Việt Nam tự tin đủ năng lực, kinh nghiệm chữa khỏi COVID-19

Các chuyên gia y tế khẳng định, đối với việc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona COVID-19 (nCoV) gây ra, Việt Nam có đủ năng lực, kinh nghiệm, tự tin chữa khỏi bệnh. Nếu có ca nhiễm mới thì chúng ta đủ năng lực khoanh vùng, chữa khỏi bệnh.

viet-nam-tu-tin-du-nang-luc-kinh-nghiem-chua-khoi-covid-19

Cán bộ y tế chăm sóc một bệnh nhân dương tính COVID-19 (nCoV) điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Lê Hảo

4 ca điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên âm tính với COVID-19

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) ngày 17/2, Bộ Y tế cho biết, trong số 16 ca dương tính với COVID-19 (nCoV) tại Việt Nam đã có 7 ca chính thức ra viện. Kể từ ngày 13/2 đến nay, Việt Nam chưa phát hiện thêm ca mắc mới.

Trong số 9 ca còn lại (8 ca người Vĩnh Phúc, 1 ca là Việt kiều Mỹ), có 1 ca điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương; 1 ca điều trị ở Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM; 2 ca điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; 5 ca điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (thuộc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

Cuối giờ chiều 17/2, Bộ Y tế cho biết, tính đến 17h ngày 17/2, trong 9 ca điều trị tại các cơ sở y tế này, có 6 bệnh nhân đã khỏi bệnh (kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên đều âm tính). Đó là 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2 Kim Chung, Đông Anh) và 4 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Với kết quả 4 bệnh nhân này khỏi bệnh, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên sẽ là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong cả nước khẳng định việc y tế tuyến huyện cũng đảm đương tốt việc theo dõi, cách ly, điều trị thành công ca bệnh COVID-19 (nCoV), đúng phương châm "4 tại chỗ" của Bộ Y tế.

"Dự kiến hôm nay (18/2) cả 6 bệnh nhân này ra viện, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 13/16 bệnh nhân", Bộ Y tế thông tin.

Trong số 3 bệnh nhân đang điều trị, có em bé 3 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân 73 tuổi là Việt kiều Mỹ đang điều trị ở Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM và 1 bệnh nhân điều trị ở Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Các bệnh nhân này sức khoẻ ổn định, tiếp tục theo dõi, điều trị và sẽ ra viện khi xét nghiệm cho kết quả âm tính ít nhất hai lần. 

Riêng bệnh nhân Việt kiều Mỹ, qua điều trị, xét nghiệm đã trên 2 lần âm tính, song vì bệnh nhân này còn mắc những bệnh nền khác nên đang được giữ lại để tiếp tục theo dõi và xét nghiệm thêm. Bệnh nhân điều trị ở Bình Xuyên (xác định dương tính hôm 13/2) đang chờ kết quả xét nghiệm.

Riêng với bệnh nhi 3 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm lần 1 cho kết quả âm tính vào ngày 14/2. Dự kiến hôm nay, 18/2, bé sẽ xét nghiệm lần 2. Em bé này lây bệnh từ bà ngoại – một người đã nhiễm bệnh từ nữ công nhân N.T.D (23 tuổi), được chuyển từ Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà về Bệnh viện Nhi Trung ương đêm 11/2.

Lý giải về việc chuyển bệnh nhân này, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, bệnh nhi ổn định sức khoẻ, chưa có diễn biến đặc biệt, được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị để đảm bảo phương tiện điều trị cao nhất, đề phòng những tình huống không tốt.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID- 19) cho biết, hiện sức khỏe cháu bé 3 tháng tuổi nhiễm COVID-19 (nCoV) tiến triển tốt. Trẻ tỉnh, không sốt, ho ít, không chảy mũi, không khó thở, bú tốt, đại tiểu tiện bình thường.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ khi bé được chuyển đến Trung tâm, nơi đây đã tích cực theo dõi, cách ly và chăm sóc bé và cách ly mẹ - người chăm sóc theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Riêng với trường hợp của mẹ em bé này, xét nghiệm 2 lần đều âm tính với COVID-19 (nCoV).

