Truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ QR Code: Cần sự phối hợp Nhà nước - Doanh nghiệp

Các chuyên gia khẳng định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một trong những giải pháp chống hàng giả, bảo vệ doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng.

Tem QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm là giải pháp thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu muốn biết tường tận về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của người tiêu dùng, từ khâu sản xuất cho đến quá trình vận chuyển, bảo quản trước khi đến tay khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tạo dựng và định vị được thương hiệu "chính hãng" trong tâm trí người tiêu dùng.

Truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ QR Code: Cần sự phối hợp Nhà nước - Doanh nghiệp

Truy xuất nguồn gốc thông qua tem QR Code giúp minh bạch thông tin sản phẩm và chống được hàng giả 

Xét dưới góc độ của doanh nghiệp, tem QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm là bí quyết gia tăng hiệu quả truyền thông và bán hàng trong thời buổi hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan gây ra tâm lý lo ngại đến người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ dễ dàng xử lý các lô hàng kém chất lượng hoặc hàng giả và giúp cho việc kiểm soát hàng hóa đưa vào thị trường diễn ra minh bạch, rõ ràng, qua đó hạn chế lượng hàng kém chất lượng, hàng giả lưu thông trên thị trường.

Từ đó giúp người tiêu dùng được tiếp cận một hệ thống cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ nhất, truy xuất nguồn gốc về sản phẩm từ khâu sản xuất, nguyên liệu, đóng gói và vận chuyển phân phối.

Hiện nay, mặc dù đã có một số mô hình mã số mã vạch (MSMV) nhưng số doanh nghiệp, số lượng hàng hóa của Việt Nam ứng dụng công nghệ MSMV vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn thấp.

Ông Trần Giang Khuê, Phụ trách Văn phòng phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho rằng, các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu. Khó khăn trước hết là nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng các biện pháp chống hàng giả bằng phương pháp cũ, trong khi đó công nghệ làm hàng giả ngày càng tinh vi.

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua tem, nhãn trên sản phẩm hoặc qua hồ sơ lưu trữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của cơ quan chức năng cũng còn nhiều hạn chế bởi tem, nhãn thông thường không thể hiện đầy đủ thông tin truy xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như chưa xây dựng hoặc thực hiện các chương trình bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa đầy đủ, còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm còn mang tính tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ.

Ông Khuê cho rằng, ngoài việc Nhà nước có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, các doanh nghiệp cũng cần tạo dựng thương hiệu và ứng dụng MSMV để tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Từ đó người tiêu dùng mới yên tâm và tin tưởng với sản phẩm mà mình mua.

"Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc triển khai truy xuất nguồn gốc thông qua công nghệ QR Code, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, cùng một phần mềm nhưng check được sản phẩm này nhưng lại không check được sản phẩm kia vì thiếu đồng bộ", ông Khuê nói.

Thực tế cho thấy rằng, hiện nay việc sử dụng công nghệ MSMV vào việc chống hàng giả cũng đang có rất nhiều vấn đề đáng bàn. Trong đó, phải nói đến là việc triển khai tem truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế: Mã vạch áp dụng phục vụ truy xuất nguồn gốc chưa được chuẩn hóa về hình thức và nội dung, thiếu các quy định cụ thể đối với việc khai báo, giám sát và đảm bảo thông tin truy xuất nguồn gốc. Các giải pháp đọc tem chưa thân thiện, phổ thông dẫn đến tình trạng tem nơi đọc được thông tin nơi không, gây hiểu lầm không đáng có đối với người tiêu dùng.

Trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm 2017, Bộ KH&CN khẳng định đã nghiên cứu và tìm hiểu kinh nghiệm triển khai trên thế giới và thấy được các tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn liên quan đến hoạt động truy xuất nguồn gốc của Tổ chức Mã số mã vạch Quốc tế GS1 mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đại diện cho Việt Nam là thành viên chính thức và các tổ chức quốc tế khác là nền tảng cơ bản để xây dựng các văn bản quản lý đối với tem truy xuất nguồn gốc.

Theo đó, việc quy định thống nhất về hình thức, nội dung đối với tem truy xuất nguồn gốc nguồn gốc để không nhầm lẫn với các dấu hiệu khác trên sản phẩm, quy định về kích thước, chất lượng tem để đảm bảo có thể đọc được, quy định về các giải pháp đọc tem truy xuất nguồn gốc, quy định về trách nhiệm của các tổ chức cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc… sẽ được Bộ KH&CN triển khai trong thời gian tới.

Theo VietQ