Vụ Con Cưng bị tố cắt nhãn cũ, thay tem "made in Thailand": Người tố cáo dọa kiện ra tòa



Khi vụ việc khách hàng “tố” Công ty CP Con Cưng bán hàng mập mờ nguồn gốc xuất xứ chưa được giải quyết ổn thỏa, phía Công ty này lại tuyên bố thưởng 1 tỷ đồng cho người đầu tiên phát hiện được Công ty nhập hàng không chính hãng. Có ý kiến cho rằng, Con Cưng đang thách thức các cơ quan chức năng chứng minh việc đơn vị mình có sai phạm(?). Còn người tố cáo thì cân nhắc kiện doanh nghiệp này ra tòa.

Vụ Con Cưng bị tố cắt nhãn cũ, thay tem

Cơ quan chức năng kiểm tra nhiều hệ thống cửa hàng Con Cưng. Ảnh: TL

Người tiêu dùng mất niềm tin

Thành lập năm 2011, với chuỗi 350 hệ thống cửa hàng trên toàn quốc, Công ty CP Con Cưng (gọi tắt là Con Cưng-PV) đang dần chiếm lĩnh thị trường hàng tiêu dùng dành cho mẹ và bé. Thế nhưng, trước sự việc khách hàng tố Con Cưng bán hàng thay đổi nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã làm doanh số của Con Cưng bị sụt giảm nghiêm trọng trong nhiều ngày qua.

Nhiều khách hàng là fan trung thành của Con Cưng cũng tỏ vẻ hoài nghi về xuất xứ của các mặt hàng hóa công ty này bày bán trong siêu thị. Chị Nguyễn Thị Duyên (ở quận Ba Đình, Hà Nội - một trong những khách hàng trung thành của Con Cưng) không khỏi thất vọng khi thấy thương hiệu mà bao năm mình tin dùng nay bị tố thay đổi nhãn mác. Chị cho hay vụ lùm xùm nhãn mác xảy ra khiến không ít khách hàng “ruột” của Con Cưng cảm thấy mất niềm tin.

Chị Nguyễn Thị Thu (ở Cầu Giấy, Hà Nội) người thường xuyên mua sắm đồ các đồ bỉm sữa cho trẻ ở cửa hàng của Con Cưng, cho biết: “Tôi thường xuyên lựa chọn những đồ như sữa tắm, túi trữ sữa… cho con gái tại Con Cưng ở đường La Thành, Hà Nội. Tôi cứ nghĩ hàng nhập ngoại là tốt, nhưng vừa rồi nghe tin Con Cưng bị cơ quan chức năng tạm giữ nhiều hàng hóa do Công ty này chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, tôi cảm thấy mất niềm tin vào Con Cưng…”.

Đa phần các khách hàng trung thành của Con Cưng có chung cảm giác hụt hẫng khi nghe tin đơn vị này bị tố bán hàng mập mờ nhãn mác. Kết luận cuối cùng về vụ việc chưa có, nhưng nhiều khách hàng đã khẳng định sẽ không mua bất kỳ sản phẩm nào từ Con Cưng.

Theo ghi nhận của PV, nhiều ngày nay, một số cửa hàng Con Cưng cũng thưa thớt khách ra vào. PV cũng ghi nhận một số sản phẩm mỹ phẩm (phấn, sữa tắm, nước hoa, sữa dưỡng da, sữa tắm gội…) hiệu Johnson’s và Johnson’s baby… vi phạm về nhãn hàng hóa khi không thể hiện rõ số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định, bị cơ quan chức năng tạm giữ ở TPHCM vẫn được bày bán tại một số cửa hàng của Con Cưng ở Hà Nội.

Tại cửa hàng Con Cưng (933 La Thành, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội), sản phẩm sữa tắm Johnson’s baby có xuất xứ từ Malaysia được bày bán khá đa dạng, với nhiều kích cỡ. Sản phẩm được ghi bằng tiếng nước ngoài. Tại phần nhãn phụ bằng tiếng Việt của sản phẩm, các thông tin về năm sản xuất, thành phần cấu tạo lên sản phẩm, hay như thông tin công ty sản xuất cũng không được thể hiện…

Tương tự là mặt hàng túi trữ sữa Gluck baby đang được nhiều bà mẹ “bỉm sữa” tin dùng. Sản phẩm này được sản xuất ở nước ngoài, tuy nhiên thông tin công ty sản xuất, nước sản xuất ở nhãn phụ bằng tiếng Việt cũng bị bỏ ngỏ…

Tại quầy tính tiền ở trung tâm cửa hàng, một màn hình liên tục chiếu các chương trình quảng cáo, kèm theo đó là bức thư ngỏ của Ban lãnh đạo Công ty Con Cưng với nội dung khẳng định tính pháp lý, chất lượng hàng hóa và lời xin lỗi khách hàng.

Tại một cửa hàng Con Cưng khác ở dốc 6 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các sản phẩm Johnson’s baby cũng được bày bán tương tự như ở cửa hàng 933 La Thành. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn qua xem gian hàng phụ kiện, bất chợt nhân viên vội vã thu dọn một số mặt hàng như nơ, băng đô...

Chưa có kết luận

Vụ Con Cưng bị tố cắt nhãn cũ, thay tem

Tem sản phẩm Con Cưng Fashion đính trên bộ quần áo mà ông Vĩnh tố Công ty Con Cưng thay đổi nhãn mác.

Là người “tố” cửa hàng Con Cưng bán hàng mập mờ nhãn mác, nguồn gốc hàng hóa, ông Trương Đình Công Vĩnh (ở phường 14, quận Tân Bình, TPHCM) không khỏi bức xúc. Bởi, từ khi xảy ra sự việc đến nay phía Con Cưng chưa lần nào mời ông đến đối thoại trực tiếp mà chỉ gửi mail xin lỗi khách hàng và làm việc với ông qua những lần ông chủ động liên hệ.

