Tin 5/5: Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nền nhiệt giảm sâu; Bị đòi bồi thường, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm nói gì?

Tới cuối tuần (7/5), không khí lạnh sẽ tràn xuống miền Bắc khiến nền nhiệt giảm mạnh sau những ngày nắng nóng gay gắt; Nhiều bị hại trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân đề nghị được bồi thường thiệt hại.

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nền nhiệt giảm sâu

tin-5-5-mien-bac-sap-don-khong-khi-lanh-nen-nhiet-giam-sau-bi-doi-boi-thuong-ba-nguyen-phuong-hang-va-dong-pham-noi-gi

Đợt không khí lạnh sắp tới ở miền Bắc sẽ khiến nền nhiệt giảm sâu.

Theo Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn, từ hôm nay (5/5) đến 7/5, nắng nóng gay gắt diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt sẽ diễn ra ở phía Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Nhiệt độ ở những khu vực này sẽ tăng đến mức cao nhất 35-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm không khí 35-55%.

Riêng phía Đông Bắc Bộ, ngày 5/5 có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ, có nơi trên 37 độ, độ ẩm 45-55%. Khu vực Nam Bộ, từ nay đến 6/5, tiếp diễn nắng nóng diện rộng với mức nhiệt 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm cũng ở mức 45-55%.

Thời gian nắng nóng những khu vực trên chủ yếu diễn ra mạnh vào khoảng thời gian 11-17h trong ngày; đặc biệt phía Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Phú Yên ngày 5/5, khi nền nhiệt nhiều nơi vượt ngưỡng 39 độ thì thời điểm này kéo dài từ 10-18h. Thời tiết nắng nóng ở phía Đông Bắc Bộ và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng 6/5; từ 7/5, nắng nóng giảm dần. 

Cơ quan khí tượng dự báo, tới đêm 7/5, một đợt không khí lạnh sẽ tràn xuống miền Bắc gây mưa rào và dông rải rác, nền nhiệt giảm mạnh sau những ngày nắng gay gắt.

Bị đòi bồi thường, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm nói gì?

tin-5-5-mien-bac-sap-don-khong-khi-lanh-nen-nhiet-giam-sau-bi-doi-boi-thuong-ba-nguyen-phuong-hang-va-dong-pham-noi-gi

Ông Đặng Anh Quân tại thời điểm công an tống đạt và thực hiện bắt tạm giam.

Ngày 3/5, nguồn tin từ TAND TPHCM cho biết, đơn vị này đã nhận được cáo trạng và toàn bộ hồ sơ vụ án từ Viện KSND TPHCM truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Bốn đồng phạm với bà Hằng trong vụ án này là ông Đặng Anh Quân (tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM), Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương) và Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương).

Theo cáo trạng, lợi dụng sức ảnh hưởng cá nhân, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục tổ chức các buổi livestream để nói về nhiều nội dung chưa được kiểm chứng và phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự cá nhân của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ) cùng chồng là Lê Công Vinh (cựu cầu thủ bóng đá), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu và bà Trương Thị Việt Hà. 

Các bị can là Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân dù không mâu thuẫn với những nghệ sĩ, ca sĩ, cá nhân nêu trên, nhưng do là nhân viên và hưởng lương từ bà Hằng nên liên tục thực hiện các hành vi giúp sức tích cực cho bà Hằng. Bà Nguyễn Phương Hằng còn mời tiến sĩ luật, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM là ông Đặng Anh Quân tham gia những buổi livestream nhằm tăng độ tin cậy cho những phát ngôn của mình. Mỗi khi bà Hằng phát ngôn xúc phạm người khác thì ông Quân cùng tương tác, phát ngôn góp phần cổ vũ bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Ông Đặng Anh Quân đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với bà Nguyễn Phương Hằng trong 11 buổi livestream. Tại cơ quan điều tra, bị can này khai nhận tham gia livestream là do muốn an ủi và thấu hiểu đối với bà Hằng.

