Tiết lộ chiêu trò tinh vi của vị bác sĩ làm giả bệnh án tâm thần cho "giang hồ"

Thông qua Sơn, Tùng đã kết nối và nhờ Phong thực hiện “phi vụ” làm giả hồ sơ tâm thần với mục đích hòng thoát tội.

Ngày 3/3, một nguồn tin cho biết VKSND TP Hà Nội mới đây đã hoàn tất bản cáo trạng truy tố Thân Thái Phong (cựu bác sĩ , phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi, BV Tâm thần Trung ương I – gọi tắt là BV) về tội nhận hối lộ và Nguyễn Tuấn Sơn (kỹ thuật viên trưởng Khoa dinh dưỡng BV) về tội môi giới hối lộ.

Ngoài ra, vụ án còn một bị can khác là Lê Thanh Tùng (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị truy tố về tội đưa hối lộ.

tiet-lo-chieu-tro-tinh-vi-cua-vi-bac-si-lam-gia-benh-an-tam-than-cho-giang-ho

Hai bị can Lê Thanh Tùng và Thân Thái Phong. Ảnh: NĐT

Theo cáo trạng, đêm 27/10/2017, Lê Thanh Tùng cùng nhóm bạn đến một quán bar trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại đây, nhóm của Tùng xô xát với một nhóm khác; nhóm Tùng dùng dao và hung khí gây thương tích cho ba người phía đối phương.

Tiếp nhận trình báo, Công an quận Hoàn Kiếm vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án. Biết sẽ bị bắt, Lê Thanh Tùng bỏ trốn.

Trong thời gian này, được người quen “mách nước” trốn tội, Tùng liên hệ với Nguyễn Tuấn Sơn nhờ giúp làm bệnh án tâm thần giả. Sơn đồng ý và đặt vấn đề với Thân Thái Phong. Hai bên thống nhất mức giá để làm hồ sơ bệnh án giả là 85 triệu đồng.

Theo NĐT, để thực hiện tiếp “phi vụ” này, Phong đưa một bệnh nhân chậm phát triển do Phong trực tiếp điều trị đi chụp X - quang tim, phổi và điện não đồ.

Khi có các kết quả chiếu chụp của bệnh nhân chậm phát triển trên, Phong đã lấy kết quả này đưa vào hồ sơ bệnh án của Tùng.

Ngoài ra, vị Phó trưởng khoa tâm thần còn tự lấy máu của mình cho vào ống bệnh phẩm ghi tên Lê Thanh Tùng để lập phiếu xét nghiệm sinh hoá máu và phiếu xét nghiệm tế bào ngoại vi, rồi gửi đi xét nghiệm. Khi có kết quả, Phong đã đưa vào hồ sơ bệnh án của Tùng, hợp thức hóa một cách tinh vi.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ bệnh án của Tùng (với các số liệu giả), Phong đưa bệnh án này cho nhân viên hành chính nhập số hiệu, vào sổ y lệnh, sổ theo dõi thuốc, sổ theo dõi ra vào viện…

tiet-lo-chieu-tro-tinh-vi-cua-vi-bac-si-lam-gia-benh-an-tam-than-cho-giang-ho

Ảnh minh họa

Tinh quái hơn, khi có bệnh án rồi, Phong lại viết vào hồ sơ: “Gia đình xin cho bệnh nhân ra viện. Hiện bệnh tạm ổn định. Giải quyết cho bệnh nhân ra viện”. Theo hồ sơ này thì Tùng bị “Tâm thần phân liệt thể Paranoid” (một dạng hoang tưởng).

Chưa dừng ở đó, trong quá trình làm hồ sơ cho Tùng, Phong nghe ngóng có thông tin bệnh viện sẽ kiểm tra định kỳ, vì vậy, Phong đã yêu cầu Sơn gọi cho Tùng đến bệnh viện, mặc quần áo người bệnh, sinh hoạt như một bệnh nhân đang điều trị nội trụ tại bệnh viện để đảm bảo quân số.

Trên thực tế, Tùng không cần nằm viện, không cần khám nhưng vẫn có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh về “bệnh án tâm thần” nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị bắt về tội Cố ý gây thương tích mà hắn và đồng bọn đã gây ra.

Nhưng tất cả màn kịch của Tùng, Phong và Sơn đã bị cơ quan điều tra lật tẩy, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Qua vụ án cho thấy hành vi của các đối tượng không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn góp phần bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để các đối tượng hoạt động phạm tội công khai, lộng hành nhưng vẫn trốn tránh được việc xử lý của các cơ quan thi hành pháp luật.

Theo GiaDinh