Vàng bớt 'lấp lánh', ngân hàng đầu tiên xin 'chấm dứt' hoạt động kinh doanh vàng miếng

Mới đây, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được chấp thuận chấm dứt hoạt động kinh kinh doanh mua, bán vàng miếng tại 9 điểm giao dịch trên toàn quốc.

Vàng bớt 'lấp lánh', ngân hàng đầu tiên xin 'chấm dứt' hoạt động kinh doanh vàng miếng

BIDV xin chấm dứt hoạt động kinh doanh vàng miếng tại 9 điểm trên toàn quốc

5 năm, điểm kinh doanh vàng miếng giảm từ 12.000  xuống còn 2.200 điểm

Trong một đánh giá của ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau 5 năm kết từ ngày “siết” thị trường vàng bằng biện pháp ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ tháng 4/2012, cho tới cuối năm 2017 trên cả nước, số điểm mua bán vàng miếng đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 2.242 điểm, thay vì 12.000 điểm hoạt động trước đây.

Theo đó, NHNN nhận định, từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm; cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm hơn 50% so với năm 2013.

“Toàn bộ quan hệ huy động - cho vay vốn bằng vàng đã được chuyển sang quan hệ mua, bán vàng”, NHNN cho biết.

Đây có thể là lý do chính để ngân hàng BIDV xin chấm dứt kinh doanh vàng miếng tại 9 điểm kinh doanh vàng trên toàn quốc. 9 điểm mua bán vàng miếng bị cắt giảm bao gồm: Chi nhánh Cao Bằng; chi nhánh Điện Biên; chi nhánh Lai Châu; chi nhánh Sơn La; chi nhánh Lào Cai; chi nhánh Bắc Cạn; chi nhánh Tuyên Quang; chi nhánh Yên Bái và chi nhánh Hà Giang.

Kể từ ngày nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, BIDV là ngân hàng đầu tiên xin cắt giảm điểm giao dịch vàng miếng sau 5 năm hoạt động cho tới thời điểm hiện tại.

38 đơn vị kinh doanh vàng miếng trên cả nước

Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn có 38 đơn vị được kinh doanh vàng miếng, gồm 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp.

Mới đây, NHNN đã đưa dự thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với đề xuất chuyển quyền mua bán vàng miếng cho NHNN, nhà nước độc quyền về kinh doanh vàng.

Cụ thể, theo dự thảo, Khoản 3, Điều 4 về “Nguyên tắc quản lý”, được sửa đổi, bổ sung “ Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản”.

Để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động này, dự thảo Nghị định quy định: hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện”.

Cho ý kiến về dự thảo nêu trên, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, việc NHNN trở thành “đơn vị kinh doanh” không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước là kiến tạo chính sách.

Dẫn chứng điều kiện cấp phép kinh doanh vàng miếng trong 5 năm qua, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam khẳng định “đã loại bỏ hầu hết doanh nghiệp kinh doanh vàng ra khỏi thị trường vàng miếng”.

Theo DanViet