Bé gái sơ sinh nặng 4 kg bị bỏ rơi giữa đường

Sáng sớm 4/5, người dân thôn Hòa Lâm (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) phát hiện một bé gái bị bỏ rơi ở ngã 3 đường liên thôn.

Bé gái có cân nặng khoảng 4 kg, độ dưới một tháng tuổi. Thời điểm phát hiện, bé được để trong túi giấy màu đỏ đặt dưới đất. Người thân bé không để lại thư hay vật dụng gì.

Ông Nguyễn Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Duy Trung, cho biết sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã đến ghi nhận sự việc.

Cháu bé sau đó được đưa đến nhà một người dân gần đó để chăm sóc. Địa phương đang thông báo để tìm người thân cháu bé.

Nhiều cơ sở ăn uống ở Hà Nội bị phạt vì nhân viên "không cắt móng tay"

Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vừa công bố danh sách các cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm tháng 4/2023.

Theo đó, UBND quận Hai Bà Trưng đã xử phạt 9 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt 88 triệu đồng. UBND cấp phường trên địa bàn quận xử phạt 28 cơ sở vi phạm, tổng số tiền 56 triệu đồng.

Đáng chú ý, theo danh sách công bố, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bị phạt bởi hành vi " người trực tiếp chế biến thức ăn không cắt ngắn móng tay ".

Cụ thể, nhà hàng Asahi Sushi - Cty TNHH Thương mại Long Đình (địa chỉ 286 - 288 Bà Triệu) bị phạt 4 triệu đồng vì "người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay".

Cùng với lỗi tương tự, Cty Cổ phần Toàn Minh Giang (địa chỉ 65 - 67 Triệu Việt Vương) cũng bị phạt 4 triệu đồng; cơ sở Mỳ cay Sasim (địa chỉ tại 121 Trần Đại Nghĩa) bị UBND cấp phường xử phạt 2 triệu đồng; cơ sở Cơm Thanh Nga (kiot 10 - A1 Tạ Quang Bửu) bị phạt 2 triệu đồng; cơ sở bún chả (địa chỉ số 299 Bạch Mai) bị phạt 2 triệu đồng.

Một số cơ sở khác bị xử phạt vì hành vi "không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín, thức ăn ngay"; "nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập"; "thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn"; "bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh"…

Những đối tượng tiêm vắc xin bắt buộc

Liên quan đến một số bệnh của trẻ do khoảng trống về tiêm chủng mở rộng trong thời gian 3 năm chống dịch COVID-19, tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh mới đây, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân nhấn mạnh các địa phương cần đẩy nhanh rà soát, lập danh sách trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc xin.

Cụ thể, đối tượng, lịch tiêm chủng vắc xin bắt buộc trong Tiêm chủng mở rộng được quy định như sau:

Trẻ sơ sinh: tiêm vắc xin viêm gan B.

Trẻ dưới 1 tuổi: Tiêm vắc xin BCG (lao), bOPV (bại liệt), DPT-VGB-Hib (vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, IPV (vắc xin bất hoạt phòng bệnh bại liệt), sởi.

Trẻ 1 - 5 tuổi: tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B.

Trẻ 18 - 24 tháng: tiêm vắc xin sởi-rubella, DPT (bạch hầu, ho gà, uống ván).

Phụ nữ có thai: tiêm vắc xin uốn ván.

Lịch tiêm chủng các vắc xin khác đưa vào Tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới bao gồm:

Trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi: vắc xin IPV mũi 2. Hiện vắc xin này tiếp tục được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 9 tháng tuổi trên toàn quốc theo dự án do GAVI hỗ trợ.

Trẻ 7 tuổi: tiêm vắc xin phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 7 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố.

Trẻ dưới 1 tuổi: vắc xin Rota.

