Xót xa chuyện bố mẹ từ chối hiến thận cho con chỉ vì đó là... con gái

Tâm lý ưa thích con trai đã ăn sâu vào tiềm thức bao đời nay của một bộ phận người dân. Thế nên nhiều trẻ em gái bị chính người thân trong gia đình ghẻ lạnh ngay từ trong trứng nước, bị bạo hành, bị đối xử tệ bạc, thậm chí bị tước đoạt quyền được sống…
Xót xa chuyện bố mẹ từ chối hiến thận cho con chỉ vì đó là… con gái - Ảnh 1.

Cần thực hiện bình đẳng giới để giải quyết tận gốc mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh: TL

Bị từ chối hiến thận vì là con gái

Mới đây, câu chuyện về một bé gái sống tại Ấn Độ bị chính bố mẹ đẻ từ chối hiến thận đã khiến nhiều người xót xa. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến cô bé không được hiến thận lại là điều khiến dư luận phẫn nộ. Theo đó, cách đây 2 tháng, cô bé được phát hiện bị suy thận cấp và cần ghép thận để có thể tiếp tục cuộc sống. Tuy nhiên, cả bố và mẹ cô đều khước từ việc hiến một quả thận để cứu con.

Bố của cô đã nói với phóng viên địa phương rằng: "Con gái thì không cần thiết được nhận một quả thận hiến". Sau khi bị dư luận chỉ trích, người này đã cố gắng bào chữa cho quyết định của gia đình bằng cách cho rằng, hiến thận có thể gây nguy hiểm cho sự sống sót của các thành viên khác trong gia đình.

Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện đau lòng về hệ lụy của tư tưởng "trọng nam khinh nữ" trong xã hội dẫn đến việc con gái không được coi trọng, bị đối xử bất công thậm chí bị khước từ quyền sống. Trước đó không lâu, tại Trung Quốc, một phụ nữ sống tại tỉnh An Huy đã tử vong sau 4 lần phá thai trong một năm. Lý do cũng chỉ vì bị gia đình nhà chồng ép sinh con trai để nối dõi tông đường, trong khi, cả 4 lần mang thai ấy, giới tính của đứa bé đều là… gái.

Việc liên tục mang thai rồi lại phá thai đã khiến sức khỏe của cô ngày càng yếu đi. Nhận thấy vợ không còn khả năng sinh con trai, người chồng đã quyết định ly dị để tìm vợ mới. Vì quá đau buồn cùng với sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, người phụ nữ này phải nhập viện điều trị và tử vong không lâu sau đó.

Ở Việt Nam, những câu chuyện "trọng nam khinh nữ" vẫn còn xảy ra ở đâu đó trên đất nước ta. Tâm lý ưa thích con trai đã ăn sâu vào tiềm thức bao đời nay của một bộ phận người dân nên vô hình chung, nhiều trẻ em gái bị chính người thân trong gia đình ghẻ lạnh ngay từ trong trứng nước, bị bạo hành, thậm chí bị đối xử tệ bạc.

Thực tế, trong những lần công tác tại địa phương để tìm hiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi càng thấy rõ hơn những "góc khuất" mà phụ nữ và trẻ em gái đang phải gánh chịu hàng ngày. Như trường hợp một bé gái (xin được giấu tên) đã phải sinh ra và lớn lên trong sự ruồng bỏ, ghẻ lạnh của người bố ruột. Không riêng gì em, 3 người chị gái của em cũng chung cảnh ngộ, lý do đơn giản là vì, các em đều là… con gái.

Ngày nào bố em cũng lôi điệp khúc: "Chúng mày chỉ là một lũ vịt giời ăn hại, nuôi lớn rồi bay đi" ra mắng nhiếc. Rồi mỗi khi bố em đi ăn cỗ phải ngồi "mâm dưới" hoặc nghe nhiều lời kích bác nói mẹ em "không biết đẻ" là y như rằng, mẹ con em lại bị bố lôi ra đánh đập không thương tiếc.

