Bỏng điện mùa mưa bão: Mất hai tay, một chân chỉ vì bất cẩn

Các chuyên gia bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) vừa lên tiếng cảnh báo khi gần đây khá nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì điện giật. Bệnh nhân dù giữ được mạng sống nhưng bỏng điện để lại hậu quả nặng nề, có nạn nhân đã bị cắt cụt cả hai tay và một chân chỉ vì giây phút bất cẩn!

bong-dien-mua-mua-bao-mat-hai-tay-mot-chan-chi-vi-bat-can

Mùa mưa, độ ẩm tăng cao nên khả năng dẫn điện giữa dây điện và người là rất lớn. Tranh minh họa

Anh Đinh Văn Tuấn (SN 1974, ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) vừa xuất viện ngày 22/8 vừa qua. Rời Bệnh viện Chợ Rẫy, dù giữ được tính mạng sau vụ điện giật kinh hoàng, song anh Tuấn chỉ còn một chân.

Trước đó, ngày 20/7 anh Tuấn nhập Bệnh viện Chợ Rẫy sau vụ điện giật khi đang lao động. Các chuyên gia Khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình xác định: Bệnh nhân bị bỏng điện 23% độ 2,3,4 toàn thân và tứ chi. Trường hợp này nếu không tháo các chi hoại tử, chúng sẽ gây nhiễm trùng toàn bộ cơ thể, thấm ngược vào máu, dẫn đến tử vong. Các chuyên gia đành phải lần lượt cắt cụt chi đến ba lần để cứu anh Tuấn.

Là thợ điện 10 năm qua, nhưng anh Lê Đình Minh (sinh 1984, quê ở Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) không may bị điện giật ngày 24/7 tại TP HCM. Minh được cấp cứu tại Bệnh viện quận 7, sau đó đưa về Bệnh viện 115 rồi chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy vì tình trạng nguy kịch. Để cứu sống thanh niên này, các chuyên gia buộc phải cắt cụt cả hai chi trên.

Theo BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình, tình trạng bỏng điện ngày càng gia tăng, hậu quả để lại nặng nề. “Hiện Khoa Bỏng có đến 70 bệnh nhân, số trường hợp bị bỏng điện chiếm 10 -15%. Khoảng 50% bệnh nhân bị bỏng điện phải cắt chi”, BS Hiệp cho hay. Bỏng điện để lại hậu quả nặng nề cho các bệnh nhân, họ dễ bị chấn thương về tâm lý.“Nhiều bệnh nhân bị cắt cụt chi đã mặc cảm, tuyệt vọng, có ý định tự tử, chúng tôi phải làm tâm lý trước khi thực hiện. Ngoài ra, nạn nhân có thể bị chấn thương cột sống thắt lưng, gãy xương…”, BS Hiệp chia sẻ thêm.

Nguyên nhân dẫn đến điện giật, bỏng điện, ghi nhận các tình huống tại Khoa Bỏng – Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, chủ yếu là do người dân làm việc gần đường điện, treo bảng quảng cáo, lắp ăng ten tivi, lái máy cẩu đi qua dòng điện, câu cá gần đường dây điện…

Đặc biệt mùa mưa, độ ẩm tăng cao nên khả năng dẫn điện giữa dây điện và người là rất lớn. Tuy nhiên, kể cả đảm bảo khoảng cách an toàn, nhưng khi trời mưa, khoảng cách đó không an toàn nữa. Các chuyên gia cũng khuyến cáo: Nếu làm tốt vấn đề sơ cứu ban đầu, nạn nhân bỏng điện sẽ được giảm thiểu khả năng bị cắt cụt chi để giữ mạng sống. Theo chuyên gia, cách sơ cứu cơ bản nhất là cách ly nguồn điện, di chuyển bệnh nhân tới khô ráo, hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân ngưng thở.

Chuyên gia Khoa Bỏng – Phẫu thuật tạo hình khuyến cáo, các doanh nghiệp sử dụng lao động cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động khi làm việc gần đường điện, về khoảng cách, bảo hộ…và đặc biệt là hướng dẫn cho người lao động quy tắc an toàn về điện.

Theo Đỗ Bá (Giadinh)