Chủ quán cơm tấm bì bày cách nhận biết BÌ HEO ôi thối đã qua ngâm hóa chất



Bì heo sạch có màu trắng hồng, lớp mỡ dưới da còn khá dày, màu trắng phau. Trong khi đó, bì heo đã qua xử lý hóa chất có màu trắng tinh bất thường, lớp mỡ dưới da đã được lọc sạch sẽ.

Bì heo là một trong những nguyên liệu được sử dụng để làm rất nhiều món ăn, thậm chí nó đã trở thành món đặc sản của người Việt với món nem chua, nem thính hay cơm tấm bì. Thậm chí, ngày ngay, bì heo còn được sử dụng để làm đẹp, chữa các bệnh về xương khớp.

Cũng chính vì nhu cầu tiêu thụ bì heo nhiều như vậy mà tại các quầy hàng thịt lợn, người tiêu dùng muốn mua được bì heo cũng khá khó khăn, thường phải đặt trước hoặc đi thật sớm, bà nội trợ mới mua được.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, bì heo là một trong những thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhất. Bằng chứng là việc cơ quan chức năng liên tục phát hiện những cơ sở sản xuất bì heo ngâm tẩm hóa chất độc hại. Từ những, đống bì heo hôi thối bốc mùi, người ta dùng các loại hóa chất để giúp bì heo trở nên sạch đẹp, ngon giòn.

Một ví dụ điển hình là vào tháng 4/2015, cơ quan chức năng tại TP.HCM đã kiểm tra và xử phạt 3 cơ sở sản xuất bì lợn bằng hóa chất, không đảm bảo vệ sinh. Đoàn kiểm tra đã thu giữ 234kg bì lợn ngâm hóa chất và 4g hóa chất tẩy trắng, làm nở.

Vì vậy để tránh mua phải bì heo bẩn độc qua xử lý hóa chất hoặc ăn phải những món ăn làm từ loại bì heo độc hại này, người tiêu dùng nên hết sức cảnh giác và có cách phân biệt, nhận biết bì heo sạch và bì heo mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chủ quán cơm tấm bì bày cách nhận biết BÌ HEO ôi thối đã qua ngâm hóa chất
Bì heo sạch sẽ có màu trằng hồng, lớp mỡ dưới da còn dày, màu trắng phau.

Bà Nguyễn Thị Hương, một người chuyên bán nem thính bì lợn trên phố Định Công (Hà Nội) cho biết: "Làm nghề lâu năm nên tôi biết, bì lợn tươi nếu không xử lý ngay sẽ rất dễ hỏng, bốc mùi nhất là vào những ngày trời nắng nóng.

Tuy nhiên, để nhận biết thứ bì lợn kém chất lượng đã qua xử lý thì cũng không khó. Vì dù sao một đằng là hàng tươi sạch và một đằng là hàng đã qua xử lý nó phải khác".

Theo bà Hương: "Trước hết về màu sắc, bì heo tươi sạch sẽ có màu trắng hồng, vẫn còn một lớp mỡ dưới bì màu trắng phau. Ngược lại, bì heo đã qua ngâm hóa chất sẽ có màu trắng tinh bất thường, lớp mỡ dưới bì đã được lọc sạch sẽ để tiện việc tẩy rửa.

Hơn thế, khi thái bì heo, bì heo sạch sẽ vẫn còn khá nhiều mỡ và có độ mềm vừa phải trong khi đó bì heo đã qua ngâm hóa chất sẽ rất khô ráo và cứng.

Bì heo sạch sẽ có mùi thơm, ngay cả khi còn tươi sống ngửi thử sẽ không thấy có mùi lạ. Tuy nhiên, bì heo đã qua xử lý vẫn còn để lại mùi hôi, thậm chí là mùi lạ của hóa chất, giống như khi mua thịt của một con lợn sạch và thịt của một con lợn chết có kháng sinh vậy. Vì thế khâu thử mùi khi chọn mua bì heo cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, khi luộc bì heo lên, nếu là bì sạch thì nước sẽ rất trong, không có váng bẩn và không có mùi hôi. Còn với bì heo qua ngâm hóa chất, nước sẽ có nhiều bọt, nhiều váng bẩn và đặc biệt là có mùi hôi lạ rất khó chịu", bà Hương cho hay.

Chủ quán cơm tấm bì bày cách nhận biết BÌ HEO ôi thối đã qua ngâm hóa chất
Bì heo đã qua ngâm tẩm hóa chất sẽ so màu trắng tinh bất thường, lớp bì còn rất mỏng vì đã được lọc sạch sẽ lớp mỡ bên dưới.

Cùng chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Minh một chủ quán cơm tấm bì tại Hà Nội cho biết: "Với loại bì heo còn tươi sống dựa vào màu sắc bề ngoài có thể dễ dàng phân biệt được. Tuy nhiên với các món ăn từ bì lợn đã qua tẩm ướp gia vị cùng các nguyên liệu khác thì màu sắc của nó đã bị thay đổi.

Người ăn chỉ có thể phân biệt bằng cách cảm nhận bằng vị giác. Với bì lợn sạch sẽ có độ giòn, dai vừa phải và có vị béo ngậy cùng hương thơm đặc trưng. Ngược lại, bì lợn đã qua ngâm hóa chất sẽ dai và giòn hơn rất nhiều, thử cầm sợ bì heo lên căng ra hết cỡ, sẽ thấy chúng có độ co giãn và rất dai, khó đứt. Loại bì lợn này khi ăn còn có cảm giác rất khô, không béo, không ngậy và không còn mùi thơm đặc trưng của bì heo nữa".

Trước đó, theo lời khuyên của các chuyên gia, việc sử dụng loại bì heo đã qua ngâm tẩm hóa chất sẽ mang đến rất nhiều tác hại. Trước hết là nó có thể gây tổn thương ruột, dạ dày: Sử dụng bì lợn tẩy trắng từ việc ngâm oxy già, nhất là những bì lợn chưa được cạo sạch lông hoàn toàn, sẽ gây nguy hại cho sức khỏe. Vì khi ăn vào ruột, những chiếc lông cứng này sẽ cắm vào vùng màng nhầy ở dạ dày và ruột non, dẫn đến hệ quả làm tổn thương màng ruột và dạ dày.

Thứ hai là sẽ tích tụ chất độc hại: Ăn thường xuyên bì lợn thối được tẩy trắng từ oxy già sẽ khiến độc chất aflatoxin có trong bì lợn tích tụ dần, gây nên tình trạng ngộ độc. Nếu tích tụ ở mức độ ít sẽ gây nên một số triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn. Nếu tích tụ nhiều sẽ làm tăng khả năng bị ung thư.

Và đặc biệt là tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập: Sử dụng oxy già chỉ có tác dụng tẩy trắng bì lợn, không thể diệt hết các loại vi khuẩn và mầm lây bệnh như dịch tai xanh, viêm cầu. Nếu dùng phải bì lợn từ những con lợn mang bệnh sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Theo Minh Dương (phunuonline)