Việt Nam đứng thứ 95 trên 176 quốc gia tốt nhất dành cho trẻ em



Việt Nam đã tăng thêm một hạng trên Bảng xếp hạng trong năm 2019 so với năm 2018, xếp hạng 95 % trên 176 quốc gia tốt nhất thế giới dành cho trẻ em.

Con số trên được công bố tại buổi Báo cáo tuổi thơ toàn cầu 2019 do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the children) phối hợp với Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 30/7. Đây là năm thứ ba Tổ chức Cứu trợ Trẻ em công bố báo cáo nghiên cứu về tuổi thơ của trẻ em trên toàn thế giới.

viet-nam-dung-thu-95-tren-176-quoc-gia-tot-nhat-danh-cho-tre-em

Nhiều con số ấn tượng đã được đưa ra tại buổi họp Công bố Báo cáo tuổi thơ toàn cầu 2019. Ảnh Phương Thuận

Theo Báo cáo này, trẻ em Việt Nam hiện nay có tuổi thơ tốt đẹp hơn rất nhiều so với thế hệ trẻ em của 20 năm trước đây. Báo cáo tuổi thơ toàn cầu 2019 đánh giá các quốc gia theo thang điểm từ 1 đến 1.000 dựa trên các chỉ số "kết thúc tuổi thơ". Đó là các chỉ số như tảo hôn, có thai ở tuổi vị thành niên, không được đi học, ốm yếu, suy dinh dưỡng và tử vong.

So sánh Bảng xếp hạng của năm 2000 và 2019 đã cho thấy điểm số của Việt Nam đã tăng thêm 67 điểm, từ 764 vào năm 2000 lên 831 năm 2019. Đây là một thành tựu lớn và nhờ đó giúp Việt Nam tăng thêm một hạng trên Bảng xếp hạng trong năm 2019 so với 2018, xếp hạng 95 trên 176 quốc gia.

Bản báo cáo cũng cho biết có ít nhất 280 triệu trẻ em trên thế giới đã có cơ hội lớn lên khỏe mạnh, được đi học và được sống trong an toàn hơn trong 2 thập kỷ qua. Nếu so sánh với con số 970 triệu trẻ em bị mất tuổi thơ của năm 2000 thì hiện vẫn còn 690 triệu trẻ em chưa được hưởng trọn vẹn tuổi thơ của mình.

Hiện tại, Singapore là nước đứng đầu bảng xếp hạng, khẳng định vị thế là quốc gia hàng đầu thế giới trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Đứng ở các vị trí tiếp sau trong Top 10 là tám quốc gia Tây Âu và Hàn Quốc.

Phát biểu tại buổi công bố, bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em chúc mừng những tiến bộ mà Việt Nam đã được trong hai thập kỷ qua. Bà cho biết thêm, việc giảm tỷ lệ lao động trẻ em và suy dinh dưỡng thể thấp còi đã đóng góp rất lớn trong việc giúp cuộc sống của trẻ em Việt Nam ngày hôm nay. Tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam đã giảm ấn tượng với 67%. Nếu như năm 2000, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 14 tham gia lao động là 28%, hiện con số này là dưới 10%.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam cũng đã giảm xuống 23,8% so với mức 36,5% năm 2000. Và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đang tiếp tục phối hợp với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục giảm hơn nữa tỷ lệ này, đặc biệt ở đối tượng trẻ em dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa.

viet-nam-dung-thu-95-tren-176-quoc-gia-tot-nhat-danh-cho-tre-em

Bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phát biểu tại buổi công bố. Ảnh PT

Theo ông Hoàng Việt Dũng, điều phối viên truyền thông của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, nguyên nhân khiến trẻ sớm kết thúc tuổi thơ bao gồm trẻ em bị tử vong, suy dinh dưỡng tác động đến sự phát triển của trẻ, trẻ em bỏ hoặc không thể đến trường, trẻ em bắt đầu lao động, trẻ em kết hôn, trẻ em sinh con, và trẻ em là nạn nhân của bạo lực.

Điều đáng nói là ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới lại là những nước đạt được những thành tựu to lớn nhất cho trẻ em như Sierra Leone, Rwanda, Ethiopia và Niger. Thành công này cho thấy nghèo không phải là rào cản đối với tiến bộ và lựa chọn chính trị có ý nghĩa hơn sự thịnh vượng của quốc gia.

viet-nam-dung-thu-95-tren-176-quoc-gia-tot-nhat-danh-cho-tre-em

Việt Nam đứng thứ 95 trên 176 quốc gia tốt nhất dành cho trẻ em

Một trong những mối quan ngại chính được nêu bật lên trong bản báo cáo là tỷ lệ trẻ em phải sống ở các khu vực có xung đột bạo lực không đạt được tiến bộ nào mà ngược lại số lượng trẻ em sống ở vùng chiến sự hoặc bị buộc phải rời khỏi nhà hoặc nơi sinh sống của mình đã tăng rất nhanh nếu tính từ năm 2000. Và hiện nay, cứ trong 4 trẻ em vẫn còn một em bị mất tuổi thơ.

Để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị mất đi tuổi thơ cần phải có những nỗ lực toàn cầu. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em kêu gọi Chính phủ các nước đầu tư cho trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em được đối xử bình đẳng, bảo đảm bao phủ mọi trẻ em cho dù các em có là ai và đến từ đâu.

Theo GiaDinh