5 bí kíp giúp bạn "tán tỉnh" người ấy qua điện thoại

Gọi cho chàng thật ngại, dù sao mình cũng là con gái mà. Lỡ chàng không bắt máy thì sao? Lỡ chàng bắt máy thì nói gì bây giờ? Đó là lí do bạn không dám bấm nút gọi.

"Tám" trên điện thoại là điều không thể thiếu ở các cặp đôi yêu nhau. Ngày nay, có rất nhiều phương tiện truyền thông, ứng dụng chat, mạng xã hội... được các cặp đôi sử dụng để liên lạc, nhưng “nấu cháo điện thoại” vẫn là món ăn không thể thiếu trong tình yêu. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ can đảm để bấm số người ấy, nhất là trong những ngày đầu mới quen, vẫn còn lắm ngại ngùng e thẹn... 

Nhưng đừng lo, hãy lấy giấy bút ra và ghi chép lại một số “ẩn số” sau đây giúp bạn “giải mã” tình trạng không biết nói gì với chàng (mặc dù comment facebook ầm ầm, chat chit xuyên đêm, nhưng cất giọng trong điện thoại thì hoàn toàn khác, căng thẳng hơn nhiều, phải không?).

Hãy là chính mình

Các cô gái thường hay ngại ngùng, vậy nên sẽ hay nói tránh hoặc đưa ra những lời nối dối vô hại. Nhưng việc nói không đúng sự thật, bịa đặt (dù hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến ai) có một tai hại là khiến bạn chẳng bao giờ nhớ mình đã nói những gì. Những điều đó sẽ sớm quay trở lại khi chàng bất giác hỏi lại điều đó một lần nữa và làm bạn bối rối (thường là éo le). Đừng cố nói tránh hay giấu giếm khi chính bạn cũng muốn anh ta thích mình vì con người thật của bạn chứ không phải một ai khác. Hãy tự hào những gì bạn đang có và tự tin là chính mình. Như vậy anh ta sẽ thêm trân trọng người con gái chân thật là bạn hơn, từ đó cũng thoải mái hơn trong giao tiếp với nhau.

Hãy nhớ là anh ấy cũng căng thẳng không kém bạn

Lòng bàn tay bạn có đổ mồ hôi? Nhip tim có đập như xe đua thể thức F1? Mái tóc của bạn có thành thảm họa sau khi vò đầu bức tai? Thật ra thì anh ta cũng như vậy thôi. Con người thường hay tự tạo áp lực cho mình bằng cách cố gắng giữ hình ảnh của mình trong mắt người khác. Có thể những ngại ngùng, những vụng về ngày đầu tiên sẽ là những kỉ niệm mà anh ấy khó có thể quên được.

Trao cơ hội nói cho anh ấy

Một số anh chàng không giỏi tán chuyện, có thể nói là nhút nhát. Vì vậy, khi bạn nghe thấy những tiếng đại loại như “ờ” hay “uh-hửm” trên điện thoại, không có nghĩa là anh ấy không thích nói chuyện với bạn, chỉ là không giỏi tán gẫu và tìm ra chủ đề mà thôi. 

Có vài thủ thuật giúp bạn thay đổi tình trạng trên như là quan tâm đến những điều anh ta cũng quan tâm, dùng những câu hỏi mở thay vì đóng. Ví dụ: thay vì hỏi "Anh có thích album mới của Bruno Mars không?" thì bạn hãy thử hỏi “Anh thấy album mới của Bruno Mars thế nào?". Việc trao cơ hội cho anh ấy thể hiện kiến thức cũng như quan điểm cá nhân có thể làm anh ta dễ chịu hơn, cởi mở hơn.

Trổ tài trinh thám tí

Nếu bạn chưa biết rõ về anh ấy có thể thử trò trinh thám chút để tìm hiểu về những sở thích, cuộc sống cá nhân của chàng sau giờ làm, giờ học ở trường. Nếu hai bạn có bạn bè chung, càng tốt, đó là nguồn khai thác hữu hiệu để tìm ra những mối quan tâm chung của nhau.

Chuẩn bị trước đề tài

Gọi cho chàng thật ngại, dù sao mình cũng là con gái mà. Lỡ chàng không bắt máy thì sao? Lỡ chàng bắt máy thì nói gì bây giờ? Đó là lí do bạn không dám bấm nút gọi. Nhưng cuối cùng bạn (lại lỡ tay) bấm nút và đầu dây bên kia cất tiếng "Alo" còn bạn thì như bị đứng hình... Trong tình huống đó, bạn cần làm gì?

Đừng để sự im lặng khó xử kia là rào cản cho cuộc gọi của bạn. Trước khi bạn nhấc điện thoại lên, suy nghĩ nhiều hơn một hoặc hai điều để làm cớ trong cuộc trò chuyện. Nó không phải quá khó, mặc dù nếu bạn đang cảm thấy đã gom hết can đảm để gọi, thì hãy nói gì đó đi chứ? Hỏi anh ta về lớp học thêm hay trận đấu bóng tối qua, hay nhắc anh nhớ mang theo áo lạnh, đài nói hôm nay sài gòn lạnh dữ lắm... Những câu chuyện sẽ được thuận theo tự nhiên mà tiếp diễn, nên bạn đừng lo nghĩ quá nhiều. Nói gì cũng được, bạn không cần phải viết kịch bản trước đâu, hãy để mọi thứ tự nhiên.

Theo thegioitre