Tự ý dùng bia giải độc rượu, ngộ độc càng nghiêm trọng

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa xử trí cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật bị ngộ độc rượu công nghiệp methanol. Trong quá trình cấp cứu, bác sĩ truyền 15 lon bia vào đường tiêu hóa để giải rượu đang khiến dư luận xôn xao. Theo Bộ Y tế, truyền bia, rượu để giải độc rượu (tại cơ sở y tế) đã được quy định trong hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc ban hành năm 2015.

tu-y-dung-bia-giai-doc-ruou-ngo-doc-cang-nghiem-trong

Các chuyên gia y tế cảnh báo, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải rượu, tránh tình trạng ngộ độc nghiêm trọng hơn. Ảnh: TL

Đây không phải là phương pháp mới

Lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đây không phải là phương pháp mới. Từ năm 2015, Bộ Y tế đã xây dựng phác đồ chẩn đoán và xử trí ngộ độc, trong đó có ngộ độc rượu Methanol.

Tại Quảng Trị, các bác sĩ đã áp dụng giải độc Methanol cho bệnh nhân bằng cách sử dụng Ethanol đường uống (sử dụng Ethanol có trong bia). Với cách làm này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh quy định dùng rượu uống (chọn loại an toàn, có ghi rõ độ cồn), pha loãng thành rượu có nồng độ 20% (1ml chứa 0,16g Ethanol) và cho liều ban đầu 4ml/kg để uống hoặc nhỏ giọt vào sonde dạ dày, khi uống có thể pha thêm đường hoặc nước quả. Sau liều ban đầu này có thể cho uống liều duy trì, bằng khoảng 1/10 liều ban đầu.

Trong quá trình sử dụng Ethanol đường uống, các bác sĩ cần theo dõi nồng độ Ethanol trong máu (nếu có điều kiện), duy trì 100-150mg/dL. Theo dõi tri giác, nôn, uống thuốc, tình trạng hô hấp, mạch, huyết áp, đường máu, điện giải máu. Xử trí tai biến và cần đảm bảo bệnh nhân được cung cấp đủ Glucose. Bác sĩ sẽ ngừng Ethanol khi bệnh nhân đạt các tiêu chuẩn sau: Khoảng trống thẩm thấu máu về bình thường hoặc nồng độ Methanol máu dưới 10m/dL. Tình trạng nhiễm toan chuyển hóa như mô tả trên và lâm sàng (đặc biệt thần kinh trung ương) đã cải thiện.

Theo ông Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu - chống độc, trong cái khó về điều kiện chẩn đoán, cách làm của các bác sĩ ở Quảng Trị "truyền" 15 lon bia để giải ngộ độc rượu cho bệnh nhân là rất đáng khen. "Về mặt nguyên lý, sử dụng bia để giải độc rượu Methanol là cách làm không có gì lạ. Ngộ độc rượu chứa Methanol gây tổn thương tim, gan, thận, mắt… bệnh nhân, cần phải lọc máu để lấy Methanol ra", ông Bình nói.

Tuy nhiên, trong trường hợp không kịp lọc máu hoặc cần phải chờ đợi thì có thể tạo một cuộc "tranh chấp": Đưa thêm Ethanol vào cơ thể qua đường uống. "Khi đó gan sẽ ưu tiên chuyển hóa Ethanol và thời gian ưu tiên đó bác sĩ sẽ lọc máu để lấy Methanol và cứu bệnh nhân", ông Bình chia sẻ.

Trong tình huống ở Quảng Trị, bác sĩ đã dùng bia để tạo cuộc "tranh chấp", do hàm lượng cồn Ethanol trong bia là 4,5% nên cần số lượng nhiều để phù hợp với chỉ định, vì vậy bác sĩ đã truyền 15 lon bia theo đường uống cho bệnh nhân. Ông Bình cho biết: "Đây là quyết định đáng khen ngợi, do trong tình huống cấp thiết không kịp chuyển bệnh nhân đi các bệnh viện có điều kiện xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ đã quyết định áp dụng biện pháp này. Biện pháp này tuy không lạ nhưng như tôi cũng chưa bao giờ áp dụng và quan trọng là kết quả cứu được bệnh nhân".

