Chữa biếng ăn cho trẻ bằng cách cho con cùng nấu nướng



(BaoveNTD) - Khi bé yêu bước vào giai đoạn 2-3 tuổi là lúc các bậc cha mẹ đau đầu vì ở thời điểm này các bé bắt đầu thể hiện cá tính mình một cách mạnh mẽ nhất. Các bé lười ăn, không hào hứng với các bữa ăn cũng làm cho các bà mẹ bối rối. Vậy cách thức nào để chữa biếng ăn cho trẻ?

Theo dịch giả Nguyễn Thị Thu, chữa biếng ăn bằng cách cho con cùng nấu nướng, thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày là phương pháp tối ưu nhất.

Chữa biếng ăn cho trẻ bằng cách cho con cùng nấu nướng

Đa số các phụ huynh ngày nay đã hiện đại trong suy nghĩ giáo dục con vấn đề ăn uống, để bé chủ động trong ăn uống và không ép nếu trẻ không muốn ăn nữa, không bao giờ dùng việc cho chơi đồ chơi, xem điện thoại hay tivi để dụ dỗ.

Mọi người đều hiểu là trẻ con sẽ có nhiều giai đoạn biếng ăn nên cũng không cần căng thẳng lắm nếu con không ăn vài bữa.

Nhưng điều làm cha mẹ lo lắng chính là con tỏ ra không hào hứng với bữa ăn như trước kia, không hứng thú với bất kì món gì kể cả món con thích, đến bữa ăn chỉ ăn qua loa, uể oải. Và con đòi bố mẹ xúc cho ăn chứ không tự xúc như trước.

1. Lí do vì sao con có sự thay đổi như thế

Nếu như trước kia bé đều chủ động tự xúc ăn đến hết bữa thì giờ bé cứ đòi mẹ/bố xúc cho con khi ăn được giữa chừng. 

Có thể do vào bữa tối ăn cùng ba mẹ các bé hay được bố/mẹ ngồi cạnh xúc cho ăn mỗi khi bé không còn hào hứng và tập trung ăn nữa. Vì thế dẫn đến tình trạng bé nũng nịu bố/mẹ và đòi bố/mẹ xúc cho mình.

2. Đưa ra phán quyết: thay đổi thói quen trong ứng xử

- Gia đình: 

Bố mẹ tuyệt đối không được xúc cho con nữa. Hôm nào bé nhung nhăng không chịu ăn thì để nhịn đói đi ngủ.

- Nhà trường: 

Cha mẹ nên coi trọng việc bé yêu chủ động trong ăn uống hơn là việc bé có ăn hết phần cơm của mình ở trường hay không. Nên nếu bé không ăn hết cũng không sao. Khi nào bé không ăn nữa các cô hãy khích lê cháu, cháu rất thích khen là thông minh, nhanh nhẹn, có cá tính.

Dạy bé cách tuân thủ giờ ăn và sinh hoạt tập thể. Nếu sắp hết giờ mà bé không ăn nữa thì không cần đút, để bé hiểu là giờ ăn chỉ có chừng ấy thời gian, đói thì bữa sau bé tức khắc hiểu. 

3. Tích cực cho con nấu ăn cùng

Khi bé yêu khoảng 1 tuổi rưỡi các mẹ nên thường xuyên cho bé đứng bếp cùng mẹ. Chủ yếu bé chỉ thích nghịch nước từ vòi nước, đổ nước từ bình này sang bình kia. Bên cạnh đó đây là cách giúp con quan sát mẹ làm bếp, chế biến món ăn như nào chứ chưa cho tham gia.

Khi bé được 2 tuổi thì bắt đầu chuyển sang thích rửa bát, nồi…và vẫn là nghịch là chính. Có thể bé sẽ đòi rửa bát cho mẹ, các bạn nên bắt đầu dạy con và chủ động dùng những câu “nhờ vả” như con rửa cái rổ này cho mẹ, cái bát này cho mẹ được không…

Khi bé bước vào giai đoạn lười ăn. Các mẹ có thể chuyển qua nhờ bé “Con có muốn cắt rau, cắt đậu giúp mẹ không”.  Bé sẽ hào hứng với nhiệm vụ mới mẹ giao. Các bạn dạy bé cách cầm dao, cách cắt như nào bằng cách làm mẫu cho con, dạy con chú ý không cắt vào tay, sau đó để con tự phán đoán và cắt theo kích thước nào tùy ý con. 

Các bạn chỉ nên quan sát, không can thiệp vào việc con cắt nên việc miếng cà tím, bầu, cà rốt, dưa leo…có xiên vẹo to nhỏ cũng được, và trong lúc ấy mình vẫn làm việc khác như chế biến món khác chứ không phải là con chỉ làm phiền và tốn thời gian của mình đâu.

Con có 1-2 lần để dao xước miếng da ở ngón tay, nhưng con tự học được cách sao cho không đứt tay, và mình chấp nhận nguyên tắc này khi cho con nấu nướng cùng. Còn bếp dầu nóng, nồi nước sôi thì tuyệt đối chưa được.

