Bột đậu nành + phụ gia = 'cà phê nguyên chất'

“Đột nhập” vào “thủ phủ” cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), PV báo Người Đưa Tin phát hiện một sự thật buồn: Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở cà phê đã trộn rất nhiều ngũ cốc, thậm chí dùng 100% bột đậu nành cùng các phụ gia, hóa chất để thành sản phẩm... cà phê nguyên chất.

Sự thật về cà phê siêu rẻ

Trong vai người đi mua cà phê về bỏ mối cho các tỉnh phía Bắc, chúng tôi gặp Tr. (hay còn lại là Ph.), chủ cơ sở rang xay, chế biến cà phê ở Quảng Phú (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk). Tr. lấy ra mẫu cà phê loại 55.000 đồng/kg, rồi khoe mẫu cà phê này ngon, được người tiêu dùng khắp địa bàn Đắk Lắk ưa chuộng.

Khi chúng tôi đòi hạ giá, Tr. chỉ bớt xuống 53.000 đồng nếu lấy số lượng lớn. Chúng tôi đặt vấn đề muốn mục sở thị cơ sở sản xuất cà phê bột, Tr. lắc đầu từ chối với lý do khu rang xay nằm xa. Riêng về công nghệ, Tr. chỉ tiết lộ, loại cà phê đang chào hàng có sử dụng thêm đậu nành. Còn tỉ lệ, công thức trộn, thì anh này giấu nhẹm.

Chúng tôi tiếp tục đặt vấn đề muốn mua cà phê được chế biến hoàn toàn từ đậu nành và bắp nhưng Tr. cho biết, loại này ở đây không có, mà phải lên TP.HCM. Tuy nhiên, không cần lên tận TP.HCM, ngay tại “thủ phủ” cà phê Buôn Ma Thuột, chúng tôi đã tìm thấy loại cà phê này. Chủ một quán cà phê ở TP. Buôn Ma Thuột giới thiệu cho chúng tôi gặp Nh., chủ cơ sở rang xay cà phê ở xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) để mua hàng.

Sau mấy tiếng chờ đợi, Nh. xuất hiện, dẫn chúng tôi mục sở thị lò sản xuất, rang xay cà phê bột của gia đình. Trước cơ sở sản xuất bé nhỏ, nằm trong khu đông dân cư này, Nh. cho biết có đi khắp vùng cũng không thể tìm được nơi nào có cà phê giá rẻ như của anh ta. Theo Nh., cà phê ở đây có giá 35.000 đồng/kg. Đây là cà phê có giá siêu rẻ do được chế biến hoàn toàn bằng đậu nành.

cảnh chào hàng

Nh. chào mời khách mua cà phê bột toàn đậu nành.

“Sản xuất cà phê nhưng không có hạt cà phê nào thì sản phẩm ra lò làm sao giống mùi, vị cà phê được”, chúng tôi đặt vấn đề. Đáp lời chúng tôi, Nh. cười khúc khích: “Có bí kíp hết”. Bí kíp mà Nh. nhắc đến ở đây là sử dụng các chất phụ gia và hóa chất như: Caramel, đường, bơ, hương dừa, chất tạo màu, chất sánh, chất béo...

caphe

Loại cà phê toàn đậu nành được Nh. chào mời.

Theo Nh., những nguyên liệu này được bán trôi nổi trên các chợ đầu mối, nhất là chợ Kim Biên ở TP.HCM. Khi chia tay, Nh. không quên tặng chúng tôi các mẫu cà phê được chế biến hoàn toàn từ đậu nành để mang về cho khách hàng thử trước. Nếu cần thay đổi mùi vị thì báo lại anh để điều chỉnh theo ý muốn “thượng đế”.

Lộ công nghệ biến bột đậu nành thành cà phê

Tại “thủ phủ” cà phê Buôn Ma Thuột, có rất nhiều cơ sở chế biến cà phê bột kém chất lượng và từng bị ngành chức năng kiểm tra xử lý. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đắk Lắk (sở NN&PTNT Đắk Lắk), trong năm 2012- 2013, hàng chục cơ sở chế biến cà phê bột kém chất lượng đã bị phanh phui tại đây. Mới đây nhất, vào ngày 19/1, Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra lò chế biến cà phê bột do Nguyễn Đình Quang (32 tuổi, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) làm chủ.

Khi đến đây, chúng tôi bắt gặp cảnh cơ sở sản xuất chật chội và vô cùng mất vệ sinh: Mạng nhện giăng khắp nơi, mái nhà thủng lỗ chỗ, mưa nắng rọi chiếu vào bên trong. Trong lò, hàng chục bao tải đựng hạt bắp, đậu nành xếp la liệt. Đặc biệt, cơ sở này xay trực tiếp cà phê xuống nền chứ không dùng dụng cụ đựng. Nhiều mẻ bắp, đậu nành đã rang, pha hóa chất đen kịt xếp đầy các thùng.

công an vào cuộc

Công an kiểm tra một cơ sở sản xuất cà phê bẩn ở Đắk Lắk.

Tại buổi làm việc với công an, Nguyễn Đình Quang thừa nhận, cơ sở chế biến cà phê bột bằng “công nghệ” trộn cà phê, bắp, đậu nành và hóa chất với tỉ lệ 10% cà phê, 90% còn lại là bắp, đậu nành, hóa chất. Mỗi ngày, cơ sở cho ra lò khoảng 100kg cà phê, sau đó đóng gói thành từng bao tải loại 50kg rồi chở đi bỏ mối cho các cơ sở bán lẻ ở huyện Krông Nô (Đắk Lắk), huyện Đắk Mil (Đắk Nông) với giá 60.000 đồng/kg. Tại đây, công an lập biên bản, niêm phong 11 bao đậu nành (250kg); 33 bao hạt bắp (1,5 tấn), 4 bao cà phê đã rang (120kg), 30kg cà phê đã xay nhuyễn cùng một túi đường hóa học có tên gọi là Sodium Cyclamate.

Thượng tá, Lê Tôn Cương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Qua ghi nhận ban đầu, đơn vị mắc các lỗi chế biến không đảm bảo vệ sinh, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng cà phê, sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc, không được sử dụng trong chế biến. Chúng tôi đã tiến hành niêm phong, đồng thời lấy các mẫu vật để kiểm nghiệm. Sau khi có kết quả sẽ có hướng xử lý thỏa đáng”.

Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị ảnh hưởng

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, việc các cơ sở chế biến cà phê bột xuất phát từ việc hám lợi, đã gây ra hệ lụy là gây ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Để ngăn chặn, Hội có kế hoạch thành lập hội những nhà rang xay, trong đó đề ra quy chế nội bộ sử dụng lô-gô cà phê Buôn Ma Thuột trên các bao bì sản phẩm cà phê bột. Cơ sở nào làm đúng quy trình, tiêu chuẩn sẽ được phép in logo cà phê Buôn Ma Thuột trên bao bì. Cơ sở nào không đạt tiêu chuẩn thì không được gia nhập. Nếu phát hiện gắn lô-gô chui thì sẽ bị kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt.

Theo Mai Cường (NĐT)