TS Khuất Thu Hồng: Niềm tin vu vơ và tính thực dụng đã "đẻ ra" tranh cướp lộc

“Ngày nay người ta đi lễ đền, chùa để cầu lợi với hy vọng được buôn may, bán đắt, sẽ trở nên giàu có... Chính vì tính thực dụng cao hơn rất nhiều nên tôi không ngạc nhiên khi thấy đám đông tranh cướp lộc”.

Đây là quan điểm của TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội xung quanh câu chuyện cướp lộc tại lễ hội Đền Gióng (Sóc Sơn), chùa Hương (Mỹ Đức) đang nóng dư luận những ngày gần đây.

TS Khuất Thu Hồng: Niềm tin vu vơ và tính thực dụng đã

TS Khuất Thu Hồng

Người ta đi lễ với mục đích rất rõ ràng

TS Khuất Thu Hồng cho rằng, mỗi người có một cách lý giải khác nhau về hiện tượng tranh cướp lộc ở các lễ hội, nhưng trong con mắt của bà thì nguyên nhân là do cách duy trì, thực hiện lễ hội hiện nay.

Các lễ hội hiện đang “mặc cái áo quá chật” cho một cơ thể đã phát triển nên không phù hợp với thực tế xã hội khi mà số lượng người tham dự lễ hội lớn hơn trước đây rất nhiều.

Hay cái cách người ta nghĩ về lễ hội, niềm tin về tôn giáo tín ngưỡng cũng rất khác so với trước đây.

TS Khuất Thu Hồng cho rằng, bây giờ người ta đi lễ hội, chùa chiền thực dụng hơn rất nhiều. Ngày xưa, các cụ đi lễ hội là để thể hiện sự thành kính với ông thành hoàng, vị anh hùng dân tộc nào đó hay một vị thánh thần nào đó.

Cái sự đi lễ hội ấy thể hiện sự sùng kính, niềm tin với người đó, trông đợi vào lòng thành kính của mình sẽ được các vị đó biết đến.

“Còn ngày nay người ta đi dự lễ hội, đi đến các chùa chiền, đền thờ để vụ lợi với hy vọng đến đấy sẽ được buôn may, bán đắt, sẽ trở nên giàu có... cho nên mục đích đi lễ hội ngày nay đã khác với ngày xưa.

Chính vì tính thực dụng cao hơn rất nhiều cho nên tôi không ngạc nhiên khi người ta đến lễ hội đã có những cách hành xử rất là tham lam như vậy.

Bởi lẽ, với tính thực dụng có sẵn nên họ muốn đến đó phải được cái gì mang về cho nên phải lao vào tranh, cướp”- TS Khuất Thu Hồng nói.

TS Khuất Thu Hồng: Niềm tin vu vơ và tính thực dụng đã

Hình ảnh cướp lộc tại Chùa Hương ngày khai hội mới đây 

Trả lời câu hỏi phải chăng do phần đông người dân mất niềm tin vào đời sống thực tại nên họ tìm đến thánh thần, vào thế lực vô hình, TS Khuất Thu Hồng khẳng định, thời nào cũng có người tin vào thế lực siêu nhiên nhưng hiện nay niềm tin ấy cũng rất thực dụng theo nghĩa người ta mong được những lợi ích về vật chất.

“Cái vật chất ấy phải được thể hiện rõ ràng bằng cách cầm nắm được, ít nhất là một cái lộc người ta cướp được để tin rằng mình sẽ được may mắn, mong muốn của mình sẽ được lắng nghe, sẽ được tưởng thưởng sẽ được đền đáp. Nó thể hiện ra bằng hành động tranh cướp của họ”- TS Khuất Thu Hồng nhận định.

Còn việc mất niềm tin vào thực tế cuộc sống, TS Hồng cũng cho rằng đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người đi lễ.

