Vụ con gái bạo hành, đổ chất bẩn lên người mẹ già: "Chữ hiếu" thời nay khó vậy sao?

Nhìn hình ảnh mẹ già ngồi bất động trên giường bị con gái ruột tát liên tiếp vào mặt, đổ chất bẩn lên đầu khiến nhiều người xót xa. “Chín tháng mang nặng, đẻ đau”, nuôi con khôn lớn, trưởng thành, người mẹ ấy chẳng thể ngờ rằng, khi về già lại phải chịu "trái đắng" từ chính đứa con mà mình nhất mực thương yêu…

"Nén bạc đâm tọac" tình nghĩa

Cơ quan CSĐT Công an huyện Cần Đước (Long An) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Hoa (SN 1964, trú tại xã Long Hòa, huyện Cần Đước, Long An) về hành vi "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình".

Trước đó, trên mạng xã lan truyền đoạn clip có độ dài khoảng 7 phút ghi lại cảnh bà Hoa có những hành vi độc ác, tàn nhẫn với cụ Nguyễn Thị Đường (SN 1941, mẹ đẻ bà Hoa).

Hình ảnh trong clip cho thấy, Hoa liên tục quát mắng, dùng từ ngữ dung tục đối với cụ Đường. Không những vậy, Hoa còn dùng chổi đánh liên tiếp vào cụ Đường. Đỉnh điểm là Hoa đã hót phân từ dưới nền nhà đổ lên đầu mẹ đẻ.

Tại cơ quan công an, Hoa thừa nhận hành vi bạo hành mẹ ruột như trong clip ghi lại. Hoa khai rằng, do bản thân bực tức việc mẹ không để lại tài sản gì nhưng khi già chỉ một mình bà lo nuôi dưỡng. Do đó đã có hành vi đánh, mắng chửi, ngược đãi mẹ như clip đăng tải trên mạng xã hội.

Lý giải của Hoa càng khiến dư luận bức xúc, bởi người mẹ già đã cả đời tần tảo chăm sóc, nuôi nấng ả thành người. Lẽ ra khi mẹ già yếu, Hoa phải tận tâm chăm sóc để báo hiếu, giữ đạo làm con. Tuy nhiên, Hoa đã đền đáp lại ơn nghĩa sinh thành bằng những hành động bất hiếu như chửi mắng, đánh đập, đổ phân lên người mẹ già.

Nhìn hình ảnh Hoa đối xử bất hiếu với mẹ khiến nhiều người phẫn nộ, xót xa. "Chín tháng mang nặng, đẻ đau", nuôi con khôn lớn, trưởng thành, cụ Đường chẳng thể ngờ rằng, khi về già lại phải chịu "trái đắng" từ chính đứa con mà mình nhất mực thương yêu…

Có một thực tế là cha, mẹ luôn dành tình thương yêu con cái vô bờ bến, sẵn sàng hy sinh vì con, mong con khôn lớn nên người. Để rồi khi trưởng thành, có những người con lại quay sang đối xử tệ bạc đối với cha mẹ của mình.

vu-con-gai-bao-hanh-do-chat-ban-len-nguoi-me-gia-chu-hieu-thoi-nay-kho-vay-sao

Hình ảnh bà Hoa đang dùng tay đánh mẹ già (ảnh cắt từ clip)

Đâu rồi câu nói "Trẻ cậy cha, già cậy con"

Luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái thật lớn lao. Bổn phận làm con là phải lo phụng dưỡng cha mẹ, chăm lo đầy đủ các điều kiện vật chất và tinh thần cho cha mẹ. Đó là đạo lý, là lẽ sống ở đời.

Chữ hiếu là thứ để đánh giá phẩm chất đạo đức, ghi nhận sự tử tế của một con người. Khi đối xử không tốt, không tử tế đối với cha mẹ của mình thì chắc chắn rằng họ sẽ không tử tế đối với bất kỳ ai, đó là những con người nghịch tử, bất nhân, không đáng tôn trọng và khiến những người xung quanh luôn phải đề phòng...

Truyền thống đạo đức, văn hóa của người Việt Nam thì "trẻ cậy cha, già cậy con". Khi con còn nhỏ thì cha mẹ chăm lo, yêu thương, sẵn sàng hy sinh, dành mọi thứ tốt nhất cho con. Để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục một đứa trẻ trưởng thành thì đó là cả một sự kỳ công, một sự hy sinh, gian khổ của các bậc cha mẹ.

Ai cũng mong con cái khôn lớn, trưởng thành, đóng góp công sức cho xã hội và yêu thương quý trọng ông bà, cha mẹ. Bố mẹ nào cũng mong con cái hiếu thuận, biết yêu thương quý trọng lẫn nhau và biết báo hiếu với cha mẹ khi về già.

Hiện nay bạo lực gia đình là một vấn đề nóng và nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Vấn đề con cái bạo lực đối với bố mẹ, ông bà là vi phạm cả về pháp luật lẫn đạo đức truyền thống của dân tộc. Các hành vi bạo lực gia đình cần phải được xử lý nghiêm minh.

Điều 2 (Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình), các hành vi bạo lực gia đình gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình…

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, con cái với cha mẹ, ông bà là mối quan hệ gia đình, phải biết yêu thương, chăm sóc, quý trọng lẫn nhau.

Khi con cái còn nhỏ, chưa thành niên thì cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái. Khi bố mẹ về già thì con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. "Nghĩa vụ của con cái trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đặc biệt là cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật... không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà đây còn là trách nhiệm pháp lý.

Việc cơ quan CSĐT Công an huyện Cần Đước khởi tố Hoa về tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" theo Điều 185 (BLHS 2015) là hoàn toàn chính xác", luật sư Anh chia sẻ.

Với hành vi đã gây ra, bà Hoa sẽ phải đối mặt với bản án nghiêm khắc của pháp luật. Bên cạnh đó là bản án lương tâm sẽ theo bà Hoa suốt quãng đời còn lại.

Bởi bà Hoa không còn cơ hội chuộc lỗi với người mẹ già khi cụ Đường đã đi xa. Đó cũng là bài học đau xót cho nhiều người khác về đạo hiếu ở đời.

"Đối với người làm cha mẹ, tài sản trên đời không có gì quý giá bằng con cái, ngược lại với con cái, không tài sản nào có thể so được bố mẹ mình. Do đó, chúng ta càng phải nhận thức sâu sắc sự phụng dưỡng cha mẹ không chỉ là trách nhiệm và bổn phận, mà đó là một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả", luật sư Anh nhấn mạnh.

Theo GiaDinh