Triệt phá nơi sản xuất thảo mộc tẩm ma túy tại Đà Nẵng

Lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng vừa triệt phá điểm sản xuất loại ma túy mới trên địa bàn.

Trước đó, tại địa bàn phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng Hải Vân (BĐBP Đà Nẵng) bắt quả tang Ngô Văn Sang (31 tuổi, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), tạm trú Tổ 78, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đang vận chuyển 2 kg thảo mộc.

Sang khai nhận, đây là thảo mộc khô được tẩm chất ma túy, đang trên đường đi gửi cho một người mua ở TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) với giá 3 triệu đồng.

Mở rộng điều tra, lực lượng biên phòng khám xét khẩn cấp nơi tạm trú của Sang và thu giữ thêm hơn 28 kg thảo mộc khô và nhiều chất bột các loại, gần 5 lít tinh dầu và hóa chất cùng nhiều trang thiết bị, dụng cụ khác. Bước đầu, Sang khai nhận dùng các nguyên liệu này để sản xuất thảo mộc có tẩm tinh dầu và ma túy để bán. Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành làm rõ theo quy định pháp luật

triet-pha-noi-san-xuat-thao-moc-tam-ma-tuy-tai-da-nang

 Cơ quan chức năng triệt phá nơi sản xuất thảo mộc tẩm ma túy tại Đà Nẵng. Ảnh tư liệu

Hiện nay tại Việt Nam, đã xuất hiện chất ma túy được phun, tẩm vào sợi lá cây, thảo mộc sấy khô, tinh dầu thuốc lá điện tử để người dùng hút… dẫn đến nguy hiểm cho người sử dụng như gây ảo giác, kích thích, tạo sự lệ thuộc. Thượng tá, TS Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết, chất ADB-BUTINACA là một trong nhiều loại “cỏ Mỹ”. Gọi là “cỏ Mỹ” bởi nó có xuất xứ ban đầu từ các du học sinh tại Mỹ mang về Việt Nam. Hầu hết mọi người hút “cỏ Mỹ” bằng cách cuốn nó vào giấy bọc (như các loại thuốc lá cuốn tay) và đôi khi “cỏ Mỹ” còn được dùng kết hợp với cần sa. Một số người lại dùng “cỏ Mỹ” ngụy trang dưới dạng một loại trà thảo mộc. Một số khác lại mua “cỏ Mỹ” ở dạng lỏng để dùng cho thuốc lá điện tử,… Đây là những chất có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, gây ảo giác. Tuy nhiên, thành phần trong “cỏ Mỹ” thay đổi tùy thuộc vào thị trường mà người sản xuất muốn nhắm đến. Nếu thị trường là một quốc gia ngăn cấm cần sa thì thảo mộc được thay thế bằng một loại thực vật được phun, tẩm cần sa tổng hợp. Theo các chuyên gia, có thể xem “cỏ Mỹ” là hỗn hợp ma túy và có tác động dược lý giống cần sa nhưng mạnh hơn cần sa nhiều lần, ngoài ra còn có tác dụng giống ma túy đá nên rất nguy hiểm.

Một số người dùng “cỏ Mỹ” nói rằng họ trải qua trạng thái lo âu tột độ, họ cảm thấy như có ai đó đang cố hãm hại mình (hoang tưởng) và nghe, nhìn thấy những thứ không có thật (ảo giác). Đôi khi, người dùng lại có cảm giác thư thái và chỉ có những thay đổi rất nhỏ trong nhận thức. Các tác động khác bao gồm bị kích động nghiêm trọng, suy nghĩ vô tổ chức, ảo tưởng, hoang tưởng và bạo lực sau khi sử dụng “cỏ Mỹ”.

Theo Viện Khoa học hình sự, ở Việt Nam, “cỏ Mỹ” mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây và các nghiên cứu về tác động của “cỏ Mỹ” đến não bộ mới chỉ ở giai đoạn đầu. Những người có phản ứng tiêu cực với “cỏ Mỹ” có các triệu chứng như: Tim đập nhanh; nôn mửa; hồi hộp, lo lắng; cảm giác mơ hồ, lú lẫn; có các hành vi bạo lực; có ý định tự tử. “Cỏ Mỹ” cũng có thể làm tăng huyết áp và làm giảm lượng máu bơm về tim. “Cỏ Mỹ” cũng có liên quan trong một số ít các trường hợp suy tim và tử vong.

Thượng tá, TS Đặng Văn Đoàn cho hay, chúng ta vẫn không biết hết về những ảnh hưởng của “cỏ Mỹ” lên cơ thể con người cũng như mức độ độc hại của nó. Ngày càng có nhiều những ca cấp cứu và tử vong có liên quan đến “cỏ Mỹ” trên thế giới. Tại Mỹ có nhiều báo cáo rằng một số bệnh nhân có sử dụng “cỏ Mỹ” cần phải nhập viện và lọc máu do bị tổn thương thận cấp tính. Nếu không sử dụng “cỏ Mỹ”, người nghiện có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, lo âu, trầm cảm, khó chịu, bứt rứt.

Theo VietQ