Tiếp đến con học cách nặn thịt, nêm gia vị, cho vào nồi mà các bạn đặt bên cạnh chứ không phải cho trực tiếp vào bếp đâu vì nguy hiểm. Mỗi lần bé làm các bạn nên nói tên cho con biết đây là cái gì, con đang làm gì, và không ngừng khen ngợi con đã cố gắng, đã có tiến bộ, rất khéo tay…

Đến bữa ăn các bạn nên khoe “Món cà xào hôm nay là do con yêu làm” khiến các bé thích chí miêu tả lại cho cả nhà xem “Con cắt cắt cắt như này này”. 

Nhân dịp này, cả nhà khen “Con tự tay cắt cơ à. Thế thì mình phải ăn thật nhiều vào. Ôi ngon quá. Cảm ơn con” . Từ đấy bé yêu bắt đầu thay đổi dần dần, hào hứng với bữa ăn hơn hẳn trước kia. Bởi vì đó là món ăn do chính tay mình làm, ăn nó chính là tận hưởng thành quả lao động của mình, nên bé sẽ ăn uống rất tích cực, thi thoảng không quên giơ lên khoe “con cắt đấy”. 

Tất nhiên bé ăn không nhiều đâu cũng có món thích món không, nhưng điều quan trọng nhất là con có thái độ tích cực, vui vẻ với ăn uống, và đó là điều quan trọng nhất.

Chữa biếng ăn cho trẻ bằng cách cho con cùng nấu nướng

Ảnh minh họa: Chữa biếng ăn cho trẻ bằng cách cho con cùng nấu nướng

4. Mỗi lứa tuổi cần có 1 mẹo riêng

Nếu như tầm 0 và 1 tuổi, việc khen ôi đồ ăn ngon quá, măm măm, con mẹ xúc giỏi quá, miếng cà rốt nó bảo “Bon ơi ăn tớ đi, tớ rất muốn được cậu ăn, ôi miếng cà rốt đang vui mừng trong miệng con kìa”…sẽ phát huy hiệu quả để nuôi dưỡng hứng thú với bữa ăn cho con và con tự xúc ăn.

Thì tầm 2 tuổi con cần cấp độ cao hơn thế. Nhận thức của con đã cao hơn, tay con khéo léo hơn, con thể hiện tính tự lập tự chủ, mong muốn khẳng định cái tôi mạnh mẽ hơn. 

Thế thì giai đoạn từ 2 tuổi trở đi để con tham gia vào đi mua đồ và chuẩn bị nấu nướng là giai đoạn phù hợp nhất. Không chỉ là rèn luyện cho con các thao tác về tay, về phát triển giác quan, kỹ năng phán đoán tình huống, mà còn nuôi dưỡng tính tự chủ. 

Cảm giác làm được việc gì đó và nhận thấy thành quả, thành quả ấy đem lại niềm vui và giúp ích cho người khác chính là nuôi dưỡng nhân cách biết quan tâm đến người khác, sống có trách nhiệm. 2-3 tuổi rất nhiều mẹ than thở con không chịu tập trung, hay nghịch ngợm thì việc con kiên nhẫn cố gắng thái từng miếng bí chính là cơ hội tuyệt vời để rèn khả năng tập trung cho con.

5. Gia đình có osin hay ông bà thì sao

Nhiều mẹ than phiền có ông bà hay osin thì khó dạy con việc nhà, đặc biệt là cho con nấu nướng. Mình nghĩ việc có thể dạy con hay không tùy thuộc vào bạn chứ không phải vào hoàn cảnh.

Không cần phải nhất thiết ngày nào bạn cũng cho con làm cùng nhất là những bà mẹ bận rộn với công việc, nhưng cuối tuần vẫn nên vào bếp cùng con. Nếu bạn coi mình là chủ của căn bếp thì đương nhiên osin sẽ chỉ là người phụ. 

Đơn giản chỉ là người lớn rất ít khi kiên nhẫn được với trẻ con, chỉ coi việc làm vụng về của con trẻ là sự phiền phức mà thôi. Nếu bạn có thể kiên nhẫn nhìn con mắm môi mắm lợi thái từng khúc dưa không theo ý mình cả 10 phút, hay bữa nào cũng phải lau sàn ướt nhoẹt nước do con đổ ra lúc rửa bát thì mình nghĩ hãy cứ để con tham gia.

Có rất nhiều cách khác nhau giúp con hào hứng với bữa ăn mà không cần đến tivi, điện thoại hay đồ chơi. Nếu chỉ dùng điện thoại, tivi, đồ chơi để dụ cho con ăn thì đó mới chỉ là nuôi con thôi. Nhưng có thể kiên nhẫn với sự vụng về của con, để con được từng bước tự mình làm, từng bước tự lập, tham gia vào việc nhà thì mới là dạy con. Dạy vốn khó hơn nuôi gấp vạn lần.

Chỉ cần biết khéo léo sắp xếp để hai mẹ con mỗi ngày đi chợ cùng nhau, về lại nấu nướng cùng thì bé vẫn có rất nhiều cách chơi cùng mẹ, mà mẹ chẳng cần phải bỏ việc nhà để chơi với con. Đó là hạnh phúc khi ta được làm chủ việc nuôi dạy con.

Tư liệu: Dịch giả Nguyễn Thị Thu (nhóm dịch ehon SakuraKids, đồng sáng lập mầm non Tsubaki,Hà Nội)

Xuân Anh Lê