Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hướng tới doanh thu 5 tỷ USD cho Masan vào năm 2022

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN), tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và các cộng sự của mình đã đặt mục tiêu tới năm 2022, doanh thu của Masan đạt 5 tỷ USD, tăng trưởng gấp đôi tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam là 10,2% và đạt biên lợi nhuận thuần 12-15%.

ty-phu-nguyen-dang-quang-huong-toi-doanh-thu-5-ty-usd-cho-masan-vao-nam-2022

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (MSN). (Ảnh: Internet)

Masan đặt ra chỉ tiêu doanh thu đạt 5 tỉ USD vào năm 2022

Theo đó, mở đầu phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (MSN) đã dành thời gian chia sẻ về chiến lược và định hướng phát triển đến năm 2022 của doanh nghiệp.

"Lúc nãy có người hỏi tôi “Năm nay Masan tiếp tục Keep going?”. Thực sự con đường đang đi rất nhiều chông gai, thử thách, nhưng con đường đó bạn đi mỗi ngày và tự tin, không bị giây phút hoài nghi về con đường đã chọn, thì những điều tốt nhất, ý nghĩa nhất sẽ giúp bạn thành công, những giá trị còn lại mãi mãi. Và vì thế bạn cần “keep going”.

Mọi người hỏi tôi tại sao chọn mì gói? Thực sự tôi không chọn mì gói mà ngược lại, bối cảnh nó làm cho chúng tôi chọn mì gói. Bởi vì 20 năm trước Việt Nam vẫn rất khó khăn, mỗi người Việt Nam lúc đó hiểu rằng chúng ta tìm thấy cái gì tốt đẹp hơn, tức bụng ấm hơn. Đến một ngày, Masan phát hiện rằng, không chỉ người Việt Nam đói lòng, cần gói mì.

Đó chính là cách Masan bắt đầu sự nghiệp của mình. Bắt đầu công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự là hãy làm một điều gì đó cho chính bản thân bạn muốn. Khi làm điều tốt cho bản thân bạn thì có thể làm được cho gia đình bàn và xã hội tốt hơn.

Tinh thần đó luôn luôn là sợi chỉ nam xuyên suốt hành trình của Masan. Ở MCH, làm ra mỗi sản phẩm với từng yêu thương, ngon, an toàn cho sức khỏe, như cách tôi làm cho chính gia đình tôi. Ngược lại, nếu chúng ta làm việc tốt không nhất thiết nó vĩ đại, nhưng nó sẽ vĩ đại nếu làm điều tốt ấy cho tất cả mọi người.

3 năm trước, mô hình then chốt của Masan là xây dựng các nhãn hiệu mạnh hay nâng cao năng suất lao động. Năm vừa rồi nói về cách Masan “turn around”. Và ngày hôm nay nói về con đường Masan, triết lý kinh doanh cụ thể hơn trong 5 năm sắp tới”, ông Nguyễn Đăng Quang nói.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, bức tranh toàn cảnh của thị trường gồm 3 nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn. Đầu tiên, người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm và đỏi hỏi những mặt hàng cao cấp. Do đó, họ sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu.

Tiếp theo, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt con số 50 triệu vào năm 2022, các sản phẩm an toàn và tốt cho sức khỏe sẽ được đón nhận mạnh mẽ. Cuối cùng, Việt Nam đang trong giai đoạn kỹ thuật số hóa mạnh mẽ và chào đón Thế hệ Z. Ngành bán lẻ Việt Nam sẽ chuyển đổi từ các doanh nghiệp có cửa hàng hiện hữu sang mô hình phân phối đa kênh. Ông Quang cho rằng đây là giai đoạn "khởi nghiệp" của ngành hàng tiêu dùng.

Căn cứ vào 3cơ sở thị trường nói trên, Masan đặt ra chỉ tiêu doanh thu đạt 5 tỉ USD, chi tiêu người tiêu dùng Việt tăng gấp đôi, biên lợi nhuận thuần từ 12%-15% vào năm 2022 và vẫn tuân thủ "Keep Going trong dài hạn".

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Tập đoàn Masan cũng dự báo về tình hình kinh doanh của 5 năm tương lai. Trong đó, Masan Consumer có doanh thu thuần 2 tỉ USD và lợi nhuận sau thuế 400 triệu USD. Masan Nutri-Science cũng đạt doanh thu thuần 2 tỉ USD, xây dựng mạng lưới phân phối thịt lớn nhất toàn quốc, chiếm 10% thị phần thị trường thịt heo trị giá 10,2 tỉ USD. Masan Resources tăng thị phần APT lên trên 50% bằng việc tăng công suất chế biến của nhà máy hóa chất vonfram lên 12.000 tấn vào năm 2019.

Còn Techcombank sẽ đạt lượng khách hàng bán lẻ ít nhất 15 triệu người, tỷ lệ ROA và ROE dẫn đầu ngành, với trên 20%.

VnIndex tăng gần 9 điểm

Phiên giao dịch ngày 24.4, TTCK Việt Nam chứng kiến sắc xanh xuất hiện ở hầu khắp khắp các nhóm cổ phiếu. Nổi bật trong số đó là sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngành thép. Cổ phiếu HPG có tăng mạnh nhất 4,5% lên 33.350 đồng, còn HSG tăng 3,8% lên 7.990 đồng, POM tăng 3,1% lên 8.760 đồng.

Ở nhóm VN30, VIC tăng 0,71% lên 113.800 đồng, VHM tăng 0,79% lên 89.700 đồng, VCB tăng 1,49% lên 68.500 đồng, VNM tăng 1,97% lên 129.500 đồng, BID tăng 1,17% lên 34.600 đồng, TCB tăng mạnh 3,18% lên 24.350 đồng, VRE tăng 2,02% lên 35.400 đồng, CTG tăng 2,64% lên 21.400 đồng, SSI tăng 2,2% lên 25.700 đồng.

Ở chiều ngược lại, chỉ một số ít cổ phiếu vốn hoá lớn giảm điểm, khiến đà tăng của chỉ số VnIndex bị thu hẹp như BVH, TPB, SAB, ROS...Trong đó, TPB giảm 1,2% xuống 21.450 đồng, BVH giảm 1% xuống 90.900 đồng. Ngoài ra, EIB và DHG cũng chỉ giảm hơn 1%.

ty-phu-nguyen-dang-quang-huong-toi-doanh-thu-5-ty-usd-cho-masan-vao-nam-2022

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24.4, VnIndex tăng 8,92 điểm (0,92%) lên 976,92 điểm. (Ảnh: TVSI)

Kết thúc phiên giao dịch, VnIndex tăng 8,92 điểm (0,92%) lên 976,92 điểm. Còn HNX-Index tăng 0,85 điểm (0,8%) lên 107,14 điểm. Dù vậy, thanh khoản vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện cho thấy sự thận trọng vẫn đang chi phối thị trường.

Khối ngoại trên TTCK Việt Nam ngày 24.4 mua ròng với khối lượng 13,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 324,3 tỷ đồng. Trong đó, trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 186 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 3,7 triệu cổ phiếu.

HPG đứng đầu danh sách được khối ngoại mua tròng trên HOSE với giá trị mua ròng đạt 70 tỷ đồng. Xếp ở các vị trí tiếp theo lần lượt là MSN và GAS với giá trị mua ròng đạt 33 tỷ đồng và 22,6 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, HBC và CCQ ETF nội E1VFVN30 bị bán ròng mạnh nhất với giá trị bán ròng lần lượt là 31 tỷ đồng và 19,8 tỷ đồng.

Theo DanViet