Các vắc xin được đưa vào trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin Bộ Y tế, tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy 67 triệu trẻ em trên toàn cầu, trong đó có gần 250.000 trẻ em Việt Nam, bị bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vắc xin trong hơn ba năm dịch COVID-19.

Lí do là các dịch vụ tiêm chủng bị gián đoạn vì hệ thống y tế quá tải, nguồn lực khan hiếm và bị phân tán, tình trạng xung đột và dễ bị tổn thương, sự sụt giảm niềm tin của người dân vào tiêm chủng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF kêu gọi các nỗ lực bắt kịp tiêm chủng ở quy mô lớn cho tất cả trẻ em đã bỏ lỡ lịch tiêm chủng định kì trong khoảng thời gian xảy ra đại dịch, khôi phục độ bao phủ thiết yếu ít nhất là bằng với mức của năm 2019 để tránh bùng phát các căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin trong thời gian sắp tới. Về lâu dài, hệ thống y tế cơ sở cũng cần được tăng cường để hỗ trợ việc tiêm chủng định kì.

Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới 2023 cho thấy 48 triệu trẻ em trên toàn cầu đã không được tiêm liều vắc xin nào, hay còn gọi là "0 liều vắc xin". Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em "0 liều vắc xin" nhiều nhất thế giới, với số lượng 187.315 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vắc xin nào trong năm 2021.

Tại Việt Nam, số liệu cho thấy tỉ lệ trẻ em không được tiêm chủng ở thành thị cao hơn khoảng 1,5 lần so với trẻ em sống ở nông thôn (6,3% - 4,2%). Trong khi tỉ lệ này ở nhóm các hộ gia đình nghèo nhất cao gần gấp đôi so với nhóm các hộ gia giàu nhất (13,5% - 6,6%).

"Uống vui vài chén rượu", lái tàu bị tước giấy phép chuyên môn 2 tháng

tin-5-5-mien-bac-sap-don-khong-khi-lanh-nen-nhiet-giam-sau-bi-doi-boi-thuong-ba-nguyen-phuong-hang-va-dong-pham-noi-gi

Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn với lái tàu H. (Ảnh: Công an cung cấp).

Ngày 3/5, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, khoảng 9h30 cùng ngày, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1 do Đại úy Nguyễn Xuân Đông làm tổ trưởng, tuần tra trên sông Hồng đã phát hiện tàu thủy số hiệu VP-18xx có dấu hiệu vi phạm tại km 225 trên sông Hồng, huyện Phúc Thọ (Hà Nội).

Theo cảnh sát, vào thời điểm kiểm tra, trên tàu, ngoài lái tàu Đ.Đ.H. (SN 1981 ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) còn có một số thuyền viên khác.

Qua kiểm tra nồng độ cồn với lái tàu H., tổ công tác phát hiện anh này vi phạm ở mức 0,321 miligram/lít khí thở.

Nói với cảnh sát, lái tàu Đ.Đ.H. thừa nhận, khi ăn sáng có "uống vui vài chén rượu" và nghĩ rằng trên sông nước thì không có chuyện bị kiểm tra nồng độ cồn.

Với vi phạm trên, tổ công tác đã lập biên bản xử lý lái tàu Đ.Đ.H. Theo đó, anh H. sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng và tước giấy phép chuyên môn 2 tháng.

Thiếu tá Hà Trọng Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1, cho biết, kết thúc mùa khô, bước vào mùa mưa bão, dự kiến mực nước sông Đà, sông Hồng sẽ lên cao, đơn vị đã chủ động tuyên truyền an toàn giao thông đường thủy nội địa trên toàn tuyến, tập trung vào những khu vực có nhiều bến đò ngang và người trực tiếp điều khiển phương tiện đường thủy.

Theo đó, lực lượng chức năng sẽ tuyên truyền, nhắc nhở người dân mặc áo phao, thực hiện các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông đường thủy và đặc biệt, người điều khiển phương tiện đường thủy tuyệt đối không được sử dụng rượu bia.

Theo GiaDinh