Xử lý những bình luận phản cảm khi dạy trực tuyến thế nào?

Trong thời gian học sinh tạm nghỉ vì dịch COVID-19, nhiều hình thức học tập online, qua truyền hình được triển khai trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trong khi các ban ngành, địa phương xây dựng các tiết học bổ ích, rất cần sự tích cực, nghiêm túc của học sinh khi học trực tuyến.

xu-ly-nhung-binh-luan-phan-cam-khi-day-truc-tuyen-the-nao

Một tiết dạy của giáo viên Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) đang được ghi hình để phát trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng. Ảnh: Minh Lý

Sôi nổi dạy online, học trên truyền hình

Sau quãng thời gian tạm nghỉ học để phòng dịch COVID-19, một số địa phương đã cho học sinh quay lại trường học từ 2/3. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều nơi đã lại cho học sinh tiếp tục nghỉ học. Trước tình trạng học sinh có thể nghỉ học kéo dài, mới đây Bộ GD&ĐT đã cho phép các địa phương thực hiện dạy học đại trà qua truyền hình, dạy online. Đồng thời Bộ cũng có hỗ trợ, phối hợp với đài truyền hình để tổ chức sản xuất các chương trình truyền hình phục vụ học sinh trong thời gian nghỉ học.

Cụ thể, Thừa Thiên Huế, từ ngày 16/3, việc dạy học cho học sinh khối 12 qua truyền hình sẽ bắt đầu với 9 môn học để thi THPT quốc gia. Tại Đà Nẵng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng phối hợp với Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng thực hiện chương trình "Ôn tập lớp 12 trên truyền hình" và trên website: www.danangtv.vn, cũng bắt đầu từ ngày 16/3. Trước đó, Hải Phòng thực hiện việc học qua truyền hình từ ngày 13/3 cho đến khi học sinh đi học trở lại. Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cũng đang triển khai Chương trình "Lớp học không khoảng cách" nhằm hỗ trợ học sinh bậc phổ thông học tập trong thời gian phòng dịch COVID-19.

Còn tại Hà Nội, Sở GD&ĐT vừa có chỉ đạo các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường THPT nhằm tăng cường chất lượng việc dạy học online và trên truyền hình cho học sinh. Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: "Quá trình tổ chức dạy online của nhà trường, của giáo viên phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm, chất lượng và không được thu bất kỳ khoản tiền nào đối với phụ huynh, học sinh (kể cả việc Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh). Các nhà trường, giáo viên duy trì liên lạc với gia đình học sinh, học sinh để hướng dẫn ôn tập, tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với thực tế địa phương".

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các trường trên địa bàn hướng dẫn học sinh học tập hiệu quả trên hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study cho học sinh lớp 8, 9, 11 và 12. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn cho học sinh lớp 9 và lớp 12 học tập trên truyền hình đảm bảo nề nếp, chất lượng. Các phòng GD&ĐT, nhà trường triển khai tới tất cả giáo viên, học sinh phụ huynh lịch phát sóng hàng tuần và nội dung dạy trên truyền hình. Các khối còn lại, các trường chỉ đạo giáo viên có kế hoạch cụ thể hướng dẫn học sinh tự học, giao bài, chữa bài cho học sinh...

Sẽ xử lý những bình luận gây phản cảm

Có thể thấy, sau vài tuần đầu nhiều nơi còn "lúng túng" trong cách dạy, quản lý học sinh trong thời gian nghỉ học thì thời gian gần đây tại nhiều nơi đã đa dạng hóa các hình thức dạy học trực tuyến đối với học sinh, mặc dù thực tế hình thức dạy online hay trên truyền hình cũng không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, quá trình dạy học online luôn phát sinh những tình huống không đáng có đến từ khách quan và chủ quan. Ngoài yếu tố về đường truyền, không ít giờ học online trực tiếp thiếu vắng học sinh, một số học sinh có mặt nhưng lại đang ở ngoài đường, trong phòng ngủ tối om… Chưa kể, ý thức của một số học sinh chưa nghiêm túc như gây rối, bình luận phản cảm….

Tiêu biểu như tại Hà Nội, từ ngày 9/3 đến nay, Đài PT&TH Hà Nội phối hợp cùng Sở GD&ĐT Hà Nội sản xuất, phát sóng các môn dành cho học sinh lớp 9, lớp 12. Theo Đài PT&TH Hà Nội, mục đích của những người sản xuất chương trình là giúp cho học sinh cuối cấp có thể nắm vững kiến thức trong thời gian nghỉ vì dịch nhằm đảm bảo đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Tuy nhiên, bên cạnh những bình luận có ý thức xây dựng thì cũng có những bình luận không liên quan đến bài giảng, những bình luận phản cảm gây bức xúc cho những người xem trực tiếp. Việc xuất hiện nhiều bình luận phản cảm đã khiến nhà đài phải phối hợp với an ninh mạng để mời một số bạn bình luận có nội dung phản cảm trong các buổi livestream lên làm việc và sẽ báo lại nhà trường.

Anh N.V.C - cán bộ tham gia sản xuất chương trình của Đài PT&TH Hà Nội chia sẻ: "Để có được những buổi livestream thì giáo viên, các anh chị em kỹ thuật phải đáp ứng nhiều điều kiện để đảm bảo cho việc phát trực tiếp… Tuy nhiên, lượng bình luận trong mỗi livestream rất lớn, lên đến vài chục nghìn bình luận. Khi xuất hiện những đoạn bình luận phản cảm, những người tham gia tổ chức sản xuất chương trình rất thất vọng về ý thức văn hoá của một số bạn trẻ. Vì điều đó đã ảnh hưởng đến sự cố gắng của mọi người với mong muốn mang lại một chương trình bổ ích, có tính giáo dục cao đến với học sinh trong thời gian này".

Bên cạnh việc kêu gọi ý thức nghiêm túc, nhiều giáo viên phổ thông cho rằng, học sinh nên tận dụng khoảng thời gian nghỉ để học tập, "vá" lại "lỗ hổng" kiến thức, nhất là lớp 9, lớp 12. "Việc học trực tuyến sẽ có những điểm hạn chế do thiếu đi sự tương tác so với học trên trường. Tuy nhiên, học sinh cần tận dụng khoảng thời gian này, đẩy việc chăm học và tự học. Học sinh cần làm thêm bài tập, dựa trên các nguồn trên internet, tự làm các đề thi để tự chấm, chữa… nên trao đổi với thầy cô, bạn bè để tham khảo. Giáo viên cần tăng kết nối với học sinh thông qua nhiều hình thức thiết bị và cần yêu cầu học sinh nghiêm túc học, làm bài tập", thầy Trần Mạnh Tùng, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đưa ra lời khuyên.

Liên quan đến hoạt động dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh tạm nghỉ học vì COVID-19, vừa qua Bộ GD&ĐT đã có yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua internet, truyền hình. Bên cạnh đó, chỉ đạo nhà trường, giáo viên đẩy mạnh không tổ chức kiểm tra, đánh giá trên trực tuyến. Khi học sinh quay trở lại, trường phải tổ chức ôn tập và kiểm tra, đánh giá để công nhận kết quả, đảm bảo học sinh nắm được kiến thức. Trong quá trình ôn tập đó, nếu thấy học sinh hổng chỗ nào, giáo viên phải tổ chức ôn tập hoặc yêu cầu học sinh ôn tập.

Trong thời gian học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên tạm thời nghỉ học, Bộ GD&ĐT đã có yêu cầu các Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua internet, truyền hình. Theo đó, các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018 để tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình, một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.

Theo GiaDinh