Bất lực "ngáp" dài chờ cáp

Cuộc sống thành thị ngày càng “vi tính hóa”, hầu hết công việc và thói quen đều phụ thuộc khá nhiều vào internet. Bỗng một ngày đứt cáp khiến cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng (NTD) bị ảnh hưởng. Điều đáng nói là quyền lợi NTD dường như bị bỏ qua khi đường truyền bị gián đoạn mà nhà mạng không hề thông báo.

Dưới biển, dây cáp bị “cá mập cắn”, trên đất liền, quyền lợi của NTD bị các nhà mạng “cá mập” nuốt.

Đứt cáp là một trong những sự kiện gây phiền hà nhất vào nửa đầu năm 2015. Một ngày không internet, không online truy cập mạng, không facebook, mọi người dường như cảm thấy cả ngày bứt rứt, buồn nóng trong người, có khi lại trở nên thụ động đến nỗi chẳng biết làm gì. Tệ hơn, có người lại muốn đổ bệnh vì gần cả tháng bực tức với mạng internet “chậm như rùa”.

Nhà cung cấp mạng thờ ơ

Một số nhà mạng như Viettel, VNPT đã nỗ lực tìm phương án khắc phục. Khách hàng của những doanh nghiệp này có phần may mắn vì tốc độ đường truyền khá ổn định. Trong khi đó, một số nhà mạng khác lại có phần thờ ơ với khách hàng của mình.

Một khách hàng của FPT bức xúc: “Khu chung cư chúng tôi ở bắt buộc chỉ dùng internet do FPT cung cấp dịch vụ chứ nếu không, chúng tôi sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ của Viettel. Bởi lẽ, rất nhiều lần sự cố đứt cáp xảy ra và lần nào FPT cũng xử lý kém hơn Viettel rất nhiều”.

Bất lực "ngáp" dài chờ cáp
Nhiều lời bình luận than phiền sự cố đứt cáp trên mạng.

Điều đáng nói là FPT cũng không hề gửi bất kỳ một thông báo nào về sự cố đứt cáp đến người sử dụng dịch vụ, nếu có cũng chỉ vỏn vẹn một tin thông báo ngắn trên website của nhà mạng này. Điều đó phần nào thể hiện sự thiếu tôn trọng và quan tâm đến khách hàng. Hiện nay, hầu hết NTD biết lý do mạng chậm là do đứt cáp thông qua các kênh truyền thông báo chí, chứ không phải từ nhà cung cấp dịch vụ internet.

NTD kêu ai?

NTD có thể khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo Luật định.

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp bỏ lơ khách hàng của mình, có thể nói, một phần lỗi là do NTD quá dễ tính và thiếu sự phản hồi tích cực đến doanh nghiệp.

Chủ yếu những thông tin, ý kiến lên án vấn đề NTD chịu khổ vì đứt cáp chỉ xuất hiện tràn ngập trên nhiều trang mạng xã hội và báo trực tuyến.

Chẳng hạn, một khách hàng tên M.Q than: “Quá bức xúc, vừa cứ 2-3 tháng lại đứt cáp một lần. Thử hỏi trên thế giới có quốc gia nào có tần suất đứt cáp như Việt Nam không? Tiền thì đóng muộn 2 ngày là ngắt kết nối của khách hàng, thế nhưng khi có sự cố thì cũng chẳng có một lời thông báo cho khách hàng biết. Nhờ báo chí mới biết được. Nếu có công ty của nước ngoài nhảy vào cạnh tranh thì thử hỏi với cách làm ăn của mấy công ty Việt Nam thế này có tồn tại được lâu không?”

Hay những ý kiến khác: “Đề nghị không thu phí internet của khách hàng trong thời gian mạng yếu do cáp quang bị đứt”, “Cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam ở đâu? Quá trình xây dựng và thiết kế kỹ thuật làm chưa chuẩn là lỗi của nhà mạng, họ không đảm bảo lưu lượng đã cam kết sao vẫn không chịu bất cứ chế tài nào?”...

Bất lực "ngáp" dài chờ cáp

Bất lực "ngáp" dài chờ cáp
Ảnh chế vui về đứt cáp AAG

Trên một tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam, phía dưới bản tin thông báo đứt cáp cũng chi chít hàng trăm lời bình luận: “Mỗi lần đứt cáp quang, năng suất làm việc của công ty tôi... giảm 70%! Cảm ơn nhà mạng”. (Dvid Long);

“Chẳng hiểu công ty bác làm về lĩnh vực gì, chắc là bán hàng offline, công ty tôi làm việc online, gửi mỗi cái email mà ngồi 30 phút không xong” (Quách Tĩnh);

“Bác cắt mạng rồi bác xài bằng gì, bác xài 3G hay gì đi nữa thì chủ yếu là sẽ đi qua tuyến này nhé bác”; “Tiền thì vẫn đóng hàng tháng, thiệt hại thì tự mà chịu. Nản...”;

Còn bạn Minh Trí chua chát: “Mỗi lần điện thoại hỗ trợ thì chậm trễ, chất lượng phục vụ khách hàng quá tệ, trong vòng 2 năm mà tôi phải sử dụng tới 3 nhà mạng vì chất lượng quá kém”.

Những bình luận mang tính chất phản ánh gay gắt nhan nhản trên các trang mạng nhưng liệu những ý kiến phản hồi đó có tới được doanh nghiệp, nhà cung cấp không? Trường hợp nếu có thì doanh nghiệp có lưu tâm chưa?

Một số nhận định cho rằng những vụ nhỏ lẻ liên quan tới quyền lợi của một người hoặc một nhóm người thì người ta sẽ thấy bức xúc và làm khiếu nại tới cùng. Còn đứt cáp là sự cố chung gây ảnh hưởng đến nhiều người và mọi người có suy nghĩ rằng ai cũng như mình, không ai nghĩ tới việc đòi quyền lợi chính đáng cho cả một tập thể.

Tuy nhiên, trong Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định: “NTD được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, quảng cáo hoặc cam kết”.

Vì vậy, NTD cần cương quyết nhờ đến sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, Hội bảo vệ quyền lợi NTD và những cơ quan truyền thông để có tiếng nói chung và có những chế tài hữu hiệu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Thúy Hồng (Báo NTD)