‘Ác mộng’ hoa sữa mùa Thu, chuyên gia cảnh báo gì?

Cứ mỗi mùa Thu tới hoa sữa lại nở rộ trên các tuyến phố của thủ đô Hà Nội. Nhưng theo các chuyên gia nếu chỉ thoang thoảng sẽ không sao nhưng nếu hít quá nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.

Tháng 9-10 là thời điểm hoa sữa nở rộ nhất. Dọc các con phố Hà Nội như Duy Tân, Nguyễn Chí Thanh, Quán Thánh, Lê Quang Đạo, Lò Đúc... cây hoa sữa lưng chừng tầng 1, tầng 2 nhà dân, cách vài mét có một cây. Hiện từng cây đơm hoa trắng thành cụm xum xuê, gió heo may đẩy hương hoa bay xa.

Người đi đường thi thoảng ngửi một chút hương hoa sữa cảm thấy thích thú, còn những người dân sống cùng nó lại đang khổ sở. Thậm chí, là tác nhân khiến họ mắc phải các chứng bệnh chóng mặt, nhức đầu,…

‘Ác mộng’ hoa sữa mùa Thu Hà Nội, chuyên gia cảnh báo gì?

 Hoa sữa có mặt trên khắp các tuyến phố ở Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet

Tuy chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về thành phần hoa sữa và tác động của nó tới sức khỏe nhưng dấu hiệu tác động của nó đều được ghi nhận khá rõ nét nếu một người đứng dưới gốc hoa sữa quá lâu.

Nói tới tác hại khi hít phải hoa sữa quá lâu, lương y Vũ Quốc Trung (thành viên hội Đông y Việt Nam) cho rằng, hoa sữa có nhiều tác hại với sức khỏe.

Cây hoa sữa có hơn 40 loài, đặc điểm chung là cây khá cao, vỏ dày, chảy nhựa như sữa nên gọi là hoa sữa. Hoa có mùi nồng nặc, nếu hít phải nhiều dễ gây cảm giác choáng váng, mệt mỏi, khó thở.

Hoa và quả của cây có nhiều lông, có thể phát tán trong không khí, dễ gây dị ứng, viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp. Những người có cơ địa dễ bị dị ứng sẽ ngứa, nổi mụn nhiều hơn.

Phấn hoa sữa dễ làm người già, trẻ nhỏ viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Những người có tiền sử hen suyễn, viêm xoang thì càng bị dai dẳng hơn.

Lương y Trung cũng bày tỏ, nếu trong một khu phố nhỏ có một cây hoa sữa thì sẽ dễ chịu, nhưng trồng nhiều cây dễ phản tác dụng. Người bị ho hen, viêm xoang và đau đầu, buồn nôn, có thể nguyên nhân từ việc hít nhiều hương hoa sữa.

BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, nếu trồng ít và thưa thì hoa sữa phát ra mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu.

Tuy nhiên, nếu trồng mật độ dày tại một khu vực, phấn hoa phát tán nhiều có thể gây dị ứng, khởi phát cơn hen cho những người có cơ địa mẫn cảm.

Liên quan tới hoa sữa, trước đây, ở Trà Vinh từng có vụ "kiện hoa sữa" vì loài hoa này được trồng quá nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến không gian sống, đặc biệt là với sức khỏe người già và trẻ em.

Nhiều lần đưa ra chính quyền không xử lý được, các hộ dân đã đâm đơn kiện lực lượng quản lý đô thị tỉnh Trà Vinh vì trồng cây gây ô nhiễm môi trường.

Tại TP Đà Nẵng, cuối năm 2011, chính quyền đã phải chặt bỏ hơn 1.000 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Văn Linh.

Các chuyên gia cũng cho biết, hoa sữa đẹp, đó là điều không ai phủ nhận, nhưng mùi hắc nồng nặc gây choáng váng thì có lẽ không nên trồng dày đặc ở các tuyến phố.

An Dương

Theo vietq

*Xem thêm:

Nếu một ngày Hà Nội không còn hoa sữa...

Theo các nhà văn sự lãng mạn trong văn học, nghệ thuật và thơ ca so với thực tế là khác nhau. Một con phố có một cây hoa sữa đã thơm lắm rồi, đằng này lại trồng đại trà thì mùi hoa sẽ càng đậm đặc và quả thực là khủng khiếp...

Thời gian gần đây, Hà Nội bắt đầu vào mùa hoa sữa, dọc các tuyến phố lớn của thủ đô như: Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Hồ Tùng Mậu, Duy Tân... người đi đường có thể thấy những hàng cây hoa sữa bung nở trắng xóa.

