Vấn đề hôm nay: Học dốt con cũng có quà

Do không bị áp lực điểm số nên nhiều học sinh dù học lực yếu kém cũng không thấy tự ti.

Vừa đi làm về, chị Hoàng Lan Anh, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã gọi con lớp 4 ra hỏi: Con có đạt xuất sắc không để mẹ thưởng đi nghỉ mát nào.

Chồng chị đi họp phụ huynh về nhắc là tiểu học không xếp loại như trước, chị mới nhớ ra. 

Tương tự như chị Lan Anh, anh Hoàng Tuyến (35 tuổi) có con đang theo học lớp 3 ở một trường tiểu học tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, kể:

Con đi bế giảng về, như một thói quen, tôi buột miệng hỏi: Năm nay con được học sinh gì?

Cháu kể, cô giáo không xếp loại học lực, chỉ khen con có cố gắng trong học tập và tặng thưởng vở.

Tôi mới ớ ra, giờ bọn trẻ không còn xếp loại giỏi - khá - trung bình như những năm trước nữa.

Từ hàng tuần nay, câu chuyện mà hàng triệu bậc phụ huynh quan tâm, bàn luận nhiều nhất là thành tích học tập của các con trong năm học vừa qua.

Kèm với đó là thói quen thưởng, phạt cho con dịp nghỉ hè này.

Điều dễ nhận thấy trên các diễn đàn, mạng xã hội và facebook cá nhân là Giấy khen đủ kiểu của con em mà các bậc phụ huynh post lên.    

Ảnh minh họa

Cũng có bố, mẹ (tuy tỷ lệ rất nhỏ) khoe con không đạt thành tích gì nhưng mà vui. Chị Phạm Thị Thịnh, ở TP Ninh Bình chi sẻ:

Cháu nhà tôi còi, trước kia học nhiều quá, chả được chơi. Năm nay vợ chồng tôi cho cháu chỉ học 30 phút ở nhà, còn lại là đi chơi.

Tuy năm học này cháu chơi quá đà, môn toán, nói như bố cháu là dốt, kết quả chung chỉ đạt loại trung bình nhưng nhìn cháu khỏe, vợ chồng tôi rất vui.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc, giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, Nam Định, cho biết, việc đánh giá chỉ được xếp hạng theo dạng đạt hay không đạt.

Vì thế, học sinh của cô không bị áp lực về điểm số, nhất là với những em học lực trung bình, yếu.

Các em mất hẳn cảm giác tự ti, xấu hổ vì điểm thấp trước các bạn. Giáo viên nào cũng có thể tìm mặt tốt của trẻ để biểu dương cuối năm.

Các bạn nào có thành tích học tập tốt, sẽ khen thưởng về mặt học tập, còn bạn nào tích cực tham gia phong trào hoạt động của nhà trường thì khen về mặt tích cực hoạt động.

Khi mình khen như vậy, các con sẽ được khen đồng đều hơn. Ngày trước chỉ chú trọng đến học lực, giờ thì quan tâm đến các tiêu chí khác.

Trong các post về thành tích học tập của con trên facebook, chị Phạm Huệ, ở TP HCM khá lẻ loi khi tuyên bố: Mùng 1/6 này thưởng cho con đi tắm biển Vũng Tàu.

Qua trao đổi, chị Huệ tâm sự: Thực ra, phần thưởng này dành cho bố của cháu. Vì trước đây hai vợ chồng hay cãi nhau về phương pháp dạy con và 'bệnh thành tích của bố cháu'.

Nay thì cháu được trả lại tuổi thơ, không phải è cổ học thêm hết chương trình này đến nội dung khác. Tuy thành tích học tập dốt đi nhưng trông cháu hoạt bát hẳn lên.

Chia sẻ của chị Huệ đã nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh.

Bởi các cháu đã được chơi với đúng tuổi thơ của mình, không phải suốt ngày vùi đầu vào học.

Các cháu đã hòa đồng với bạn bè với những trò nghịch ngợm mà người lớn cũng phải thèm.  

Cũng từ sự thay đổi của bố mẹ mà các cơ quan, đoàn thể cũng dần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về con em trong việc trao thưởng cuối năm học.

Anh Trịnh Trọng Thành, phụ huynh của cậu học sinh lớp 4 cho biết, công ty anh năm nay lần đầu tiên trao thưởng cho tất cả các cháu:

Cơ quan tôi năm nay thưởng mỗi cháu 500.000 đồng sau năm học. Lần đầu tiên cơ quan thưởng tiền không có sự phân biệt giữa các cháu.

Tôi thấy việc này rất có ý nghĩa, để giảm gánh nặng áp lực lên các con, cũng như chính phụ huynh chúng tôi.

Hè này tôi dự định cho cháu đi học bơi cũng như học đàn. Việc học kiến thức sẽ giảm tải lại. Chúng còn quá nhỏ, điều cần cho chúng bây giờ là tuổi thơ vui vẻ với những sở thích.

Theo tiết lộ từ một phụ huynh là nhân viên Tập đoàn viễn thông quân đội, Tập đoàn này không phân biệt học lực của học sinh.

Hè này, Viettel chi số tiền khá lớn để tổ chức vui chơi, tặng quà cho tất cả các cháu, không phân biệt học lực.

'Tôi rất ủng hộ quan điểm cháu nào cũng là con cháu của Viettel, các cháu có quyền bình đẳng như nhau'.

Vị phụ huynh này nói và cho biết thêm: Quan trọng nhất là các cháu được khỏe mạnh, hài hòa giữa học và chơi và được sống đúng với tuổi của mình chứ không phải sống vì bệnh thành tíchcủa bố, mẹ. 

Đồng tình với quan điểm tạo sự công bằng cho tất cả các học sinh tiểu học, Nhà giáo Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh cho rằng:

'Tất cả đều có phần thưởng tôi thấy cũng tốt. Thưởng em học giỏi 1 phần thưởng, em khá tôi cũng thưởng vì em đã có cố gắng, trước kia không khá như này hy vọng sẽ khá hơn'.

Thậm chí, một số bậc phụ huynh trẻ còn mạnh dạn chia sẻ: 'Trước đây mình bị ép học quá nhiều mà khi ra đời, chưa chắc đã bằng những bạn trước kia bị coi là dốt, là trung bình.

Cho nên, các cháu cứ khỏe, ngoan là mừng rồi. Thậm chí, cháu có học dốt một chút cũng không sao, vẫn thưởng quà, động viên cho các cháu'.

Theo tinngan