Vì sao bé trai 3 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón suốt 9 tiếng lại thoát chết thần kỳ?

Các bác sĩ đánh giá việc bé trai 3 tuổi bị bỏ quên trên xe nhiều giờ vẫn sống sót là điều hi hữu, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Điểm đầu tiên khi các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương nhắc đến trong cuộc thông tin báo chí trưa 16/9 liên quan vụ việc bé trai 3 tuổi ở Bắc Ninh bị bỏ quên trên xe đưa đón là sự may mắn của bệnh nhi này.

Em bé thoát chết, điểm mấu chốt thứ nhất là nhờ vào khâu cấp cứu ban đầu rất tốt. TS Lê Xuân Ngọc, giảng viên quốc tế về cấp cứu nhi khoa APLS cho biết nếu được xử lý cơ bản thì sẽ cấp cứu tốt, không những giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh nhất có thể mà sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho điều trị ở cấp cao hơn.

vi-sao-be-trai-3-tuoi-bi-bo-quen-tren-xe-dua-don-suot-9-tieng-lai-thoat-chet-than-ky

Cơ sở giáo dục nơi bé Nguyễn Tấn Lợi 3 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón. Ảnh: Zing

Vấn đề thời điểm, thời gian, nếu chậm trễ một phút hoặc định hướng điều trị ban đầu sai sẽ dẫn tới 3 khả năng. Thứ nhất, khả năng phục hồi đứa trẻ rất chậm; Thứ hai: Có nguy cơ gây ra biến chứng do cấp cứu ban đầu sai; Thứ ba: Các tuyến điều trị cấp cứu cao hơn như tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương sẽ mất đi cơ hội điều trị cho trẻ ở mức độ cao nhất đó là trẻ trở lại tình trạng bình thường, không có di chứng.

Đồng tình quan điểm này, TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa - Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng em bé may mắn được cơ sở giáo dục đưa đến phòng khám gần đó, rất may được các bác sĩ sơ cứu tạm thời, các bác sĩ đó có kiến thức cơ bản sơ cứu trẻ.

Theo các bác sĩ, qua khai thác của bố em bé, khi gia đình tiếp xúc với bé - lúc này được chuyển vào Bệnh viện thị xã Từ Sơn - trẻ trong tình trạng bị hôn mê. Gia đình gọi hỏi thì trẻ không đáp ứng. Sau khi chuyển lên Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, được các bác sĩ đã gọi trao đổi, tham vấn với Bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu trẻ tốt, rồi mới chuyển lên tuyến trên.

"Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được thở oxy, tuần hoàn trẻ ổn định, bắt đầu tỉnh. Thăm dò chức năng của trẻ cho thấy bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn về sốc nhiệt, có thay đổi ý thức, hôn mê, rối loạn các cơ quan như rối loạn đông máu, bắt đầu có biểu hiện suy thận, tiêu cơ vân..." - TS Tuấn cho hay.

Về khác nhau giữa vụ việc này với vụ em bé ở trường Gateway bị bỏ quên trên xe suốt 9 tiếng đồng hồ đã tử vong, PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho rằng sự khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố như theo từng cơ thể, từng thời gian, đặc biệt phụ thuộc nhiều vào môi trường nhiệt độ bên ngoài... 

vi-sao-be-trai-3-tuoi-bi-bo-quen-tren-xe-dua-don-suot-9-tieng-lai-thoat-chet-than-ky

Chăm sóc trẻ tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh minh hoạ

Một điểm đáng lưu ý khác được ghi nhận trong lời khai của tài xế Nguyễn Công Tỵ - người lái xe đưa bé Nguyễn Tấn Lợi đi học sáng 13/9 - tại cơ quan công an là sau khi đưa các trẻ đến trường, người tài xế này đánh xe đỗ lên vỉa hè phía trước cửa cơ sở Đồ Rê Mí. Vị trí đỗ xe nằm dưới gốc cây, cửa kính ghế lái được mở hé xuống 10cm.

Trước câu hỏi em bé sẽ bị ảnh hưởng như thế nào sau 9 giờ bị bỏ quên, PGS Trần Minh Điển cho biết, hiện tại theo đánh giá của các bác sĩ, sau khi chụp CT cho bệnh nhi, thần kinh và tri giác của em bé khá tỉnh táo, không có dấu hiệu nào của tổn thương thần kinh khu trú, kết quả chụp CT sọ não cũng khá ổn, không thấy tổn thương gì. 

"Em bé được tiên lượng khá tốt và có thể quay lại cuộc sống bình thường trong vài ngày tới" - TS Điển nói.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, theo những tài liệu y văn về sốc nhiệt và bỏ quên trên xe, trẻ em tăng thân nhiệt nhanh hơn người lớn, có thể liên quan đến khối lượng nước của trẻ em nhiều, nguy cơ mất nước cao và dễ bị ảnh hưởng nhiệt bằng nhiều cách. 

vi-sao-be-trai-3-tuoi-bi-bo-quen-tren-xe-dua-don-suot-9-tieng-lai-thoat-chet-than-ky

TS Tạ Anh Tuấn

Với bé Lợi, may mắn là các chức năng sống của em bé vẫn còn. Bé vẫn thở, nhịp tim đập tương đối tốt, chỉ tri giác thì bắt đầu lơ mơ. 

"Bệnh nhân nhi này chưa phải ở mức độ nặng nề, được tiếp cận cấp cứu sớm nên đã được cứu. Chúng tôi tiên lượng bệnh nhân tốt"- PGS Trần Minh Điển cho biết.

6h30 sáng 13/9, lái xe Nguyễn Công Tỵ - chồng của bà Hợp - điều khiển xe mang biển số 99B - 01008 đón 9 trẻ tại các gia đình và đưa đến cơ sở giáo dục Mầm non cao cấp Đồ Rê Mí (Tien Du, Bắc Ninh) vào khoảng 8h00.

Bé Nguyễn Tấn Lợi (3 tuổi) là một trong số các trẻ được đưa đón. Đến khoảng 15h cùng ngày mới phát hiện ra cháu trên xe. Chủ cơ sở giáo dục đã đưa trẻ đến phòng khám gần đó để sơ sứu rồi đưa ra Bệnh viện đa khoa thị xã Từ Sơn.

Lúc này, chủ cơ sở thông báo với gia đình, sau đó cùng gia đình đưa bé Lợi lên Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo GiaDinh