Cấm tạm nhập nội tạng đông lạnh cho Trung Quốc

Từ 1/1/2016 trên toàn quốc sẽ không cho làm thủ tục tạm nhập cho thực phẩm đông lạnh, cửa khẩu tái xuất là Lào Cai đi sang Trung Quốc, áp dụng đặc biệt với hàng nội tạng đông lạnh.

Theo Tổng cục Hải quan, từ 1/1/2016 trên toàn quốc sẽ không cho làm thủ tục tạm nhập cho thực phẩm đông lạnh, cửa khẩu tái xuất là Lào Cai đi sang Trung Quốc, áp dụng đặc biệt với hàng nội tạng đông lạnh, tin tức trên báo Pháp luật TPHCM.

Chỉ những lô hàng đã làm thủ tục trước ngày 1/1 thì vẫn được giải quyết cho tạm nhập và phải tái xuất.

Theo Tổng cục, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Lào Cai cho thông quan các lô hàng đã tạm nhập mà đối tác phía Trung Quốc có khả năng nhận hàng, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp đưa hàng chưa tái xuất được về khu vực chịu sự giám sát hải quan để tránh “tuồn” số hàng này vào thị trường nội địa, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Trước đó, tháng 10/2015, phía Trung Quốc đã cấm nghiêm ngặt hàng đông lạnh dạng tạm nhập tái xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tạm nhập về và tái xuất nội tạng động vật cho chủ hàng Trung Quốc. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng ách tắc 500-600 container hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất ở Lào Cai.

Tổng cục cũng yêu cầu các cửa khẩu giám sát chặt vì nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại và tuồn số hàng bị ách tắc này ra thị trường là rất cao.

cam-tam-nhap-noi-tang-dong-lanh-cho-trung-quoc

Từ 1/1/2016 trên toàn quốc sẽ không cho làm thủ tục tạm nhập cho thực phẩm đông lạnh, cửa khẩu tái xuất là Lào Cai đi sang Trung Quốc, áp dụng đặc biệt với hàng nội tạng đông lạnh. (Ảnh minh họa).

Trước đó, vào năm 2013, sau 3 năm cấm tạm nhập nội tạng trắng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại cho phép nhập lại nội tạng trắng đông lạnh. Quyết định này khi đó cũng gây ra nhiều phản ứng.

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), cho rằng, đối với nội tạng nhập khẩu chính ngạch, cơ quan chức năng có thể bảo đảm kiểm soát ATVSTP. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa thể ngăn chặn được tình trạng nhập lậu qua biên giới. “Đây là mối nguy lớn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Vì lợi nhuận, lực lượng buôn lậu sẽ bất chấp tất cả, dùng hóa chất cực kỳ độc hại để bảo quản, tẩy rửa nội tạng”, ông Hùng nhận định.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho rằng: Do hàm lượng Cholesterol cao nên nội tạng hết sức nguy hiểm đối với người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, người tăng Cholesterol, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, bệnh gout, bệnh thận, người thừa cân, béo phì... Vì vậy, không nên cho nhập khẩu nội tạng.

“Với chiều dài biên giới Việt Nam – Trung Quốc hơn 900 km, rất khó để cơ quan chức năng kiểm soát tình hình này, ngay cả khi cấm còn không ngăn chặn được, bây giờ lại cho phép thì khác gì “vẽ đường cho hươu chạy” , một người dân nghi ngờ.

Xung quanh vấn đề trên, PGS. TS. Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định: Theo quan điểm của tôi, không nên cho phép nhập khẩu nội tạng. Nội tạng luôn chứa nhiều hàm lượng Cholesterol; khả năng tồn dư các độc tố rất lớn, không tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. Việc nhập nội tạng nếu không kiểm soát tốt, còn có nguy cơ mang theo các mầm bệnh lây lan cho gia súc, gia cầm, ảnh hưởng tới chăn nuôi trong nước. 

“Do đó, cá nhân tôi cho rằng, việc tái nhập nội tạng trắng là không cần thiết, nếu không muốn nói rằng “lợi bất cập hại”, PGS. TS Nguyễn Đăng Vang khẳng định.

Theo Ngọc Anh (ĐSPL)