Có nhiều ý kiến cho rằng, hoa sữa trồng dày đặc trên các tuyến phố không còn lãng mạn như trong thơ ca đã mô tả nữa.

neu-mot-ngay-ha-noi-khong-con-hoa-sua

Nhiều người khó chịu vì mùi hương nồng nặc của hoa sữa trên các con phố.

Mùi hoa sữa cũng không còn thơm thoang thoảng như trong ca khúc “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng từng viết: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/Có lẽ nào anh lại quên em/Có lẽ nào anh lại quên em...”, mà thay vào đó là cảnh người dân than trời vì mùi hoa sữa nồng nặc, khiến nhiều người khó chịu. 

Nhiều người cho rằng, việc trồng dày đặc loại cây này trên một số tuyến phố khiến hương hoa sữa không còn lãng mạn, ngọt ngào như trong thơ ca. Nó tạo nên thứ mùi đậm đặc khiến người ta phải thốt lên sợ hãi. Trong số những ý kiến đó, rất nhiều người mong muốn Hà Nội chặt bỏ bớt loại cây này. 

Trước việc người dân Hà Nội than trời vì mùi hoa sữa nồng nặc, PV Người Đưa Tin đã được nghe chia sẻ của những nhà văn về vấn đề này.

Nhà văn Trần Thị Trường cho rằng: “Nhắc đến hoa sữa là người ta nhớ ngay đến ca khúc “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng, cũng có thêm các bài thơ, bài văn miêu tả về hoa sữa. Vì mùi hương đặc trưng của nó tạo nên những xúc cảm nhất thời, làm cho người ta rung động, xao xuyến, bồi hồi nhớ lại ký ức.

Tuy nhiên, sự lãng mạn trong văn học, nghệ thuật và thơ ca so với thực tế là khác nhau. Một con phố có một cây hoa sữa đã thơm lắm rồi, đằng này lại trồng đại trà thì mùi hoa sẽ càng đậm đặc và quả thực là khủng khiếp”.

Theo nhà văn Trần Thị Trường: “Là một người làm công tác văn hóa, tôi chưa nghiên cứu được bỏ hoa sữa đi một cách triệt để có tốt hay không. Nhưng theo tôi, nên để một vài cây thì sẽ hợp lý hơn. Tôi nghĩ rằng, các nhà hoạch định chính sách, hoạch định đô thị nên xem xét lại”.

Trả lời PV báo Người Đưa Tin về câu hỏi "nếu một ngày Hà Nội không còn hoa sữa", nhà văn Y Ban cho biết: “Nếu một ngày Hà Nội không có hoa sữa thì tôi nghĩ sẽ chẳng sao cả, bởi cuộc sống bây giờ là vậy, người nào hoài cổ thì vẫn hoài cổ. Nhưng nói thật, cứ đến mùa này thì mùi hoa sữa thật là khủng khiếp”.

neu-mot-ngay-ha-noi-khong-con-hoa-sua

Theo nhà văn Trần Thị Trường, sự lãng mạn trong văn học, nghệ thuật và thơ ca so với thực tế là khác nhau.

Nhà văn Y Ban nhớ lại: “Ngày còn nhỏ khi chưa có bài hát về hoa sữa, ở khu tập thể mà tôi sinh sống có một cây hoa sữa mà mùi đã nồng nặc lắm rồi”.

So sánh hoa sữa trong văn thơ với cuộc sống ngoài đời: “Văn chương lãng mạn, hoàn toàn theo cảm xúc nhưng cuộc sống mà cứ chạy theo cảm xúc thì sẽ là a dua theo số đông hoặc làm việc không có chủ đích. Tôi nghĩ là không nên áp đặt hoa sữa trong văn thơ vào trong hoàn cảnh thực tiễn”.

Từ những điều đó, nhà văn Y Ban bày tỏ: “Quy hoạch của một thành phố khác xa với việc lãng mạn của văn chương. Vì thế, rất cần các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng về việc trồng cây hoa sữa đại trà”.

Nhiều bạn trẻ lại cho rằng, dù mùi hoa sữa gây "ám ảnh" vì quá nồng, nhưng nếu Hà Nội không còn hương hoa sữa mỗi độ mùa Thu về thì một nét đặc trưng riêng của Hà Nội sẽ không còn

"Nhắc đến thu Hà Nội là nhắc đến hoa sữa, tôi nghĩ chỉ cần quy hoạch lại, không trồng quá dày đặc, để thoang thoảng hương bay trên từng con phố là sẽ rất tuyệt vời. Nếu Hà Nội không còn hoa sữa thì cũng buồn lắm", Quốc Trung (25 tuổi, Thụy Khuê, Hà Nội) bày tỏ.

Thanh Lam

Theo Người Đưa Tin