Trứng gà, trứng ngỗng: Trứng nào bà bầu nên ăn?

Trứng ngỗng nặng gấp 4 lần trứng gà, tuy nhiên giá trị dinh dưỡng lại kém xa.

Dân gian vẫn thường truyền tai về việc phụ nữ có thai nên ăn trứng ngỗng thay vì ăn trứng gà để trẻ có thể thông minh và học giỏi, liệu điều này có đúng?

Trước hết xét về giá trị dinh dưỡng:

Giá trị dinh dưỡng trong 100 g trứng ngỗng gồm: 13 g protein; 14,2 g lipid; 360 mcg vitamin A; 71 mg canxi; 210 mg phosphor; 3,2 mg sắt; 0,15 mg vitamin B1; 0,3 mg vitamin B2; 0,1 mg vitamin PP…

Giá trị dinh dưỡng trong 100 g trứng gà gồm: 14,8 g protein; 11,6 g lipid; 700 mcg vitamin A; 55 mg canxi; 2,7 mg sắt; 1,29 mcg vitamin B12…

Như vậy so hàm lượng các vitamin, protein trong trứng ngỗng thua trứng gà, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai. Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà.

Trứng gà, trứng ngỗng: Trứng nào bà bầu nên ăn?

Trứng ngỗng nặng gấp 4 lần trứng gà, nhưng giá trị dinh dưỡng lại kém xa. Ảnh: Internet

Điều này được chuyên gia dinh dưỡng BS. CKI. Trần Thị Minh Nguyệt (Viện Nutifood Việt Nam) khẳng định:  “Trứng gà rất giàu dinh dưỡng với  thành phần các chất protein, lipid, gluxit, vitamin và chất khoáng có tỷ lệ hợp lý, có giá trị sinh học cao, rất tốt cho sức khỏe.

Cho đến nay, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh ăn trứng ngỗng thay cho trứng gà sẽ giúp con thông minh, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong trứng ngỗng cũng không có gì nổi bậc hơn trong trứng gà mà lại đắt tiền hơn rất nhiều.”

Hơn nữa, nếu nhìn vào bảng giá trị dinh dưỡng có trong 100g trứng, ta thấy trong trứng ngỗng có hàm lượng cholesterol và giàu lipid, thai phụ có thể bị béo phì và cholesterol máu cao nếu lạm dụng những thực phẩm giàu lipid và cholesterol như trứng ngỗng.

Lý giải về sự thông minh ở trẻ, Bác sĩ Minh Nguyệt chia sẻ: “Muốn con thông minh cần phối hợp nhiều yếu tố di truyền, dinh dưỡng bà mẹ khi mang thai, dinh dưỡng cho trẻ sau khi sinh ra và quá trình nuôi dạy, kích thích trẻ phát huy hết tiềm năng trí tuệ, sáng tạo” chứ không phụ thuộc vào việc ăn trứng ngỗng hay không.

Để đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn, “bà mẹ mang thai cần cung cấp đầy các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và thai nhi, cần ăn đa dạng càng nhiều loại thực phẩm càng tốt, không nên ăn quá nhiều và thường xuyên một loại thực phẩm nào chỉ vì những lời mách nhau như ăn trứng ngỗng con sẽ thông minh.

Cần phải đảm bảo ăn đủ năm nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn chính gồm bột đường, đạm, béo, rau củ quả, trái cây, ăn vừa đủ no, bổ sung sữa và sản phẩm từ sữa vào khẩu phần, đặc biệt các loại sữa dành cho mẹ bầu được bổ sung DHA rất tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi, nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần, mỗi tuần ăn 2-3 quả trứng gà hoặc vịt”, bác sĩ Nguyệt chia sẻ.

Theo plo