Tùy tiện dùng men tiêu hóa cho trẻ có thể để lại nhiều hệ lụy

Men tiêu hóa được coi là sản phẩm hỗ trợ giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động một cách tốt hơn tuy nhiên không nên bổ sung tùy tiện vì có thể để lại nhiều hệ lụy

Men tiêu hóa hay gọi là enzym, bản chất là các protein. Đây là chất xúc tác cho quá trình phân giải thức ăn. Dưới tác động của men tiêu hóa, thức ăn được cắt nhỏ các liên kết trong thức ăn trở thành dạng nhũ tương giúp cho lớp niêm mạc ruột có thể hấp thụ một cách dễ dàng vào máu, nuôi dưỡng cơ thể.

Hầu hết các loại thực phẩm chúng ta ăn bao gồm protein, lipid, carbonhydrat... đều không thể tự hấp thu vào máu, vì vậy chúng ta cần tác động của enzym hoạt tính giúp chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng mà cơ thể có thể hấp thu được. Nhờ vai trò này mà hiện nay nhiều bà mẹ mua về sử dụng cho con trẻ. Tuy nhiên theo các bác sĩ, việc lạm dụng men tiêu hóa cũng gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe trẻ.

tuy-tien-dung-men-tieu-hoa-cho-tre-co-the-de-lai-nhieu-he-luy

 Không nên lạm dụng men tiêu hóa cho trẻ. Ảnh minh họa

Thấy con gái 4 tuổi hai ngày nay lười ăn, nôn ói, chị Lê Ngọc Tâm (TP.HCM) tức tốc chạy ra nhà thuốc mua men tiêu hóa về cho con uống. Chị kể, đường ruột của con gái chị rất yếu, thường táo bón, tiêu chảy, thường xuyên ăn vào lại ói ra. Không những thế bé hay bị trào ngược dạ dày. Cứ mỗi lần bé có triệu chứng về vấn đề tiêu hóa, chị phải ra nhà thuốc mua men tiêu hóa về cho con uống. Nhiều khi bé phải uống cả tháng liên tục.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Mộng Linh - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, nhiều bà mẹ khi thấy con biếng ăn, tiêu chảy hay táo bón đều chạy ra nhà thuốc mua men tiêu hóa về cho con uống một cách vô tư. Điều này đã làm cho đường ruột, hệ tiêu hóa của bé hoạt động lệ thuộc vào men tiêu hóa. Việc sử dụng không đúng chỉ định có thể gây hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Cụ thể, việc tùy tiện cho trẻ sử dụng men tiêu hóa có thể vô tình làm cho tuyến tiêu hóa trong cơ thể bị ức chế, giảm bài tiết, giảm hoạt động. Đây là lý do dẫn đến teo, thậm chí làm cho trẻ suốt đời phải phụ thuộc vào men tiêu hóa.

Hiện nay, nhiều cha mẹ lạm dụng men tiêu hóa để mong cải thiện đường ruột, khả năng tiêu hóa cho trẻ. Men tiêu hóa hiện có giá thành rẻ, dễ mua. Mỗi người có thể tự ra nhà thuốc mua cả hộp hay vài gói mà không cần bác sĩ kê đơn. Hậu quả có bé dùng nhiều loại men tiêu hóa khác nhau nhưng tình trạng rối loạn tiêu hóa chỉ được giải quyết tạm thời. Thậm chí, đến khi ngưng dùng thì tình trạng rối loạn tiêu hóa quay trở lại nghiêm trọng hơn.

Trong cơ thể, men tiêu hóa là hỗn hợp enzym tự nhiên khác nhau do chính cơ thể bài tiết ra, có tác dụng chuyển hóa các chất trong thức ăn: chủ yếu là chất đường (glucid), chất đạm (protein), chất béo (lipid). Ở từng bộ phận tiêu hóa khác nhau, cơ thể sẽ bài tiết ra các loại men khác nhau để tiêu hóa và bài tiết thức ăn theo đúng vai trò của mình. Ví dụ, khi thức ăn vào miệng sẽ tiết ra loại men amylase trong nước bọt để nghiền nát và chuyển hóa tinh bột chín thành đường maltose. Khi thức ăn xuống tới dạ dày sẽ có men pepsin hoạt động, phân giải protein của thức ăn; hay men lipase có tác dụng tiêu hóa lipid của thức ăn đã được nhũ tương hóa... Khi chất dinh dưỡng xuống tụy cũng có đủ loại men để tiêu hóa protein, lipid và glucid thành các phân tử đơn giản cuối cùng giúp cơ thể hấp thu, chuyển hóa nuôi cơ thể.

Trong dịch ruột cũng có đầy đủ các nhóm men tiêu hóa protein, lipid và glucid phân giải chất dinh dưỡng thành những phân tử đơn giản để hấp thu qua thành ruột và đi vào máu. Như vậy, cơ quan tiêu hóa nào cũng có men tiêu hóa để phân hóa và chuyển hóa thức ăn, chất dinh dưỡng nuôi cơ thể.

Khi nào đường ruột yếu hay người bệnh bị viêm teo ruột kéo dài, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, u xơ nang tuyến tụy, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật, sau mổ cắt dạ dày, sau một đợt dùng kháng sinh kéo dài... mới cần dùng men tiêu hóa hỗ trợ theo đơn hay chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Linh khuyên, khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, ba mẹ cần tìm ra nguyên nhân hoặc đi khám bác sĩ để điều trị đúng và kịp thời. Nếu thực sự là do hệ tiêu hóa giảm bài tiết men thì bác sĩ phải xem trẻ thiếu men gì để bổ sung cho phù hợp. Sau đó, khi trẻ ăn tốt hơn, hệ thống tiêu hóa của cơ thể lại tự tiết ra các men tiêu hóa thì nên dừng uống.

Men tiêu hóa cũng phải dùng như thuốc, có liều lượng, cách dùng, theo dõi sau khi dùng. Thời gian sử dụng men tiêu hóa mỗi đợt không nên quá 10 ngày.

"Mặc dù men tiêu hóa không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng không nên lạm dụng vì có thể khiến trẻ bị phụ thuộc. Lâu dần, cơ thể không sản sinh hoặc sản sinh ít enzym có tác dụng kích thích tiêu hóa. Trong mọi trường hợp, tốt nhất phụ huynh nên tư vấn bác sĩ để có thể bổ sung men tiêu hóa phù hợp, an toàn cho trẻ", bác sĩ Linh cho biết.

Ngoài ra, có thể bổ sung men tiêu hóa tự nhiên cho trẻ từ trái cây, rau và các thực phẩm khác. Ví dụ, mật ong có men amylase và protease, xoài và chuối có men amylase, đu đủ có men papain, trái bơ có men tiêu hóa lipase... Dưa cải muối, kim chi, sữa chua... cũng là những nguồn bổ sung men tiêu hóa lý tưởng cho trẻ.

Theo VietQ