Vì sao xe khách trá hình vẫn còn "đất diễn"?

Nhiều doanh nghiệp bức xúc khi tình trạng “xe dù, bến cóc” đã diễn ra suốt 4 - 5 năm nay nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm. Doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định phải chịu sự quản lý rất chặt chẽ, nhưng loại hình xe trá hình thì lại lỏng lẻo, dẫn tới phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vận tải, gây mất trật tự an toàn giao thông...

vi-sao-xe-khach-tra-hinh-van-con-dat-dien

Xe “dù” hoạt động ngay dưới biển cấm (ảnh chụp ngày 26/6). Ảnh: PV

Xe hợp đồng gấp 10 lần xe tuyến cố định

Sở GTVT Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, vấn đề được đại diện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã kiến nghị là các cơ quan chức năng cần tập trung xử lý là tình trạng “xe dù, bến cóc” và tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe khách liên tỉnh tuyến cố định, gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Điều này đã dẫn tới hậu quả là nhiều doanh nghiệp vận tải phải bỏ bến ra ngoài hoạt động.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên cho biết, sau khi TP Hà Nội điều chuyển luồng tuyến vận tải, tình trạng bến cóc, xe dù lộng hành hơn trước. Đặc biệt, các khu vực xung quanh các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát mọc lên rất nhiều điểm đón trả khách sai quy định và ngang nhiên tồn tại nhiều năm nhưng chưa giải tỏa được. “Hai năm trở lại đây, bến xe dường như chỉ là điểm đỗ để làm thủ tục xuất bến. Trừ những dịp lễ, Tết, những ngày thường không có khách khiến doanh nghiệp chúng tôi đứng trước nguy cơ phải đóng tuyến lo phá sản”, ông Mạnh than.

Cùng cảnh ngộ, ông Đỗ Văn Vinh, Giám đốc Công ty Xe buýt Hà Nội cho biết, tình trạng xe dù, bến cóc, xe Limousine… không có dấu hiệu giảm, khiến hoạt động của xe khách tuyến cố định lao đao. Công ty muốn đổi mới phương tiện, nhưng do cơ chế, chính sách chưa rõ ràng nên chưa dám đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cuộc cạnh tranh giữa xe khách trá hình và xe khách tuyến cố định ngay từ đầu đã không lành mạnh, không cân sức. Trong khi xe khách tuyến cố định chịu quá nhiều ràng buộc về pháp lý, chi trả chi phí lớn hơn thì xe khách trá hình chỉ cần một chiếc phù hiệu hợp đồng là tha hồ vùng vẫy, đánh chiếm thị phần vận tải khách liên tỉnh.

Điều đáng nói là kẽ hỡ trong việc quản lý xe hợp đồng hoạt động như xe tuyến cố định đã được Hà Nội và nhiều địa phương khác báo cáo lên Bộ GTVT từ lâu. Nhưng tới nay, sau 9 lần trình dự thảo, Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ - CP vẫn chưa được thông qua, chưa có biện pháp nào quản lý được xe khách trá hình.

Phía Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đưa ra con số: 10 năm trước, lượng xe hợp đồng chỉ bằng 20% so với xe tuyến cố định. Nhưng đến nay lượng xe hợp đồng đã gấp 10 lần xe tuyến cố định, trong đó rất nhiều xe lách luật, trá hình, vận chuyển khách liên tỉnh như tuyến cố định.

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, nắm bắt được nhu cầu và tâm lý đi lại của người dân, nhiều đơn vị vận tải đầu tư phương tiện chất lượng cao “lách luật” hoạt động theo hình thức xe hợp đồng, du lịch để vận chuyển hành khách như tuyến cố định với nhiều phương thức hoạt động, thu hút được người dân sử dụng dịch vụ.

Một số đơn vị vận tải ký hợp đồng vận chuyển hành khách với các đơn vị du lịch, lữ hành để tổ chức nhận đặt chỗ, gom khách, hoạt động vận chuyển hành khách hai chiều như tuyến cố định.

Áp dụng các hình thức phạt nguội

vi-sao-xe-khach-tra-hinh-van-con-dat-dien

Nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định lao đao vì loại hình xe hợp đồng trá hình hoạt động ngày càng nở rộ (ảnh chụp ngày 26/6).

Về công tác xử lý xe dù, bến cóc, ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, chỉ riêng gần 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Thanh tra Sở đã kiểm tra, xử phạt trên 3.300 trường hợp xe khách vi phạm; phạt tiền trên 4 tỷ đồng, tạm giữ 66 xe vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với 493 trường hợp và tước phù hiệu 68 phương tiện. Trong tổng số xe khách bị xử lý nói trên có 994 xe hợp đồng.

Tuy nhiên, theo ông Quang, công tác kiểm tra xử lý đang gặp nhiều khó khăn. Địa bàn rộng, lực lượng mỏng trong khi các phương tiện xe hợp đồng, đặc biệt là loại hình xe Limousine áp dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, dừng đỗ đón khách ở các khu vực không bị cấm, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý loại hình này còn nhiều bất cập nên lực lượng chức năng cũng khó có cơ sở để xử lý. “Đáng nói, nhiều địa phương đang cấp hai loại phù hiệu xe hợp đồng và xe khách tuyến cố định gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm”, ông Quang nói.

Trao đổi tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền không đưa ra được giải pháp nào về cơ chế, chính sách đối với vấn đề này. “Về quản lý và xử lý xe Limousine, Sở GTVT cần phối hợp chặt với CSGT để tăng cường kiểm tra, xử phạt, áp dụng các hình thức phạt nguội”, bà Hiền nói.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, trước mắt, có thể nghiên cứu mở các tuyến buýt kế cận, chuyển đổi tuyến xe khách cố định dưới 100km thành buýt kế cận, khuyến khích DN đầu tư, khai thác. “Đó là một trong những giải pháp nhằm giảm bớt xe “dù”, bến “cóc”, xe khách trá hình”, ông Viện bày tỏ.

Vừa qua, Báo Gia đình & Xã hội đã đăng tải bài viết “Hà Nội: “Xe dù, bến cóc” tái xuất ở khu đô thị Pháp Vân” phản ánh về tình trạng vài tháng trở lại đây, tại bãi đất trống thuộc dự án ký túc xá sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp xuất hiện điểm tập kết trái phép của phương tiện vận tải chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An - Huế - Đà Nẵng - Gia Lai. Những chiếc xe khách này ngang nhiên lưu thông ra vào các tuyến đường nội bộ trong khu dân cư trả khách, trả hàng gây nguy hiểm cho cư dân và mất an toàn giao thông.

Tiếp nhận thông tin, Phòng CSGT TP Hà Nội đã chỉ đạo Đội CSGT số 14 phối hợp với Công an quận Hoàng Mai và Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai kiểm tra, xử lý các trường hợp xe khách vi phạm. Kết quả, từ ngày 28/5 đến ngày 15/6/2019, lực lượng CSGT đã xử lý 95 trường hợp vi phạm (các lỗi dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, đón trả khách sai quy định), đồng thời tước 17 giấy phép lái xe…

Theo GiaDinh