Không nên hiểu nhầm việc giải độc rượu bằng bia

Đó là khẳng định của BS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai trước thông tin nhiều người thắc mắc, liệu có phải uống bia có thể giải độc rượu sau sự việc các bác sĩ đã phải dùng tới gần 5 lít bia truyền vào dạ dày kết hợp việc lọc máu để cứu bệnh nhân ngộ độc rượu nguy kịch.

Theo BS Lương Quốc Chính, trong trường hợp ngộ độc rượu mà các bác sĩ vừa cứu sống ở Quảng Trị, người bệnh bị ngộ độc Methanol chứ không phải Ethanol. Nôm na, có thể hiểu 2 loại rượu này có tác dụng hóa giải lẫn nhau, cho nên khi cho người bệnh uống Ethanol (truyền bia vào dạ dày) thì sẽ làm mất tác dụng của Methanol có trong cơ thể (máu).

Ngoài cách truyền bia vào dạ dày của bệnh nhân để giải độc Methanol thì các bác sĩ cũng có thể dùng nhiều cách khác để giải độc như bồi phụ kiềm đường tĩnh mạch hay lọc máu cấp cứu.

BS Lương Quốc Chính khẳng định: “Ca này sống vì lọc máu. Một số thông tin đưa ra không chính xác sẽ gây hiểu nhầm việc uống rượu xong uống bia để giải độc. Việc phác đồ điều trị ngộ độc rượu phải là phát hiện sớm và lọc máu là giải pháp duy nhất để cứu người bệnh nhất là bệnh nhân nặng sống chứ không phải sống vì "bơm bia". Người dân không nên hiểu sai về việc truyền bia vào cơ thể để giải độc. Bởi ngộ độc rượu nặng sẽ được các bác sĩ cứu bằng cách truyền bia vào dạ dày chứ không phải truyền qua đường tĩnh mạch như nhiều người vẫn lầm tưởng”.

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì việc truyền bia để giải độc rượu đúng là một phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế, do các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ Methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết, bia bản chất là rượu loãng có nồng độ 4,5-5%. Cách cấp cứu này cũng đúng, nhưng chỉ trong bệnh viện và trong hoàn cảnh cấp cứu hồi sức của bác sĩ chuyên khoa hồi sức chống độc mới làm được. ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh: “Việc xác định bệnh là do bác sĩ chẩn đoán, sau đó điều trị theo phác đồ, có tính toán, có liều lượng theo cơ sở khoa học. Người dân tuyệt đối không tự làm theo, bắt chước theo có thể gây nguy hại”.

Chiều 11/1, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo thông tin về việc điều trị ngộ độc Methanol, trong đó đưa ra nhiều khuyến cáo về việc sử dụng rượu bia để giải độc như thời gian vừa qua báo chí đã thông tin.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo hướng dẫn xử trí ngộ độc Methanol của Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải Methanol ra khỏi cơ thể người bệnh. Ngoài ra, trong quá trình lọc máu thải độc, Ethanol cũng có thể được sử dụng theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với Methanol có trong máu.

Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ có thể tạm thời trì hoãn việc chuyển hóa Methanol thành các độc chất (axit formic và format) gây hại cho người bệnh và phải được thực hiện tại cơ sở y tế, theo hướng dẫn chuyên môn và chỉ định của bác sĩ. Ông Nguyễn Trọng Khoa cũng đưa ra các khuyến cáo với người dân khi phát hiện có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu. Theo đó, khi phát hiện các dấu hiệu thì phải đến cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời.

Ông Nguyễn Trọng Khoa khuyến cáo: "Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu, bia gây ra; không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu. Nếu đã ngộ độc Ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia thì có mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng hơn".

 

Theo GiaDinh