Tuyển sinh đại học 2019 sẽ có nhiều thay đổi?

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), kỳ tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2019 sắp tới, Bộ dự kiến sẽ có 6 nội dung được điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh. Những sự điều chỉnh này sẽ được công bố, xin ý kiến góp ý trong thời gian tới trước khi triển khai.

tuyen-sinh-dai-hoc-2019-se-co-nhieu-thay-doi

Dự kiến, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2019 sẽ có nhiều thay đổi so với năm ngoái. Ảnh minh họa: Q.Anh

Siết chặt điều kiện tuyển sinh

Tại Hội nghị Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các cơ sở Giáo dục đại học và trường sư phạm năm 2018 mới đây, Bộ GD&ĐT nêu rõ, năm 2018, Giáo dục đại học đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của toàn ngành. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 với nhiều điểm mới nhằm thúc đẩy Giáo dục đại học phát triển. Trong đó, tạo sự bình đẳng giữa cơ sở Giáo dục đại học công lập và tư thục, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở Giáo dục đại học.

Năm 2018, lần đầu tiên 2 trường đại học của Việt Nam lot top 1.000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng QS; có 7 trường đại học của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng 505 đại học tốt nhất châu Á năm 2019 (QS Asia 2019). Công tác kiểm định chất lượng đạt được kết quả khả quan, nhất là đối với kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học. Đến nay, cả nước đã có 117 cơ sở được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục, chiếm hơn 50% tổng cơ sở Giáo dục đại học cả nước. Công tác đảm bảo chất lượng và văn hóa chất luợng đã được các trường chú trọng xây dựng.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh năm 2018 diễn ra thuận lợi, ổn định, bước đầu tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh trong thu hút sinh viên giỏi giữa các trường. Quản trị đại học tiếp tục được nâng cao, đã có 23 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, 3 trường chuẩn bị được phê duyệt cơ chế thí điểm không còn Bộ chủ quản, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình tự chủ đại học.

Về Giáo dục đại học năm 2019, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An nhấn mạnh, năm 2019 sẽ tập trung vào công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục đại học, sắp xếp lại các trường sư phạm... Bộ cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ sở Giáo dục đại học, các trường sư phạm. Kiên quyết dừng tuyển sinh những cơ sở Giáo dục đại học vi phạm các quy định. Với các cơ sở Giáo dục đại học, phải nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh. Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, công khai mức học phí trước khi tuyển sinh. Quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.

Điều chỉnh, bổ sung quy chế tuyển sinh

Chia sẻ về công tác tuyển sinh đại học năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, dự kiến sẽ có 6 nội dung được điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh năm 2019, Bộ sẽ xây dựng, xin ý kiến góp ý trước khi ban hành. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề xuất, các trường có sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia phải thực hiện đầy đủ tất cả các bước của quy trình xét tuyển. Các trường cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sinh viên chính quy ra trường có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp.

Một dự kiến nữa có thể điều chỉnh đó là đối tượng quân nhân dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại nơi có sự thay đổi chính sách ưu tiên theo khu vực thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn. Đặc biệt, với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ vào kết quả thi THPT Quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Các trường có ngành sức khỏe, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 loại giỏi.

Ngoài ra, tại quy chế tuyển sinh 2019 có thể điều chỉnh lại quy định đó là các trường tiếp nhận và lưu bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia. Đối với thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển các trường khác cũng như không được xét tuyển các đợt tiếp theo. Theo bà Kim Phụng, những dự kiến thay đổi nói trên được dựa trên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Bên cạnh đó là khắc phục một số bất cập của Quy chế tuyển sinh năm 2018.

Như vậy, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT chính thức bỏ điểm sàn đối với tuyển sinh ĐH, chỉ duy nhất ngành Sư phạm Bộ có quy định điểm sàn để đảm bảo chất lượng.

Đến năm 2019, ngành Sư phạm và nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề sẽ phải thực hiện theo điểm sàn riêng do Bộ GD&ĐT quy định. “Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo chất lượng, hiệu quả và công bằng trong tuyển sinh đại học 2019. Tổ chức tốt về phân luồng, thu hút học sinh giỏi vào ngành Sư phạm”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ.

Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh đại học năm 2019, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo chất lượng, hiệu quả, công bằng trong tuyển sinh; phân luồng, thu hút học sinh giỏi vào học ngành Sư phạm. Xây dựng chức năng công khai cơ sở dữ liệu tuyển sinh, sinh viên nhập học.

Rà soát, hoàn thiện các phần mềm xét tuyển, cơ sở dữ liệu tuyển sinh. Tiếp tục rà soát, bổ sung cơ sở dữ liệu chính sách về ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng. Tăng cường tuyên truyền, chọn ngành, hướng nghiệp; thí sinh biết rõ quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia xét tuyển.

Theo GiaDinh