Vì sao vụ ly hôn của ông Vũ Trung Nguyên có án phí kỷ lục?

Phiên tòa ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên kết thúc, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải đóng mức án phí kỷ lục hơn 8 tỷ đồng. Vậy tòa án căn cứ trên cơ sở gì để đưa ra mức án phí kỷ lục như vậy?

vi-sao-vu-ly-hon-cua-ong-vu-trung-nguyen-co-an-phi-ky-luc

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo rơi nước mắt sau khi phiên tòa kết thúc (ảnh Hải An).

Để giải đáp thắc mắc trên, PV Dân Việt đã trao đổi với Thẩm phán Phạm Văn Hà, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội. Vị Thẩm phán này cho biết, năm 2015, Quốc hội ban hành Luật phí và lệ phí, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 326/2016 UBTVQH 14 ngày 30.12.2016, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp và sử dụng án phí và lệ phí tòa án. Như vậy Nghị quyết số 326 là căn cứ để tòa tính toán khi đưa ra mức án phí và lệ phí trong các vụ án.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (hiện ông đang là Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội), trong vụ án ly hôn thường sẽ có phần liên quan đến phân chia tài sản. Nếu như hai bên thỏa thuận được với nhau thì tòa sẽ ghi nhận và không tính án phí.

vi-sao-vu-ly-hon-cua-ong-vu-trung-nguyen-co-an-phi-ky-luc

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (ảnh Hải An).

Khi hai bên không thỏa thuận được phần về tài sản, giống như trường hợp phiên tòa ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo thì tòa đứng ra phân xử, sau khi phân xử phần án phí sẽ được tính theo kiểu lũy kế (giống như cách tính giá điện, giá nước). Ví dụ hai bên tranh chấp đòi chia tài sản có giá trị 6 triệu đồng trở xuống thì mức thu là 300 nghìn đồng; tài sản có giá trị từ 6 triệu đến dưới 400 triệu đồng thì mức thu là 5% tài sản có giá trị tranh chấp…

“Việc tính án phí trong giải quyết tranh chấp tài sản, tòa tính theo lũy kế, chính vì thế tài sản tranh chấp càng lớn thì mức án phí càng lớn”, Thiếu tướng Bộ nói và cho biết thêm, việc tòa thay mặt Nhà nước đứng ra giải quyết tranh chấp về tài sản thì phải tính công sức. Còn số tiền thu đó không phải nộp cho tòa án mà đưa vào ngân sách Nhà nước.

Phiên tòa ly hôn giữa vợ chồng cà phê Trung Nguyên, vào chiều qua TAND thành phố HCM đã tuyên án. Tòa chấp nhận cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và và Lê Hoàng Diệp Thảo ly hôn. Về phần tài sản, tổng cộng tài sản chung của vợ chồng trừ bất động sản là 7.502 tỷ đồng, chia cho ông Vũ 60%, tức 4.501 tỷ đồng, bà Thảo được sở hữu 3.001 tỷ đồng. Tổng cộng khối tài sản chung là 8.229 tỷ đồng, ông Vũ sở hữu 4.864 tỷ đồng, ông Vũ phải thanh toán cho bà Thảo 1.223 tỷ. Bản án phán quyết là bà Thảo sẽ rút khỏi Tập đoàn Trung Nguyên.

Về số tiền án phí mà vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải nộp hơn 8 tỷ đồng. Bà Thảo chịu án phí dân sự 300 nghìn đồng; án phí cho phần tài sản 3,3 tỷ đồng; ông Vũ phải nộp 4,8 tỷ đồng án phí tài sản.

Trừ vào tiền đã tạm ứng trước đó, bà Thảo phải nộp 3,2 tỷ đồng án phí, ông Vũ phải nộp hơn  4,7 tỷ đồng.

Án phí dân sự sơ thẩm

Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch

a, Từ 6.000.000 đồng trở xuống, có mức thu 300.000 đồng

b,Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng, có mức thu 5% giá trị tài sản có tranh chấp

c, Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng, có mức thu 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

d, Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, có mức thu 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng

đ, Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng, có mức thu 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng

e, Từ trên 4.000.000.000 đồng, có mức thu 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

Theo DanViet