, đất đã thuê hơn 50 năm; 904,9 m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám - hình thức sở hữu là giao đất; 6.382,8 m2 đất ở Đông Anh tức trường quay Cổ Loa - hình thức sở hữu là giao đất. VFS có một lô đất 1.208,72 m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP.HCM - hình thức sở hữu thuê đất của nhà nước.

NSND. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng bày tỏ bức xúc trước thực tế Vivaso với 32,5 tỷ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính, nhà cổ đông chiến lược sau khi Hãng trở thành công ty cổ phần.

“Ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí của Hãng phim truyện Việt Nam theo giá thị trường vào khoảng 2.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho hay.

Không chỉ NSND Thanh Vân, đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ cũng gửi tâm thư bày tỏ quan điểm trước việc hãng phim bị doanh nghiệp đưa ra kinh doanh, trục lợi. "Họ quyết định sai nhưng lại chỉ sửa sai bằng lời nói, chứ không hề có quyết định thay thế. Việc này khiến những nghệ sĩ tâm huyết và tất cả mọi người trong Hãng cảm thấy không được tôn trọng”, đạo diện Vũ chia sẻ.

Nêu quan điểm, nghệ sĩ Kim Cương, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện cũng khẳng định không chấp nhận đánh giá giá trị tinh thần và vật chất, trong đó vật chất đã rõ ràng còn tinh thần, thương hiệu của hãng phim bằng 0 là sự xúc phạm ghê gớm không chỉ với người đang sống mà cả người đã qua đời.

“Tôi đồng tình với nhiều ý kiến nghi ngờ không hiểu Vivaso có thật lòng đầu tư vực dậy Phim truyện Việt Nam hay với mục đích khai thác cơ sở vật chất Hãng phim truyện Việt Nam”, ông Cương nói.

Không chỉ khóc than, đến lúc cần biện pháp…

NSDN. Đặng Thanh Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh cũng cho biết, đã xảy ra sai sót nghiêm trọng trong việc định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0, vì thương hiệu của hãng được xác định dựa trên thành quả lao động và sáng tạo nghệ thuật trong cả quá trình hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển nhưng nhà đầu tư viện kết quả kinh doanh thua lỗ của hãng trong ngắn hạn 5 năm để áp giá 0 đồng.

Thêm vào đó, nhà đầu tư chiến lược cũng thiếu minh bạch khi một mặt phủ nhận quyền tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam đối với 400 tác phẩm điện ảnh, mặt khác chủ động khai thác thương mại một cách triệt để các tác phẩm này.

Có mặt và chia sẻ tại cuộc họp sau khi đã nghe ý kiến của các đạo diễn, nhà quay phim, các nghệ sĩ, đạo diễn Trần Quốc Trọng cho biết, vấn đề cổ phần hoá Hãng phim ông đã theo dõi hơn 1 năm và cho rằng các ý kiến đều đúng nhưng xét cho cùng là “thứ tâm huyết, khóc than” và “chúng ta vẫn chưa có biện pháp”.

Ông Trọng đặt câu hỏi “cái quan trọng nhất ở đây là gì?” và cho biết, doanh nghiệp đã “kinh miệt nghệ sĩ” và “kinh miệt cả nền điện ảnh”. “Chúng ta cần nén cảm xúc lại, gỡ từng mối có lẽ sẽ kiếm thêm rất nhiều “củi” cho cái lò đang cháy”, ông Trọng nói.

Bác thông tin đất “vàng” nghìn tỷ bán 32 tỷ đồng

Cũng trong sáng 21/9, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái có buổi trao đổi với báo chí về việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.

Liên quan thông tin giá trị đất đai, ông Ái khẳng định thông tin bán hãng phim 32 tỷ đồng nhưng thực tế giá đất đai của hãng là hàng nghìn tỷ đồng không đúng.

"Trong quá trình hoạt động, hãng phim nợ thuế đất 21 tỷ đồng. Hãng thuê đất hàng năm chứ không có đất, chỉ có tài sản trên đất. Khi cổ phần hoá, chúng tôi đã xin ý kiến rất nhiều cơ quan và khẳng định nếu đất thuê hàng năm thì không được tính vào giá trị doanh nghiệp", ông Ái nói.

Ông Ái cho biết thêm, nhà đầu tư phải ra phương án sử dụng đất, tập thể hãng phim cho ý kiến và lấy ý kiến Cục Công sản, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, UBND địa phương.

Theo bizlive