Vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô: Tòa được trả hồ sơ mấy lần?

TAND quận 4 đã trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án. Vậy Tòa có quyền ra quyết định trả hồ sơ điều tra mấy lần?

Sáng 25/6, TAND quận 4 đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng) về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1 (Điều 146, BLHS 2015). Phiên tòa được xử kín theo đề nghị của gia đình bị hại. Gia đình bé gái bị xâm phạm cũng không yêu cầu luật sư, xin vắng mặt.

vu-nguyen-huu-linh-dam-o-toa-duoc-tra-ho-so-may-lan

Bị cáo Nguyễn Hữu Linh đến tòa sáng 25/6 (ảnh TT)

Theo thông tin trên PLO, sau khoảng hai tiếng làm việc, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKS, đề nghị điều tra bổ sung một số tình tiết vụ án. 

Theo HĐXX, trong toàn bộ lời khai, Nguyễn Hữu Linh thừa nhận hành vi ôm, hôn bé gái ở thang máy chung cư Galaxy 9 ngày 1/4 tổng cộng ba lần. Bị cáo Linh thừa nhận hành vi trên là sai nhưng không nhận tội vì Linh cho rằng chưa đủ yếu tố cấu thành tội dâm ô theo luật định. Tuy nhiên, phần kết luận cáo trạng của VKS không mô tả hành vi khách quan của tội phạm mà bị can Linh đã thực hiện là thiếu sót.

Nếu dựa vào phần nội dung, tại trang 3 cáo trạng là theo kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM và công văn giải thích giám định thì cần làm rõ kết luận lúc 21 giờ 10 phút 11 giây, thì không rõ bàn tay trái của đối tượng 2 (ông Linh) có chạm vào cơ thể phía trước thân người của đối tượng 1 (bé gái) hay không.

Theo công văn giải thích giám định thì rất có thể tay trái của đối tượng 2 (ông Linh) đã chạm vào phần cơ thể phía trước thân người của đối tượng 1 (bé gái) là chủ quan và chưa rõ ràng.

Giải thích về quyết định của tòa, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, việc HĐXX trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại Điều 280 (Bộ luật Tố tụng hình sự 2015). 

Theo đó, thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp: “Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được; Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà viện kiểm sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm;

Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can; Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải ghi rõ những vấn đề cần điều tra bổ sung và gửi cho viện kiểm sát kèm theo hồ sơ vụ án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định. Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án thì viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho tòa án biết trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định. 

Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới phải thay đổi quyết định truy tố thì viện kiểm sát ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng trước đó. Trường hợp viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án”.

vu-nguyen-huu-linh-dam-o-toa-duoc-tra-ho-so-may-lan

Hình ảnh Nguyễn Hữu Linh có hành vi được cho là dâm ô cháu bé trong thang máy (ảnh cắt từ clip)

Luật sư Anh phân tích thêm, sau khi viện kiểm sát nhận quyết định và hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của tòa án, nếu quyết định yêu cầu điều tra bổ sung có căn cứ thì viện kiểm sát sẽ xem xét, giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của tòa án theo hai trường hợp thuộc khoản 1 Điều 246 BLTTHS. 

Một là, không cần phải trả hồ sơ cho cơ quan điều tra thì viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ; Hai là, viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

Về thời hạn điều tra bổ sung, luật sư Anh cho rằng, căn cứ khoản 2 (Điều 174, BLTTHS 2015) quy định: “Trường hợp vụ án do viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. 

Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung”.

Theo GiaDinh