Không chỉ bị đánh đập, đối xử bất công, tại một số địa phương khác, trẻ em gái còn không được đến trường vì quan niệm "Con gái học nhiều cũng chẳng để làm gì" và luôn bị coi là "con người ta". Ở những nơi này, con gái chỉ có vai trò giúp việc đồng áng, nương rẫy cho bố mẹ và lớn lên gả chồng, sinh con, đẻ cái. Cuộc sống của các em hoàn toàn gói gọn trong bản làng, quanh quẩn nơi góc bếp, không hề biết tới thế giới xung quanh. Chính những điều ấy đã khiến trẻ em gái luôn bị thiệt thòi, không được coi trọng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta có xu hướng gia tăng và khó kiểm soát.

Con gái cần được đối xử công bằng như con trai

Theo báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng cuc Dân số (Bộ Y tế), tỷ số giới tính khi sinh của toàn quốc thời điểm hiện tại là 110,1 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Dự kiến cả năm 2019, con số này là 114,1 bé trai/100 bé gái, không đạt kế hoạch đề ra. Trước đó, năm 2018 được nhận định là năm có tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh và ở mức cao nhất từ trước tới nay, sau nhiều năm giảm liên tục. Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh năm 2018 là 115,1 bé trai/100 bé gái, tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2017, không đạt kế hoạch.

Theo các nhà nhân khẩu học, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tiếp tục gia tăng, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng từ 2,3-4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Điều này để lại hệ lụy rất lớn trong tương lai khi thừa nam thiếu nữ, nhất là thiếu ở độ tuổi kết hôn, nam giới sẽ khó lấy vợ, hoặc không kết hôn. Từ đó dẫn tới thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình, tỉ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ tăng cao, kéo theo hệ lụy về an ninh trật tự khi làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tăng bạo hành gia đình, tăng bất bình đẳng giới…

Nhận định về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay, các chuyên gia đều cho rằng, chính tư tưởng "trọng nam khinh nữ", tâm lý yêu thích con trai hơn con gái là gốc rễ vấn đề và là thách thức lớn đối với việc đẩy lùi tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Bởi lẽ, đây là vấn đề thuộc tư tưởng, tâm lý nên rất khó để thay đổi. Hoặc nếu có thay đổi được thì phải mất rất nhiều thời gian và công sức của toàn thể cộng đồng, xã hội.

Từng trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, hiện nay một bộ phận người dân vẫn đang bị vướng trong nhận thức khi luôn nghĩ: "Chỉ có con trai mới là người được thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường"; "phải có con trai mới là người thành đạt"; "con gái là con người ta". Chính những quan niệm như vậy đã thôi thúc nhiều gia đình phải cố đẻ con trai cho bằng được.

Tuy nhiên, theo TS Khuất Thu Hồng, chúng ta cần thay đổi nhận thức rằng, con gái cũng có thể thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường và phụng dưỡng cha mẹ; con gái có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, nắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp nếu được tạo điều kiện nuôi dạy tốt. Do đó, việc đẻ con gái cũng vẻ vang, tuyệt vời như đẻ con trai, thậm chí còn hơn đẻ con trai.

Vì vậy, con gái cần được đối xử công bằng như con trai; xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, định kiến, giúp họ nâng cao trình độ văn hóa chuyên môn, cân đối giữa con người xã hội và con người gia đình; phê phán ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử với nữ giới. Mặt khác, đối với nam giới cũng cần học tập, nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới, thay đổi quan niệm định kiến, dần dần xóa bỏ tư tưởng "trọng nam khinh nữ", tiến tới xã hội bình đẳng và giúp giải quyết tận gốc vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. 

Nghị quyết số 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới đã nêu quan điểm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, phấn đấu đến năm 2030, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 109 bé trai/100 bé gái, nhất là đối với những vùng có tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức cao.

Theo GiaDinh