Vì sao kết quả kinh doanh ấn tượng nhưng giá cổ phiếu Petrolimex lại suy giảm?

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu PLX đã trải qua 208 ngày giao dịch, biến động giá là – 15,8%, tức mỗi cổ phiếu mất 11.351 đồng.

vi-sao-ket-qua-kinh-doanh-an-tuong-nhung-gia-co-phieu-petrolimex-lai-suy-giam

9 tháng đầu năm, mỗi cổ phiếu PLX mất 11.351 đồng, tức giảm 15,8%. (Ảnh: Petrolimex).

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, MCK: PLX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 với doanh thu thuần đạt 46.175 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ trong khi chi phí giá vốn tăng đến 22% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.326 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ.

Doanh thu tài chính trong quý tăng gấp đôi cùng kỳ, lên 350 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng lãi chênh lệch tỷ giá, còn chi phí tài chính gấp 3,6 lần, lên 596 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá gia tăng.

Ngoài ra, trong kỳ Petrolimex nhận 138 tỷ đồng lãi từ các công ty liên doanh liên kết, hơn gấp đôi cùng kỳ, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp cũng bất ngờ giảm hơn 90 tỷ đồng, còn 107 tỷ đồng.

Những nguyên nhân trên dẫn đến quý 3 lợi nhuận sau thuế đạt 890 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số lãi 894 tỷ đồng đạt được quý 3 năm ngoái, trong đó lợi nhuận thuộc về công ty mẹ đạt 805 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần đạt 142.843 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân doanh thu tăng chủ yếu do giá dầu thô thế giới bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 66,42 USD/thùng. Theo báo cáo trong 9 tháng đầu năm 2018, sản lượng xuất bán xăng đạt 7.427.638M3/tấn, tăng 3% so với cùng kỳ.

Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 3.968 tỷ đồng, trong đó riêng lợi nhuận trước thuế từ hoạt động bán xăng dầu đạt 2.165 tỷ đồng. Trong các lĩnh vực ngoài xăng dầu, mảng kinh doanh hóa dầu, nhựa đường, hóa chất mang về 525 tỷ đồng lợi nhuận, lĩnh vực nhiên liệu hàng không đạt 307 tỷ đồng…

Lợi nhuận sau thuế đạt 3.187 tỷ đồng, tăng 10% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.885 tỷ đồng. Năm 2018 Petrolimex đặt mục tiêu đạt 158.000 tỷ đồng doanh thu và 5000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tính đến hết quý 3, Petrolimex đã hoàn thành 79% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trên bảng cân đối kế toán công ty thể hiện, tính đến hết quý 3 Petrolimex còn duy trì khoản tiền và tương đương tiền hơn 9.900 tỷ đồng (giảm 4.300 tỷ đồng so với đầu kỳ), trong đó ngoài 150 tỷ đồng tiền mặt tại quỹ còn có tiền gửi không kỳ hạn 5.153 tỷ đồng, hơn 5.913 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn (gấp 2,3 lần cùng kỳ), ngoài ra còn 5.913 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Nợ phải trả đến cuối quý 3 là 40.384 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 14.741 tỷ đồng (tăng 1.000 tỷ đồng so với đầu kỳ), vay nợ thuê tài chính dài hạn 2.364 tỷ đồng, giảm hơn 40 tỷ đồng.

Cổ phiếu PLX của Petrolimex chốt phiên giao dịch ngày 2/11 với mức 60.100 đồng/cổ phiếu, tăng 2.000 đồng so phiên liền trước, tức tăng 3,44%, ngay sau công bố tài chính cho thấy kết quả kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng lên đến 3.967 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước đó, cổ phiếu này trải qua 22 phiên giao dịch với thị giá suy giảm 14,9%, tức mỗi cổ phiếu mất 10.600 đồng. Trong đó, có 6 ngày giao dịch đỏ sàn liên tiếp là ngày 17 – 24/10. Ngày giao dịch 24/10 cũng là phiên giá cổ phiếu PLX rơi xuống mức thấp nhất trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 9, còn 55.800 đồng/cổ phiếu.

Cũng trong ba tháng 7, 8 và 9, giá cổ phiếu PLX giảm 2.500 đồng/cổ phiếu, tức giảm 3,99%. Khối lượng giao dịch trung bình trong khoảng thời gian trên là 852.814 cổ phiếu/ngày. Nếu tính trong khoảng thời gian từ 2/1 – 2/11, cổ phiếu PLX đã trải qua 208 ngày giao dịch, biến động giá là – 15,8%, tức mỗi cổ phiếu mất 11.351 đồng. Trong đó, giá thấp nhất rơi vào ngày giao dịch 5/7, giá cổ phiếu PLX rớt xuống mức 52.800 đồng/cổ phiếu.

Theo VietQ