Tiền trường đầu năm học 2020 - 2021: Phụ huynh vẫn "đau đầu" nhiều khoản không phục vụ học sinh

Bước vào năm học 2020 - 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 song nhiều phụ huynh vẫn “oằn mình” đóng các khoản tiền, trong đó khoản nặng gánh đó là tiền xã hội hóa, quỹ Ban Phụ huynh mà phần lớn số tiền chi chưa phục vụ học sinh.

tien-truong-dau-nam-hoc-2020-2021-phu-huynh-van-dau-dau-nhieu-khoan-khong-phuc-vu-hoc-sinh

Đầu năm học, các khoản tiền trường được biến tướng luôn là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh. Tranh minh họa: TL

Nhiều khoản Ban Phụ huynh không được phép thu

Thời điểm này, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa tổ chức họp phụ huynh đầu năm học. Đối với những trường đã tổ chức họp chỉ lấy ý kiến, xin các xác nhận của phụ huynh đối với các khoản thu thỏa thuận (theo quy định).

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội năm học 2020 - 2021, ngoài học phí (trừ tiểu học miễn học phí), các trường công lập sẽ có các khoản thu thỏa thuận bao gồm: Tiền phục vụ bán trú; học 2 buổi/ngày; chăm sóc bán trú; trang thiết bị phục vụ bán trú (mầm non).Bên cạnh đó, có thêm các khoản tiền ăn, tiền nước uống. Các khoản thu hộ bao gồm: Các loại quỹ Đoàn, Đội, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế…

Với khoản tiền học thêm thực hiện thanh, quyết toán tiền học thêm theo đúng quy định hiện hành. Mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được thông qua Hội đồng Giáo dục trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị. Đối với khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu cha mẹ học sinh hoặc Ban Đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định.

Ban Đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh.

Không được thu các khoản: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, an ninh nhà trường; trông coi phương tiện học sinh; vệ sinh trường lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Việc thu, chi kinh phí của Ban Đại diện cha mẹ học sinh không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân.

Liên quan đến vấn đề tiền trường, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã có hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2020-2021 gửi tới UBND các quận, huyện, thị xã và những cơ sở giáo dục trực thuộc.

Trong đó nhấn mạnh, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu chi sai quy định. Ngoài ra, Sở và các Phòng GD&ĐT cũng sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra tình hình thu chi tại các trường học và xử lý nghiêm nếu vi phạm.

Quỹ phụ huynh chưa vì… học sinh

Trong khi nhà trường cũng mới chỉ thông báo lấy ý kiến các khoản thu trong quy định, khoản thu thỏa thuận… Đầu năm học Ban Phụ huynh một số trường học tại Hà Nội đã xây dựng phương án dự trù kinh phí hoạt động của năm học và tổ chức thu.

Theo ghi nhận, khoản đóng góp này hoàn toàn do Ban Phụ huynh trường, lớp đứng ra xây dựng phương án dự trù năm học và tiến hành thu từ phụ huynh.

Một số Ban Phụ huynh trường có mức thu từ 200.000 - 300.000đ/ học kỳ. Đối với kinh phí Ban Phụ huynh lớp thường giao động từ 300.000 - 500.000 đồng (tùy từng lớp học) và thêm khoản đóng góp xã hội hóa khác.

Tuy nhiên, mục đích của chi tiêu của Ban Phụ huynh chưa được phụ huynh hài lòng bởi đa số phần kinh phí hoạt động này chưa vì học sinh và có phần "làm thay" nhà trường.

Phụ huynh Trần Văn Tuấn có con học THCS tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: "Năm ngoái, do ảnh hưởng bởi COVID-19, nên nhà trường không tổ chức các hoạt động gì đáng kể mặc dù Ban Phụ huynh trường đã thu quỹ của học sinh.

Khi chúng tôi thắc mắc tại sao năm ngoái không hoạt động gì mà năm nay vẫn thu 300.000đồng/học sinh thì được giải thích là các khoản năm ngoái đã chi hết vào các hoạt động, sự kiện và thăm hỏi, quà cáp, "phong bì" nhà trường, giáo viên vào các dịp lễ…

Trong khi cả năm các con không tham gia các hoạt động gì, kết thúc năm học, mỗi con chỉ nhận được vài cuốn vở phần thưởng".

Tương tự, phụ huynh Nguyễn Thanh Hương (ở Hoàng Mai, Hà Nội) có con học tiểu học và THPT cho biết: "Mặc dù trong buổi họp phụ huynh đầu năm học vừa qua, nhiều phụ huynh nói rằng thời buổi khó khăn cần phải tiết kiệm, song Ban Phụ huynh trường vẫn giữ nguyên mức thu như năm ngoái, còn quỹ lớp thì tăng thêm.

Danh mục khoản chi quỹ lớp cho các con chỉ chiếm 1/3 số tiền. Không biết nhà trường có kinh phí để sửa chữa lớp học không mà năm nào lớp cũng đứng ra thay thế một số mặt bàn, ghế bị hỏng, thay bóng đèn, vá và sơn chỗ tường bong lở… Khoản chi "ngoại giao" nhà trường, giáo viên" ngày lễ, Tết cũng chiếm gần nửa tổng quỹ.

Chưa kể, khi tôi thắc mắc tiền quỹ không được dùng để lắp đặt thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất thì được giải thích là đó là khoản xã hội hóa được thu gộp vào quỹ lớp luôn cho thuận tiện, có tách ra thì cũng như nhau".

Theo các chuyên gia giáo dục, đầu năm học phụ huynh cần nắm rõ các quy định các khoản thu trong trường học. Nếu thấy vô lý, dứt khoát từ chối nộp nếu cố tình thu sai phải phản ánh tới các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời ngăn chặn lạm thu.

"Để dứt điểm lạm thu tiền trường, Bộ GD&ĐT cần có nghiên cứu những khoản gì đã được Nhà nước đầu tư và chưa được đầu tư thì đề xuất Nhà nước tiếp tục đầu tư.

Nếu chưa đầu tư được nữa thì lập thành danh mục để xã hội hóa và thực hiện công khai, minh bạch. Trường học nào làm sai thì Hiệu trưởng chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm bằng các biện pháp cụ thể như cách chức, hạ lương...", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất.

Đầu năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT trên phạm vi cả nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn; Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu.

Đặc biệt, nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban Đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo GiaDinh