Vụ chiếc cà vạt của trường Vstar: Bài học từ một cách hành xử phi giáo dục

Vụ việc một học sinh lớp 2 bị cho là trường Vstar từ chối nhận do mẹ em lên Facebook chê cà vạt đồng phục của trường khiến dư luận quan tâm.

Hơn hết, câu chuyện đang dần trở thành trò cười vì cách hành xử phi giáo dục của người lớn khiến con trẻ lao đao.

Đuổi học chỉ vì một câu trạng thái trên Facebook

Sự việc bắt đầu vào ngày 20/5, khi chị Nguyễn Thanh Hiếu (SN 1980, ngụ Q.2, TP. HCM) đăng một chia sẻ trên trang mạng xã hội về việc bất tiện của chiếc cà vạt trong bộ đồng phục học sinh của trường Vstar.

Trong bài viết, chị có đề cập đến việc trường Vstar nên học tập các trường tiểu học Hàn Quốc để cải tiến mẫu cà vạt hiện tại, mà theo chị là không khác gì “miếng giẻ rách”.

Ngay sau đó, Phó hiệu trưởng của nhà trường là ông Huỳnh Châu Lộc đã liên lạc với chị Hiếu và ra quyết định cho thôi học với con trai của chị là cháu Lê Quang Minh Hải, hiện đang học lớp 2 tại Vstar. 


Đoạn chia sẻ đầy bức xúc của chị Hiếu trên Facbook cá nhân.

Theo băng ghi âm mà chị Hiếu cung cấp cho báo chí, thì trong cuộc trao đổi vào ngày 3/8, ông Lộc đã nói thẳng những lời đánh giá của chị về chiếc cà vạt đồng phục trên Facebook đã làm “ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín” của trường.

“Chúng tôi thấy chiếc cà vạt trường rất đẹp, tại sao chị lại lên mạng xã hội đem so sánh với cà vạt của trường Hàn Quốc nào đó? Tại sao chị không xóa lời chia sẻ đó dù chúng tôi đã yêu cầu? Chúng tôi đã quyết định không nhận con chị vào học nữa".

Khi chị Hiếu yêu cầu được xem biên bản họp của hội đồng về việc cho cháu Hải nghỉ học, ông Lộc lại bảo “không lập hội đồng tổ chức họp mà chỉ trao đổi với nhau”. 

Lý lẽ của người trong cuộc

Cho học sinh thôi học là một quyết định rất nghiêm trọng nhưng theo chị Hiếu thì trường Vstar chỉ vịn vào lý do liên lạc với chị nhiều lần không được mà đơn phương quyết định đuổi cháu Hải.

“Tôi thừa nhận nhà trường từng mời tôi gặp mặt hôm 15/6 nhưng do bận công tác ở Hà Nội nên tôi trả lời nếu có chuyện gấp thì xin trường gửi nội dung qua email giúp tôi, nhưng lúc đó phía bên trường lại bảo là chờ tôi về rồi giải quyết cũng được. 


Học sinh trường Vstar.

Nhưng qua tháng 7 gia đình tôi lại có việc phải đi qua Singapore nên phải tiếp tục khất hẹn. Tôi còn gọi về cho cô chủ nhiệm của con thông báo là cháu Hải không thể dự thi xếp lớp tiếng Anh thì cô vẫn thông báo là “không thi thì không được vào lớp giỏi thôi chứ cũng không ảnh hưởng gì nhiều”.

Trong toàn bộ quá trình phía nhà trường không hề đề cập gì đến việc muốn cho con tôi ngưng học, mà đợi đến ngày 3/8 đột ngột mời tôi lên rút hồ sơ.

Cho dù lỗi của tôi là không lên gặp nhà trường thì phía ban giám hiệu có muốn đuổi con tôi cũng phải làm theo đúng quy trình là báo trước bằng văn bản đàng hoàng để tôi có thời gian tìm trường mới cho cháu. Việc làm của nhà trường là rất bất công và vô tâm với cháu”, chị Hiếu bức xúc chia sẻ. 

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Vstar bà Chu Thị Ngọc Thịnh lại cho biết theo tường trình của thầy hiệu phó thì vào ngày 3/8 chính chị Hiếu đã xin được rút học bạ cho con không tìm được sự đồng thuận với nhà trường. Còn đoạn băng ghi âm mà phụ huynh cung cấp cho báo chí là cuộc trao đổi vào ngày 11/8 khi phụ huynh quay lại để làm giấy chuyển trường. Bà cũng khẳng định Vstar “trân trọng” những chia sẻ của chị Hiếu trên Facebook như lời góp ý cho nhà trường và “tuyệt đối không đuổi học sinh vì lý do cỏn con như thế”. 

Nếu xét cho cùng, cách giải thích này của bà Thịnh vẫn còn nhiều điểm chưa thỏa đáng. Thứ nhất, theo đoạn ghi âm, chính thầy Lộc hiệu phó đã khẳng định nhà trường đã “thống nhất không nhận cháu Hải nữa”. Có nghĩa là trong việc ngưng học của cháu có sự chủ động của nhà trường chứ không phải chị Hiếu đơn phương rút học bạ như bà Thịnh nói.

