Từ vụ hàng loạt trẻ mầm non nhập viện khi ăn tiệc 20/11: Chuyên gia cảnh báo những sai lầm trong xử lý ngộ độc

Trẻ nhỏ rất dễ bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không biết xử lý đúng cách, rất dễ khiến tình trạng của trẻ trầm trọng thêm.

Trẻ nhỏ dễ là “nạn nhân” của ngộ độc thực phẩm

Mới đây, thông tin hơn 200 trẻ em bị ngộ độc thực phẩm tại Trường Mần non Xuân Nộn (huyện Đông Anh, Hà Nội) sau bữa tiệc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam đã khiến dư luận hoang mang. Theo đó, sau khi ăn bữa trưa và bữa phụ chiều tại trường, nhiều trẻ đã phải nhập viện với các biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài, đau đầu và sốt. Sau khi đánh giá tình hình, Sở Y tế Hà Nội xác định nguyên nhân sơ bộ là nhiễm khuẩn tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm.

Thực tế, việc trẻ nhỏ bị ngộ độc thực phẩm tập thể không phải là hiếm. Ngày 28/10, tại Bệnh viện quận Tân Phú (TP HCM) đã tiếp nhận khoảng 40 trường hợp bị đau bụng, nôn ói, đi tiêu phân lỏng, mệt mỏi. Hầu hết các bệnh nhân là trẻ em trong độ tuổi từ 7 đến 12 tuổi. Nguyên nhân được cho là do trẻ ăn bánh mì chà bông (ruốc) tại một buổi lễ của nhà thờ nên dẫn đến ngộ độc.

Hay trước đó, ngày 5/10, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cũng tiếp nhận khoảng 250 đến 300 cháu học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng vào kiểm tra, điều trị nghi bị ngộ độc thực phẩm do có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, sốt, người mệt mỏi sau bữa ăn tập thể ở trường.

tu-vu-hang-loat-tre-mam-non-nhap-vien-khi-an-tiec-20-11-chuyen-gia-canh-bao-nhung-sai-lam-trong-xu-ly-ngo-doc

Trẻ nhỏ dễ bị ngộ độc thực phẩm do hệ tiêu hóa còn yếu, dễ bị vi khuẩn tấn công. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị ngộ độc thực phẩm do hệ tiêu hóa còn yếu, dễ bị vi khuẩn tấn công. Vì vậy, nếu trẻ ăn hoặc uống phải các thực phẩm "có vấn đề", cơ thể trẻ sẽ có những dấu hiệu phản ứng.

Các triệu chứng của ngộ độc tùy thuộc vào mức độ trẻ bị nhiễm độc nặng hay nhẹ. Tuy nhiên, dấu hiệu thường thấy ở trẻ bị ngộ độc thực phẩm là trẻ bị nôn hoặc buồn nôn. Có nhiều trường hợp, tình trạng nôn, nôn khan có thể kéo dài vài giờ đồng hồ. Với những trường hợp nặng, trẻ có thể bị nôn ra máu.

Bên cạnh đó, trẻ xuất hiện cảm giác đau bụng kèm theo bị tiêu chảy liên tục dẫn đến bị mất nước trầm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị sốt hoặc sốt cao. Tình trạng sốt cũng tùy thuộc vào tác nhân gây ra ngộ độc cho trẻ. Với những trường hợp sốt cao trên 38 độ kèm tiêu chảy sẽ rất nguy hiểm và phải có phương án xử lý kịp thời.

Nguyên nhân khiến trẻ bị ngộ độc thực phẩm

- Trẻ ăn phải các thực phẩm bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, nhiễm vi sinh vật gây bệnh.

- Ăn các loại đồ ăn chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chưa được nấu chín

- Trẻ ăn/uống phải các nguồn thực phẩm chứa độc tố (nước nhiễm độc; thịt cóc; thịt cá nóc chưa loại bỏ hết độc tố...) hoặc nhiễm độc từ dư lượng các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực phẩm trên thực phẩm.

Làm gì khi trẻ có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm?

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi trẻ có những dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn, đầu tiên, bố mẹ phải ngừng ngay không cho trẻ ăn món đó nữa.

Sau đó, giúp trẻ nôn ra hết những loại thực phẩm trước đó trẻ đã ăn. Với những trẻ nhỏ, bố mẹ có thể lấy tay móc họng cho trẻ, tuy nhiên, nên làm nhẹ nhàng, đúng tư thế để tránh trẻ sợ hoặc thức ăn sặc lên mũi ảnh hưởng đến đường hô hấp của trẻ.

Tiếp đó, nếu trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng, bố mẹ pha oresol theo đúng tỷ lệ để bổ sung nước cho trẻ, tránh trường hợp trẻ nôn và đi ngoài nhiều dẫn đến bị mất nước trầm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng.

Sau khi sơ cứu, nếu thấy tình trạng của trẻ không cải thiện, trẻ mệt lả thì đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Những lưu ý khi xử lý ngộ độc cho trẻ

Theo các chuyên gia, nhiều bố mẹ thấy con bị mất nước thường có thói quen ép con uống thật nhiều oresol. Tuy nhiên, thay vì pha theo đúng tỷ lệ và cho con uống từ từ, bố mẹ lại pha quá nhiều và bắt con uống hết cùng một lúc khiến việc bù nước không mang lại hiệu quả, thậm chí, nhiều trường hợp còn khiến tình trạng đau bụng, tiêu chảy của trẻ nặng hơn.

Bên cạnh đó, việc vội vàng cho con dùng thuốc cầm tiêu chảy cũng là một sai lầm. Bởi lẽ, khi trẻ bị ngộ độc mức nhẹ, chỉ cần lượng thức ăn này được “tống” ra ngoài, tình trạng ngộ độc của trẻ có thể thuyên giảm.

Nếu bố mẹ cho trẻ uống ngay thuốc trị tiêu chảy, nhiều trường hợp vô tình khiến vi khuẩn, độc tố không những không bị đào thải mà còn tích tụ bên trong cơ thể khiến trẻ càng bị đau bụng và tình trạng trầm trọng hơn.

Mặt khác, không tùy tiện truyền dịch cho trẻ tại nhà. Việc dùng thuốc gì, liệu lượng bao nhiêu trong trường hợp trẻ bị ngộ độc phải dựa trên sự chỉ dẫn của bác sĩ, bố mẹ không tùy tiện dùng cho con để tránh gây hại.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho trẻ

- Chọn thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng

- Chế biến hợp vệ sinh, đảm bảo cho trẻ ăn chín uống sôi

- Không cho trẻ ăn các loại thực phẩm bị mốc, thực phẩm đã bị ôi thiu

- Bảo quản thực phẩm hợp lý. Thức ăn chế biến cho trẻ nhỏ không nên để quá lâu trong tủ lạnh

- Không cho trẻ ăn các loại quà vặt bày bán ở lề đường, những nơi ô nhiễm, nhiều khói bụi

- Dạy trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

- Khi đi ăn hàng quán, cần chọn những nơi có uy tín, chỉ nên ăn những món đã nấu chín, mới chế biến.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Theo GiaDinh