Ứng xử với dịch bệnh, càng sợ hãi càng reo rắt bệnh tật



Trước diễn biến phức tạp dịch bệnh khi Hà Nội đã xuất hiện ca thứ 5 bị COVID – 19, nhiều người hoảng loạn, có xu hướng đưa con về quê “né” dịch. Chuyên gia cho rằng, ứng xử với dịch bệnh, càng sợ hãi càng reo rắt bệnh tật.

Về quê "né" dịch

Hà Nội hiện đã ghi nhận ca thứ 5 bị COVID – 19 và những thông tin về hành trình di chuyển của những bệnh nhân này đã khiến nhiều người hết sức lo ngại. Trong đó, khá nhiều người đã lựa chọn cách đưa con cháu về quê "né" dịch.

ung-xu-voi-dich-benh-cang-so-hai-cang-reo-rat-benh-tat

Ảnh minh họa

Ngay từ sáng sớm, vợ chồng anh Luân (Nam Định) đã lục đục dậy chuẩn bị đưa cô con gái 2 tuổi về quê. Anh chia sẻ, vợ anh mở cửa hàng cơm, đợt dịch này ảnh hưởng không bán được mấy. Chi phí thuê mặt bằng, nhân viên khiến thu nhập của quán thu không đủ chi nên vợ chồng quyết định đóng cửa. Anh đi làm nhà nước nên để cho hai mẹ con về quê với ông bà nội.

"Thời gian vừa rồi khi 16 ca nhiễm ở nước ta đều được khỏi bệnh và hơn 20 ngày không có ca mới, tôi rất vui. Quán hàng ăn của vợ cũng đông hơn chút. Đang hi vọng thời gian tới con đi học trở lại thì không ngờ lại có ca nhiễm ngay ở trung tâm thành phố. Lo vợ con nên tôi bảo nghỉ để về quê, chắc hết dịch mới trở lại. Công việc của tôi không nghỉ được nên xác định ở đây và ít về để tránh lây vì ngộ nhỡ…" – anh Luân chia sẻ.

Cẩn trọng phòng tránh trước dịch bệnh có nhiều diễn biến mới là điều chúng ta nên làm. Tuy nhiên, việc ùn ùn cho con về quê "né" dịch có phải là điều nên làm? Chuyên gia ý kiến thế nào về việc này?

Hoảng loạn càng reo rắc bệnh tật

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, chúng ta đang sống trong thời đại xã hội công nghệ thông tin. Rõ ràng câu chuyện nhiễm khuẩn hô hấp cấp do virus chủng mới COVID – 19 đến bất ngờ, bàng hoàng. Nhiều người ban đầu vẫn có tâm lý đấy không phải việc của mình mà của thiên hạ. Nhưng khi dịch diễn biến nhanh chóng, nhất là sau ca bệnh 17 thực sự là một "cú choáng" với nhiều người.

Thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần nhấp chuột là thấy thông tin rất nhiều, cộng đồng bị đặt vào tình trạng sốc về thông tin dẫn tới choáng. Tâm trạng đó đưa lại hệ quả "chùm" lên cộng đồng một tâm trạng bất an, hoảng loạn, bất ổn, thiếu tinh thần lạc quan mà trước đó chúng ta có được. Những thông tin mọc lên như nấm và được "điều chỉnh, pha chế"… theo chiều hướng đe nạt, khủng bố chứ không phải thông tin xuất phát từ cơ sở khoa học càng khiến nhiều người hoảng loạn hơn. Cú sốc về mặt dịch bệnh ấy dẫn tới mất kiểm soát.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh, khi con người ta hoảng loạn sẽ dễ kích hoạt lẫn nhau sự hoảng loạn. Tâm lý đám đông xuất hiện. Sự hoảng loạn kích hoạt mang tính dây chuyền dẫn tới hành vi đi mua đồ tranh cướp nhau ngay tối 6/3, sang ngày 7/3. Hàng hóa nhu yếu phẩm sạch.

Xu hướng đưa con trẻ về quê những ngày này cũng vậy. Mọi người bắt chước, hành xử theo nhau để mình không thể làm khác, không trở thành thiểu số. Theo lẽ đó, những hành vi ùn ùn về quê khi dịch đang diễn biến phức tạp để "né" dịch cũng là hành vi lệch lạc.

"Sự hoảng loạn lúc này càng gây hại. Tâm trạng hoản loạn không làm tăng cường kháng thể mà làm suy giảm. Và sự hoảng loạn càng dễ reo rắc bệnh tật. Ở đây, cộng đồng chúng ta cần hướng đến sự bình tĩnh, tin tưởng, lạc quan trở lại với sự kiểm soát tình hình dịch bệnh và cao hơn là thái độ khách quan, khoa học, bình ổn, tự tin ở chính bản thân mình bên cạnh tự tin ở các thiết chế xã hội. Việt Nam đã có những chuẩn bị tích cực, cuộc diễn tập qui mô lớn của lực lượng vũ trang trên toàn quốc vận hành cơ chế phòng chống dịch COVID–19 là một trong những chuẩn bị căn bản hậu thuẫn cho tâm lý lạc quan tự tin đất nước sẽ vượt qua thử thách này" – PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho hay.

Theo GiaDinh