Ngoài ra, khi chị Hiếu thắc mắc tại sao trường “lấy chuyện cá nhân trên Facebook” để đuổi học cháu Hải thì ông Lộc đã thẳng thắn trả lời: “vì tụi tui không chịu được với những lời lẽ ảnh hưởng đến nhà trường... Nếu thông tin này còn nhiều hơn nữa thì sẽ thế nào?”.

Điều này chứng tỏ ban lãnh đạo của Vstar rất không hài lòng với lời nhận xét của chị Hiếu và cũng lo sợ suy giảm uy tín trường mình, chứ không phải “trân trọng” hay xem như “việc cỏn con” như lời bà Thịnh. Phải chăng chuyện “ông nói một đàng bà nói nói một nẻo” cho thấy sự thiếu trung thực của người làm công tác “trăm năm trồng người” ở đây. 

Nhà trường hành xử phi giáo dục

Dù là ai có lỗi trong sự việc lần này thì việc trường Vstar chỉ vì những lời phê bình của phụ huynh mà đuổi học một cháu bé là sai cả về lý và tình.

Về lý, trong quy định của Bộ Giáo dục và của mỗi trường đều có ghi rõ chỉ khi nào học sinh có sự vi phạm nghiêm trọng về nội quy, điều lệ nhà trường hay vi phạm pháp luật thì mới có nguy cơ bị buộc thôi học

Không thể có chuyện phụ huynh nói xấu nhà trường mà học sinh bị cho nghỉ học, trong khi học sinh hoàn toàn vô tội. 


Hiệu trưởng Vstar cho biết nhà trường không đuổi học sinh vì “những việc cỏn con”.

Đặc biệt, trong trường hợp này Vstar đuổi cháu Hiếu mà lại không hề thông qua hội đồng kỉ luật.

Về tình, chuyện có thích đồng phục hay không, đó là quan điểm và cách nhìn nhận của chị Hiếu, không liên quan đến cháu Hải. Vậy mà chỉ vì người lớn chưa hiểu nhau, khiến bao lỗi lầm lại đổ lên đầu đứa bé.

Đáng lẽ giờ này cháu phải được vui vẻ gặp bạn bè cũ, thì lại phải chật vật theo mẹ đi tìm trường mới. Điều này không khỏi để lại những ám ảnh tâm lý cho cháu về sau, khi mới tí tuổi đầu đã phải mang danh “bị đuổi học”.

Giận mẹ mà lại trút giận lên đầu con, đây rõ ràng là một cách hành xử phản giáo dục, sai luật lệ và thiếu tình người từ ngôi trường vốn tự hào là đào tạo kiểu quốc tế mà lại hành xử không thua “luật rừng”.

Phụ huynh búc xúc

Trong sự việc “chuyện bé xé ra to” này, tuy phần lớn lỗi là từ phía nhà trường, nhưng chị Hiếu trên cương vị là một người mẹ cũng có một phần trách nhiệm khi đã thiếu kiềm chế cơn giận của mình mà để sự việc đi quá xa.

Vẫn biết chuyện chị chia sẻ bức xúc trên Facebook về lý về tình đều không sai, nhưng có lẽ chị cũng nên hiểu với sức lan tỏa của mạng xã hội và thói a dua ném đá của cộng đồng mạng thì một lời phê bình của chị có thể là một nhát dao đối với những người gây dựng ngôi trường, trong khi đây lại là ngôi trường mà chị đã chọn cho con mình.

Chị Hiếu cho rằng thiết kế của cà vạt trường Vstar (màu xanh kẻ sọc) gây rất nhiều khó khăn cho phụ huynh và học sinh khi mang lên người, không tiện lợi như mẫu cà vạt của học sinh tiểu học Hàn Quốc (màu đen).

Lẽ thường trong xã hội khi chúng ta đi học, đi làm, khi mua bán hay sử dụng dịch vụ có thể sẽ xảy ra những mâu thuẫn, hiểu lầm. Nhưng việc đầu tiên người ta thường làm là chia sẻ những bức xúc của mình đến ban giám hiệu, đến cấp trên, đến nơi cung cấp dịch vụ để có một sự dàn xếp thỏa đáng, không gây ồn ào.

Việc tung hê mọi thứ với dư luận hoàn toàn không phải là một cách hành xử khôn ngoan, vì vô tình nó khiến mâu thuẫn trở thành chuyện “một mất một còn”.

Đặc biệt, trong độ tuổi tiểu học khi tâm hồn con trẻ còn rất mong manh thì sự uyển chuyển trong cách giải quyết vấn đề giữa phụ huynh với nhà trường càng cần thiết hơn.

Lẽ ra chỉ một cuộc điện thoại, một email hay một cuộc gặp riêng tư với Ban Giám hiệu, những bức xúc của chị Hiếu có thể đã được giải quyết nhanh gọn. Nên chăng, các bậc phụ huynh nói riêng và công chúng nói chung nên thận trọng hơn với cách mà mình chia sẻ thông tin trên mạng xã hội? 

Theo Vương Giang (NTD)