Trẻ "rối" vì thiết bị công nghệ

Quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ có thể gặp nhiều bất lợi nếu phụ huynh phó mặc việc trông coi con em mình cho… các thiết bị công nghệ

Khi con trai 3 tuổi vào mẫu giáo, chị Ng.T.D (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) bắt đầu thấy lo bởi bé không thể hòa đồng với mọi hoạt động trong lớp vì hầu như không nói! Khi ở nhà, thỉnh thoảng bé cũng nói vài từ nhát gừng, lúc tiếng Việt, lúc tiếng Anh, có khi vô nghĩa.

Coi chừng mất cả chì lẫn chài

Mấy từ tiếng Anh con chị D. “học” được từ các clip vui trên YouTube hay vàitrò chơi game mà bé rất thích.

Chị D. từng rất hãnh diện vì con trai sớm biết xài máy tính bảng và khoe với nhiều người rằng bé rất ngoan, cứ ngồi một mình xem hết cái này đến cái kia, không phải vất vả trông nom như con người ta…

Trẻ “rối” vì thiết bị công nghệ
Những chương trình sử dụng tiếng nước ngoài có thể khiến trẻ “loạn” về ngôn ngữ nếu tiếp xúc

quá sớm và quá nhiều. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chị D. còn cho rằng con mình có năng khiếu ngoại ngữ nên cố tìm một trường mẫu giáo quốc tế.

Đến khi đưa con đi khám tại một bệnh viện (BV) nhi theo lời khuyên của giáo viên, chị mới hiểu ra từ trước đến giờ, ngôn ngữ của bé phát triển luôn không đạt được các mốc tương ứng độ tuổi.

Cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh bé đều không thể sử dụng được trong các tình huống cần giao tiếp hằng ngày.

Chị T.T.T (ngụ quận 2, TP HCM), mẹ của một cô con gái gần 4 tuổi, còn khổ sở hơn. Con chị nói ít và chỉ nói một số từ đơn giản bằng tiếng Anh.

Cô bé đã “nghiện” chiếc điện thoại thông minh và những trò chơi sử dụng Anh ngữ từ lâu nên từ chối mọi hoạt động khác.

Bé không thể tham gia một lớp mẫu giáo bình thường vì liên tục quấy khóc, không ăn uống, đập đầu, nôn ói… khi không được cho chơi điện thoại.

Sau khi tham khảo, biết con thua sút về mặt ngôn ngữ ở cả tiếng Anh và tiếng Việt, chị T. mới đưa bé đi điều trị tâm lý và âm ngữ trị liệu. Phải mất nửa năm, tình hình mới bắt đầu được cải thiện.

Theo bà Lê Thị Đào - cử nhân vật lý trị liệu, chuyên viên âm ngữ trị liệu Khoa Vật lý trị liệu BV Nhi Đồng 2 (TP HCM) - việc cho sử dụng điện thoại, máy tính bảng quá nhiều mà không biết cách kiểm soát, chọn lựa nội dung, hạn chế thời gian… sẽ gây nhiều trở ngại trong quá trình phát triển của trẻ.

Với việc tiếp xúc quá nhiều nội dung ngoại ngữ bằng các phương tiện trên, một số trẻ vẫn dễ dàng tiếp thu, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển tiếng mẹ đẻ nhưng một số khác có thể gặp rắc rối, nhìn chung là còn phụ thuộc vào khả năng từng bé.

Tuy nhiên, khi việc này làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển loại ngôn ngữ chính mà trẻ cần dùng để giao tiếp hằng ngày thì nên có sự điều chỉnh.

Lúng túng vì giao tiếp một chiều

Ông Hoàng Văn Quyên - cử nhân vật lý trị liệu, kỹ thuật viên trưởng Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) - phân tích: Môi trường giao tiếp qua các phương tiện như máy tính bảng, điện thoại là môi trường giao tiếp một chiều, không có sự tương tác.

Ngoài ra, phần lớn chương trình trên các thiết bị công nghệ này dùng tiếng Anh. Trong khi đó, ở cuộc sống gia đình thường ngày, trẻ lại giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Việt nên một số trẻ có thể bị “rối”, không biết vận dụng ra sao những gì mình tiếp thu. Hậu quả là không ngôn ngữ nào trẻ có thể sử dụng tốt được.

Bà Lê Thị Đào cho rằng điện thoại hay máy tính bảng chưa hẳn là không tốt với trẻ, điều quan trọng là cha mẹ phải biết cách quản lý việc sử dụng của con.

Hãy lựa chọn cho trẻ những chương trình phù hợp vì có nhiều chương trình, trò chơi giúp bé phát triển trí thông minh, kỹ năng, thậm chí phát triển về ngôn ngữ.

Cha mẹ cũng có thể chơi, coi phim hoạt hình cùng con để trẻ có cơ hội tương tác khi sử dụng thiết bị. Ngoài ra, nên giới hạn thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của trẻ.

Chọn một trong hai ngôn ngữ

Các chuyên gia khuyên rằng trong trường hợp trẻ gặp rắc rối vì tiếp xúc nhiều thứ tiếng quá sớm, cha mẹ nên đưa đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn.

Thông thường, cha mẹ được tư vấn chọn cho con một trong hai ngôn ngữ và tạm loại bỏ ngôn ngữ còn lại khỏi cuộc sống của trẻ.

Ngôn ngữ được giữ lại là ngôn ngữ trẻ cần sử dụng trong giao tiếp hằng ngày, thường là ngôn ngữ mẹ đẻ hay ngôn ngữ ở nơi mà trẻ đang sinh sống.

Trẻ sẽ được can thiệp để ngôn ngữ được chọn ấy phát triển tốt hơn, có thể theo kịp các bạn cùng trang lứa.

Theo nld