Những khiếu nại của ông Vĩnh đề nghị phía Con Cưng cung cấp các tài liệu, chứng từ hợp pháp thể hiện xuất xứ và chất lượng sản phẩm mà ông mua cũng chưa được phía Con Cưng cung cấp. Theo ông Vĩnh sản phẩm có mã vạch số 0012190040278 mà ông mua, theo ghi chú của Con Cưng là sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, nhưng khi kiểm tra thì phát hiện sản phẩm thể hiện của nước Mỹ.

Trước mâu thuẫn trên, ông Vĩnh được phía Con Cưng giải thích rằng vấn đề thay đổi tên nhãn là sai sót bên Thái Lan. Tuy nhiên theo ông Vĩnh, Con Cưng phải làm rõ trách nhiệm của mình trong việc nhập lô hàng trên ở đâu? Ông Vĩnh cho biết sẽ đưa vụ việc ra tòa án để giải quyết.

Ông Vĩnh nói: “Cách đây 2 tháng, tôi yêu cầu phía Con Cưng chứng minh hóa đơn chứng từ hàng hóa nhưng đến nay tôi chưa thấy gì hết. Quản lý thị trường phát hiện đến đâu thì Con Cưng giải thích đến đấy… Ai cũng có sai sót cả, nhưng đã sai thì phải nhìn nhận, đừng coi thường khách hàng. Giờ đổ thừa trách nhiệm ở bên Thái Lan thì trách nhiệm của Con Cưng ở đâu? Dự kiến Bộ Công thương kết thúc quá trình kiểm tra thì tôi sẽ kiện ra tòa. Đấy là để bảo vệ người tiêu dùng khác, chứ tôi không hi vọng Con Cưng sẽ bồi thường”.

Nói về chứng cứ kiện Con Cưng ra tòa, ông Vĩnh cho biết, ông đã có đầy đủ chứng cứ chứng minh Con Cưng bán hàng giả. Cụ thể, thứ nhất vấn đề tem nhãn của sản phẩm bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái có mã sản phẩm CF G127011 không thể hiện được xuất xứ nhà sản xuất của Thái Lan, mà chỉ ghi là Con Cưng và Made in Thái Lan; sản phẩm không có nhãn phụ, cũng không có nhãn chính.

Thứ hai là mã vạch, theo ông Vĩnh, việc ông Nguyễn Quốc Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Con Cưng giải thích rằng mã vạch 0012190040278 in trên sản phẩm mà ông phản ánh là mã vạch quản lý nội bộ là không hợp lý. Bởi, mã vạch nội bộ thì chỉ được dùng 9 số và không doanh nghiệp nào lại lấy 13 số theo thông lệ quốc tế ra làm quản lý nội bộ của mình. Cụ thể, chiếc áo màu hồng ông Vĩnh mua có mã vạch là 0012190040278. Theo ông Vĩnh, mã số này đã được nước Mỹ (từ 000 - 009) đăng ký nên việc sử dụng mã vạch của nước khác để làm mã vạch nội bộ của mình là không hợp lệ.

Thứ ba là vấn đề xuất hóa đơn GTGT. Bản thân ông Vĩnh khi mua đơn hàng trị giá 1.445.000 đồng lại không được phía cửa hàng xuất hóa đơn GTGT. Ông Vĩnh cho biết, theo luật, khi khách hàng mua hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên là doanh nghiệp phải xuất hóa đơn GTGT. Việc xuất hóa đơn để chứng tỏ hàng hóa có chứng từ và tránh trường hợp trốn thuế. Trước thông tin Con Cưng treo giải thưởng 1 tỷ đồng cho ai tìm ra hàng không chính hãng, theo ông Vĩnh, đây là cách PR của doanh nghiệp.

Nói về việc hàng hóa thiếu chứng từ hóa đơn khi đoàn công tác của Bộ Công thương đến kiểm tra, ông Nguyễn Quốc Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Con Cưng cho biết, trong một đơn hàng Công ty chỉ có một bộ hồ sơ. Công ty có 350 cửa hàng trên toàn quốc nên không thể trưng bày tất cả hồ sơ trong cùng một thời điểm cho các cơ quan chức năng.

Do đó, Con Cưng sẽ cung cấp toàn bộ chứng từ gốc, hồ sơ cho đoàn kiểm tra Bộ Công thương trong quá trình làm việc. Người đứng đầu doanh nghiệp Con Cưng cũng cho biết, sự cố nói trên gây ảnh hưởng đến uy tín của Con Cưng. Hơn 10 ngày qua, doanh số kinh doanh của Con Cưng bị sụt giảm hàng chục tỉ đồng.

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, cơ quan quản lý thị trường chưa hề có kết luận về bất cứ hành vi nào của Công ty Con Cưng. Trong biên bản quản lý thị trường TPHCM lập có nói rõ, tạm thời thu giữ một số hàng hóa, nhưng nhiều người lại nói là “tịch thu”. Việc này gây ảnh hưởng đến uy tín của Công ty bởi người ta sẽ nghĩ rằng Công ty vi phạm pháp luật.

Theo ông Trương Đình Công Vĩnh, giấy chứng nhận nguyên liệu sản phẩm và giấy chứng nhận chất lượng nguyên liệu hàng hóa CF G127011 của Thái Lan mà phía Con Cưng cung cấp cho báo chí chưa hợp lệ. Vì theo nguyên tắc, phải dịch từ tiếng Thái ra tiếng Việt và phải có chứng nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan xem giấy chứng nhận đó có đúng hay không, con dấu đó có hợp lệ hay không.

Theo GiaDinh