Do đây là trường hợp trẻ nhỏ đầu tiên mắc COVID-19 nên các cán bộ Trung tâm luôn xin ý kiến và báo cáo thường xuyên về tình hình trẻ về Tiểu ban Điều trị và Bộ Y tế. Với tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết và cho kết quả âm tính với COVID-19, dự kiến bé có thể sớm được ra viện.

Việt Nam tự tin đủ năng lực, kinh nghiệm chữa khỏi COVID-19

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, được sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra, Bộ Y tế ngay từ đầu đã phân tuyến điều trị ở các cấp, theo phương châm 4 tại chỗ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, 4 tại chỗ gồm: Phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi được tổ chức ở các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện là tuyến cơ sở đầu tiên, sau đó lên tuyến trên khi người bệnh có triệu chứng cần phải đáp ứng được nhu cầu điều trị.

"Bộ Y tế đề nghị người dân khi có biểu hiện, triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…) hãy đến các cơ sở y tế tuyến cơ sở để khám. Bộ Y tế có những đội phản ứng nhanh để hỗ trợ đơn vị địa phương khi họ có những khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh và chẩn đoán bệnh cho người dân", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay, toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam từ Trung ương về xã cùng vào cuộc để phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV). Theo đó, nhân viên của trạm y tế xã đảm đương việc phát hiện, giám sát, theo dõi các trường hợp được cách ly tại cộng đồng. 

Ca bệnh thông thường được giám sát cách ly, điều trị tại trung tâm y tế huyện, nếu nặng hơn mới lên tuyến tỉnh và tùy diễn biến nặng hơn mới chuyển lên tuyến Trung ương. Y tế tuyến xã, thôn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp chính quyền địa phương theo dõi, chăm sóc, động viên tinh thần bệnh nhân sau khi điều trị khỏi, trở về gia đình và cộng đồng.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hiện phân tuyến điều trị ở Việt Nam "hoàn toàn hợp lý", đúng với đặc tính của căn bệnh do chủng virus corona mới. Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm được thực hiện từ tuyến huyện, chỉ chuyển tuyến về các bệnh viện cao hơn (tỉnh, Trung ương) khi quá khả năng điều trị. Điều này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện (giữa người bệnh – người bệnh; giữa người bệnh – thầy thuốc; giữa người bệnh, thầy thuốc – cộng đồng).

"Người dân cần hết sức bình tĩnh cùng nhau phát hiện sớm ca bệnh, cách ly sớm, điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa tử vong", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Theo quy định của Bộ Y tế, người bệnh COVID-19 (nCoV) được xuất viện khi có đủ các tiêu chuẩn sau: Hết sốt ít nhất 3 ngày; các triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X- quang phổi cải thiện; hai mẫu bệnh phẩm (lấy cách nhau ít nhất 1 ngày) xét nghiệm âm tính với COVID-19 (nCoV).

WHO đánh giá Việt Nam đã xử lý dịch bệnh COVID-19 rất tốt

Trong cập nhật mới đây về "Dịch Covid-19: Những gì chúng ta đã biết đến nay", Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc xử lý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19). Theo WHO, năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể.

Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi, bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ... theo như yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) (2005). "Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Và năng lực này đã được thử thách, kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam và bây giờ là COVID-19", WHO nhấn mạnh.

WHO ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh này rất tốt: "Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch, tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành".

Để Việt Nam chuẩn bị tốt hơn nhằm đối phó với dịch bệnh này, WHO khuyến nghị: Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh. Cần phát hiện sớm, cách ly và xử trí các trường hợp mắc bệnh bằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp, tăng cường giám sát, chia sẻ thông tin minh bạch và kịp thời với WHO như yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (2005).

Hà Anh

Thu Nguyên

Theo GiaDinh