Trẻ ngoan không phải nhờ đòn roi mà từ tình yêu thương

“Trong giáo dục, lấy bạo lực sẽ chỉ sinh ra bạo lực. Trẻ ngoan không phải nhờ cây thước mà chính là phải để được tình yêu thương lan tỏa” - Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền (Thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế, NAFSA) chia sẻ.

Liên tiếp các vụ việc giáo viên phạt đánh, bắt học sinh quỳ trước lớp trong thời gian gần đây đã khiến dư luận bức xúc. Xung quanh câu chuyện này, Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh chuyên nghành giáo dục tại Đại học Newcastle, Australia và là thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA).

Ông đánh giá thế nào về thực trạng vi phạm đạo đức nhà giáo hiện nay, mà cụ thể là những vụ việc giáo viên phạt đánh học sinh?

- Có thể thấy việc vi phạm đạo đức nhà giáo hiện nay không còn chỉ là hiện tượng mà đã bắt đầu mang tính hệ thống. Dù các sự vụ xảy ra trước đó đã được xử lý nghiêm minh nhưng xu hướng vi phạm đạo đức nhà giáo trong môi trường giáo dục không có dấu hiệu giảm đi ngược lại nó xảy ra nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân từ những vụ việc bạo lực học đường mà giáo viên gây ra đến từ đâu?

- Nhiều người cho rằng do phụ huynh nuông chiều con, một số nhận định rằng do giáo viên quá áp lực. Nhìn từ các sự vụ xảy ra có thể nhận thấy rằng các hành vi giáo viên xử phạt học sinh trước hết do một số nguyên nhân phổ biến của các em: không chép bài, nói chuyện riêng, làm bài thi không tốt... Các hình phạt các cô thường áp dụng véo tai, tát tai, lấy thước đánh, bắt quỳ gối.

tre-ngoan-khong-phai-nho-don-roi-ma-tu-tinh-yeu-thuong

Hình ảnh học sinh quỳ gối, giáo viên đánh học sinh trong giờ kiểm tra khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Một số giáo viên và phụ huynh cho rằng, cần phải đánh roi, phạt quỳ mới giúp trẻ tiến bộ, ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi cho rằng, trong giáo dục, lấy bạo lực sẽ chỉ sinh ra bạo lực. Trẻ ngoan không phải nhờ cây thước mà chính là phải để được tình yêu thương lan tỏa. Bố mẹ không quan tâm yêu thương trẻ, thầy cô bạo lực với trẻ thì tất yếu nó sẽ dần vô cảm với con người và với xã hội, bạo lực cứ thế mà sinh sôi.

Tại sao những hình thức xử phạt này đã được cấm bởi các quy định của Bộ GD&ĐT nhưng giáo viên vẫn vi phạm?

- Có cô cho là đã “bất lực” trong việc giáo dục học sinh. Một số người cho rằng nước ngoài họ cũng áp dụng, một số khác đồng tình làm như vậy học sinh mới nên người... Nhưng thực tế các hành vi trên đi ngược lại các giá trị giáo dục văn minh, tiến bộ. Bạo lực chỉ sinh ra bạo lực thôi!

Nguyên nhân của hiện trạng trên không thể đổ cho bất kỳ lý do nào khác ngoài vấn đề lỗi hệ thống. Chúng ta đã và đang duy trì quá lâu mô hình giáo dục quan liêu, với cách giáo dục áp đặt từ trên xuống.

tre-ngoan-khong-phai-nho-don-roi-ma-tu-tinh-yeu-thuong

Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle, Australia. Ảnh: NVCC

Ông có thể nêu cụ thể hơn về mô hình giáo dục quan liêu là gì?

- Trong hệ thống này được thực thi theo chiều hướng trên xuống (Top down policy), vì vậy cấp dưới chỉ thực hiện và làm theo. Các cô chỉ là người thừa hành cuối cùng trong chuỗi quản lý quan liêu đó. Người chịu nhiều áp lực và áp bức nhất không ai khác là thầy cô, hệ quả các thầy cô phải dồn những áp lực đó lên học sinh của mình.

Để giải quyết tận gốc cần phải thay đổi cơ chế quản lý giáo dục, các tỉnh, huyện phải dần được trao quyền tự chủ trong việc xây dựng và đình hình mô hình giáo dục của địa phương mình phù hợp điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội văn hoá, địa lý nền nền tảng nhận thức và khả năng tiếp nhận giáo dục cho các em.

Vai trò của Bộ GD&ĐT trong quản lý hệ thống sẽ là như thế nào?

- Xoá bỏ cơ chế quản lý giáo dục quan liêu bằng mô hình giáo dục tự chủ thì tất yếu mọi vấn đề giáo dục hiện nay sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT với trò chủ quản trong việc định hướng các chính sách giáo dục cần tạo cơ hội cho các địa phương tự chủ trong việc quyết định các vấn đề giáo dục ở địa phương mình. Đây là mô hình giáo dục của các nước có nền giáo dục phát triển như Úc, Mỹ...

Giải quyết vấn đề giáo dục hiện nay, Bộ GD&ĐT nên tiếp cận theo cách nhìn hệ thống chứ không nên chạy theo kiểu chắp vá như hiện nay. Đó chỉ là cách dành cho nền giáo dục những năm 50, 60 của thế kỷ trước.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ nói trên!

Phạt học sinh quỳ trước lớp là hành vi lạm quyền

Theo GiaDinh