Bởi  vì những vấn đề của cuộc sống hôm nay làm cho người ta cảm thấy thất vọng, nên họ tìm đến những thế lực khác với một niềm tin rất mơ hồ.

“Vì người ta thấy trong thực tế cuộc sống có thể những người lương thiện, chân chính chưa chắc đã gặp may mắn mà có thể còn bị thua thiệt trong khi những người láu cá hơn người ta lại may mắn hơn.

Chính vì thế, phần đông người dân không tin vào sự chăm chỉ, làm ăn đàng hoàng chân chính nữa mà tin vào sự may mắn. Mà sự may mắn ấy là cái không ai biết được bao giờ nó xảy ra, có đến với mình hay không?

Ai sẽ là người được may mắn ấy cho nên họ phải đi tìm ở đâu đó, ở những thế lực siêu nhiên, ở đền ở chùa bằng cách đi cầu, đi cúng, đi dự lễ, đi cướp lễ, dâng lễ…”- TS Hồng phân tích.

Hiệu ứng đám đông khiến họ “a dua”

TS Khuật Thu Hồng cũng cho biết, bản thân bà không bao giờ đi lễ vào đúng hội. Nếu ở đền thờ, chùa nào có phong cảnh đẹp thì sẽ đi vào những dịp không ai đi.

“Mình đi muốn đến vãn cảnh, tham quan di tích đó chứ không phải đi với mục đích cầu cúng được cái gì. Bản thân chưa bao giờ tham gia vào đám đông cướp lộc đó.

Thực ra cũng có một hai lần đi do bạn bè rủ nhưng khi thấy đám đông như thế rất sợ và phải chạy ra ngay, chứ không bao giờ dám tham gia vào cả.

Mình không tin vào lộc thánh, không tin vào việc đó, cho nên không tham gia để tranh cướp”- TS Khuất Thu Hồng nói.

Chính bởi hầu hết những người đi chùa với động cơ mong đạt được điều gì đó nên, khi đến chùa, gặp cảnh phát lộc, TS Hồng cho rằng: trong hiệu ứng đám đông họ phải cướp được lộc ở nơi đó về.

Và họ tin với việc có lộc đó thì có thể họ sẽ có được may mắn trong cuộc sống.

“Xuất phát điểm của những người đi tham dự lễ hội cơ bản đều mong muốn được sức khỏe, tiền bạc, công danh… Động cơ của họ đi là để được phù hộ.

Đến nơi trong tình huống một đám đông chen lấn, xô đẩy như thế ai cũng muốn có được lộc mang về  nếu không lấy được giống như việc tham gia lễ hội ấy thất bại, thua thiệt hoặc thiếu may mắn nếu như không có lộc trong tay… cho nên thấy mọi người tranh cướp mình cũng phải tranh cướp.

Có thể lúc đi thì họ cũng không nghĩ đến chuyện phải tranh cướp như vậy nhưng trong đám hỗn loạn và mọi người đều cướp thì hiệu ứng đám đông khiến cho người ta có những ứng xử vượt ra khỏi kiểm soát của bản thân”- TS Khuất Thu Hồng nêu.

Giải bài toán này, TS Khuất Thu Hồng cho rằng khá khó và cần phải rất nhiều thời gian để cho người dân nhận ra những niềm tin ấy rất vu vơ.

Hay như việc giáo dục thế hệ trẻ cách xếp hàng, cách nhường nhịn, cách không chen lấn, xô đẩy chỗ đông người… Công việc này đòi hỏi thời gian với sự phối hợp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.

“Tuy nhiên, giải pháp trước mắt theo tôi có thể giải quyết ngay được đó là việc tổ chức lễ hội cần phải xem xét lại.

Lễ hội hiện nay bị thương mại hóa rất nhiều, mục đích lợi nhuận rất lớn nên đôi khi bị thần thánh hóa cho rằng đền này thiêng, chùa kia nhiều lộc…khiến người dân đổ xô đến”- TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Theo infonet