Xử lý nhiều hàng hóa vi phạm dịp trong và sau Tết Nguyên Đán

Trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trong và sau Tết năm 2021 lực lượng QLTT tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình đã xử lý nhiều vụ vi phạm về hàng hóa.

Bắc Giang xử lý 190 vụ vi phạm 

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Giang cho biết, trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường (từ ngày 01/12/2020 đến ngày 20/02/2021), lực lư­ợng QLTT tỉnh Bắc Giang đã chủ động, phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 261 vụ, xử lý 190 vụ.

Theo đó, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu và trị giá hàng tiêu hủy là 2.496.054.000 đồng. Trong đó tiền xử phạt vi phạm hành chính 1.250.973.000 đồng; tiền bán hàng tịch thu 148.050.000 đồng; trị giá hàng tiêu hủy 683.027.000 đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa xử lý là 414.004.000 đồng.

xu-ly-nhieu-hang-hoa-vi-pham-dip-trong-va-sau-tet-nguyen-dan

 Nhiều hàng hóa vi phạm bị tịch thu trong đợt cao điểm kiểm tra tại Bắc Giang. Ảnh: Cục QLTT Bắc Giang

Riêng về lĩnh vực thương mại điện tử, đã kiểm tra và xử lý 04 vụ việc; tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu và trị giá hàng tiêu huỷ là 417.112.000 đồng (trị giá hàng tịch thu chưa xử lý 118.795.000 đồng), trong đó: Tiền xử phạt vi phạm hành chính 229.500.000 đồng và trị giá hàng tiêu huỷ 187.612.000 đồng.

Điển hình, ngày 31/12/2020, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra cơ sở đóng gói mực in thuộc Công ty TNHH Thương mại sản xuất hộp mực in RV, địa chỉ: Thôn Liêm Xuyên, xã Song Khê, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang hoạt động đóng gói mực in mang nhãn hiệu EPSON và CANON có dấu hiệu đóng gói hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Ngay sau đó, Đoàn kiểm tra lấy mẫu sản phẩm để giám định, kết quả giám định là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu. Đội QLTT số 3 đã thiết lập hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại sản xuất hộp mực in RV số tiền 66.00.000 đồng về hành vi vi phạm đóng gói hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tịch thu tang vật vi phạm gồm máy bơm mực, máy dập khuôn miệng lọ mực, máy vặn nút lọ mực và máy hút chân không có tổng trị giá 11.800.000 đồng; đồng thời, đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hoá vi phạm trong thời gian 02 tháng và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nguyên liệu chủ yếu để sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm mực in, tem nhãn hiệu, đề can các loại... có tổng trị giá 55.747.000 đồng.

Hòa Bình xử lý 203 vụ vi phạm về hàng hóa

Tương tự, tại tỉnh Hòa Bình, theo nhận định của Cục QLTT tỉnh Hòa Bình, thị trường hàng hóa dịp cuối năm những ngày giáp Tết, sau Tết vẫn luôn nhộn nhịp. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh tăng, đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, sản xuất hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp. 

Nhận định tình hình này, Cục QLTT tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 685/KH-CQLTT ngày 03/12/2020 triển khai tới các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, sữa, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, phân bón, thuốc bảo về thực vật, dược phẩm, mỹ phẩm, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường thời gian từ ngày 03/12/2020 đến ngày 25/02/2021 cụ thể: Tổng số vụ kiểm tra 352 vụ. Số vụ xử lý 203 vụ. Tổng tiền phạt VPHC 466.725.000 đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu 96.259.000 đồng.

Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ; Bộ Công Thương; Tổng cục Quản lý thị trường; Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; UBND tỉnh; Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.

Cần chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm và các hành vi gian lận thương mại khác.

Theo VietQ